Chính quyền tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương nỗ lực hợp tác bằng những phương thức cụ thể để đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 2023 một cách tốt nhất.
Nhận diện ách tắc
Đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước, kết nối trung tâm hành chính huyện Duy Xuyên, quốc lộ 1, quốc lộ 14H không thể hoàn thành đúng như hợp đồng thi công. Trong đó, những nhịp cầu qua sông Bà Rén, kết nối làng lụa Mã Châu sang Cụm công nghiệp Duy Trung dang dở sau hơn 4 năm đầu tư vừa được tiếp tục thi công.
Giữa trưa nắng, một kỹ sư bày thiết bị đo độ nén mặt đường dẫn nