Đầu tháng 3.1903, hai nhà khảo cổ người Pháp là Henri Parmentier và Charles Carpeaux đã đến khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khai quật và nghiên cứu các di tích Chămpa mà Trường Viễn Đông Bác cổ (VĐBC) ở Đông Dương giao cho họ. Kết quả làm việc của hai ông này được lưu lại qua hiện vật thu được, qua tư liệu và ảnh chụp đã được lưu giữ ở nhiều nơi thuộc Đông Dương và Pháp sau đó.
Bảo tàng Guimet - Pháp, nơi lưu giữ nhiều tư liệu quan trọng của hai nhà khảo cổ này, vào năm 2005 đã cho ra mắt ấn bản “Missions archéologiques francaise au Vietnam - Les monuments du Champa: Photographies et intinéraires 1902 - 1904”, trong đó đã cho biết nhiều chi tiết về cuộc khai quật ở Mỹ Sơn nói trên.
Tóm tắt hành trình
Cuộc khai quật Mỹ Sơn được mô tả khá chi tiết trong cuốn sách của Bảo tàng Guimet, người viết lược dịch:
Ngày 10.3.1903, H. Parmentier và Ch.Carpeaux lên đường đến khu di tích Mỹ Sơn với những mục tiêu và sứ mệnh như từng làm ở Đồng Dương trước đó. Ch. Carpeaux viết: “Tôi tin rằng cuộc khai quật này sẽ rất lâu, vì nó có vẻ quan trọng hơn”. Từ ngày 11.3.1903 đến 3.2.1904, công cuộc khai quang và nghiên cứu đền đài Mỹ Sơn diễn ra… Những đền tháp này nằm rải rác trong một chu vi khá lớn, thuộc một thung lũng được bao quanh bởi núi và cách xa nơi có dân sinh sống. Cuộc sống ở đây đặc biệt khó khăn; cái nóng ngột ngạt, thú vật hoang dã và nguy hiểm, cùng với khí hậu độc hại đã làm Ch. Carpeaux cũng như nhiều công nhân mệt mỏi. Chỉ H. Parmentier có vẻ thích nghi khá tốt với những điều kiện thái quá này.
Họ xây lán trại ở chân núi. Đó là nơi trú ngụ hết sức bấp bênh và thiếu tiện nghi. Họ ghi lại: “Những hàng giậu cao 4m che chở chúng tôi chống lại “ông Cọp” đã chứng tỏ không vô ích lắm vì vùng này rất rậm rạp, nhiều loại thú như heo rừng, cũng như cọp làm công nhân khiếp sợ”. Ngày 18.6.1903, Carpeaux ghi lại trong sổ tay: “Người chủ nhà cũ của chúng tôi đã bị cọp ăn vào chiều hôm qua lúc 7 giờ rưỡi, trong khu rừng cau nhỏ, nơi có chuồng ngựa của chúng tôi. Nghe tiếng động trong rừng, ông ta tưởng đó là tiếng con nghé bị lạc nên đi tìm và đã bị con hổ chụp cổ mang đi”. Những loài bò sát, nhện, bò cạp… được mô tả khá đẹp trong ghi chép của các nhà khảo cổ, với sự đa dạng và thú vị của chúng, đem đến sự hấp dẫn cho vùng đất. Về phần thảo mộc thì: “Chỉ vài tháng sau khi hoàn tất công việc, chúng lại tràn ngập các không gian đã được phát quang, cao hơn đầu người, che lấp các kiến trúc cổ tầm thấp”.
Những điều kiện khó khăn này không ngăn trở công việc đang diễn tiến hiệu quả tương tự như ở Đồng Dương. Chính bộ phận phía tây của công trường là nơi tập trung nhiều nỗ lực nhất của các nhà khảo cổ. Ở đó tập trung rất nhiều đền đài (nhóm tháp B, C, D theo xếp loại của H. Parmentier), cái này sát cái kia với một lớp cây cối chằng chịt bao bọc và che kín. Một trong những đền đài của tổng thể này được Ch.Carpeaux chỉ rõ là “tháp chính” và có thể đó là tháp C1 - được trưng dụng cho việc rửa ảnh, do ở đó có bóng tối.
Vào tháng 4.1903, Ch. Carpeaux ghi trong nhật ký: “Việc khai quật diễn tiến rất tốt, chúng tôi đã tìm thấy vài tượng lớn, và làm lộ ra khỏi mặt đất 14 nhà trạm, nhà nguyện, chưa kể các tháp”. Đây cũng chính là thời điểm thiết kế những trụ tời (ba-lan) lớn để nâng những khối sành tìm thấy trên công trường.
Ngày 21.3.1903, việc khám phá các di tích mới được bắt đầu, đó là một nhóm tháp A’ bị lún nhào ngửa gần như ngang mặt đất nằm bên cạnh khu đền tháp chính - nơi có tháp A1 tráng lệ. Ngày 3.4.1903, cái nhà tranh đã được dựng một cách vất vả bên sườn đồi cuối cùng cũng đã sẵn sàng đón chủ. Carpeaux và Parmentier sẽ không bị buộc quay về thung lũng trước giờ chạng vạng - giờ mà hổ đặc biệt ưa thích săn mồi. Kể từ tháng 6.1903, trong cái nóng ngột ngạt, những người thợ bắt đầu khai quang khu vực phía đông nơi có những đền đài thuộc nhóm A và A’. Vài ngày trước khi giám đốc của Trường VĐBC đến thăm, hai nhà khảo cổ tập trung khai quang tháp A1, tháp chính của khu vực.
Những ngày cuối cuộc khai quật
Sự hiện diện của ông Louis Finot - Giám đốc Trường VĐBC trên công trường suốt 10 ngày chứng tỏ sự quan trọng của công việc khai quật này. Nhưng, một trong những sự kiện chính của công cuộc khai quật hoặc ít nhất là một trong những cảnh tượng đẹp đẽ nhất chắc chắn phải là việc khám phá tình cờ của Ch. Carpeaux vào ngày 21.8.1903 về một tập hợp những mảnh kim hoàn quý giá đựng trong một hũ bằng đất nung bị vùi lấp dưới chân tháp C7. Cùng với những đồ trang sức mang tính thần thánh này còn có thêm hai linga bằng vàng đặt trên cái thùng tắm bằng bạc.
Tiếp đến là các nhóm tháp E và F được khai quang và phát lộ. Đây là những nhóm thuộc về thời kỳ cổ xưa nhất của nghệ thuật Chăm. Điều đó đã tạo cơ duyên cho H. Parmentier tìm hiểu về phong cách nghệ thuật của thời kỳ này - phong cách duyên dáng du nhập từ Ấn Độ. Vào cuối mùa hè và mùa thu năm 1903, công việc tập trung trong chu vi nhóm tháp này. Tháng 10 và 12 quá ẩm ướt ở Quảng Nam, đặc biệt khó khăn, trong khi đó công việc còn quá nhiều. Ngày 23.12.1903, Ch.Carpeaux đã nói trong thư gửi cho mẹ ông: “Con còn phải trải qua Giáng sinh và năm mới trong rừng. Nếu buồn, con sẽ xuống Đà Nẵng tổ chức một tiệc Noel nhỏ vui vẻ mà con rất thích. Nhưng, khi được hỏi về điều đó, Parmentier đã trả lời con: “Hãy đi, nếu bạn muốn, nhưng nhớ rằng tôi sẽ dừng tiến hành công việc ở đây”. Trong những điều kiện như vậy, con sẽ ở lại, vì nếu làm theo cách khác sẽ là quá đành đoạn”.
Việc Henri Dufour (một kiến trúc sư được Trường VĐBC bổ sung - NV) đến vào ngày 19.1.1904 không làm giảm đi sự ủ ê vào thời gian cuối của công trường khai quật. Ông ta chưa kịp thực hiện được chút hỗ trợ nào cho công việc ở Mỹ Sơn đã phải quay trở lại Đà Nẵng vì sức khỏe suy yếu do bị một con bò cạp chích. Sau đó, công trường đóng cửa vào ngày 7.2.1904.
Di tích và tư liệu
Hệ thống đền tháp ở Mỹ Sơn được phát lộ trong cuộc khai quật đã được H.Parmentier ký hiệu bằng mẫu tự la tinh (cách gọi này được dùng đến ngày nay) và ghi chép cẩn thận trong các nhật ký khảo cổ của mình. Ngoài ra, hệ thống bia đá Chăm có khắc văn bia đã được quy tập vào một “sân bia” tại khu di tích Mỹ Sơn ngay trong thời gian khai quật từ tháng 3.1903 đến tháng 2.1904. Cùng với đó là những ảnh chụp từ hiện trường của Ch. Carpeaux. Đó là bộ ảnh rất quý ghi lại diện mạo khu di tích Mỹ Sơn ở lần đầu tiên được khai quật. Trong gần cả trăm ảnh chụp về cuộc khai quật Mỹ Sơn mà bảo tàng Guimet công bố trong cuốn sách nói trên, có những tấm ảnh về những di tích nay đã hoàn toàn bị mất dấu trên thực địa do bom Mỹ tàn phá thời chiến tranh.
Trong số những hiện vật quan trọng được H. Parmentier và Ch. Carpeaux tìm thấy qua cuộc khai quật nói trên, cuốn sách của nhà bảo tàng Guimet đặc biệt chú ý đến ba bảo vật: Bức tượng thần Ganesha tìm thấy ở tháp B3 vào cuối tháng 7.1903; tượng Skanda được tìm thấy ở gần tháp B3 cũng vào cuối tháng 7.1903, và kho báu chứa trong vại đất nung (Jarre en terre cuite contenant le tresor) được phát hiện phía sau tháp C7 vào tháng 8.1903. Cả ba báu vật này từng được giới khảo cổ người Pháp cho trưng bày ở Đà Nẵng và Hà Nội hồi đầu thế kỷ 20.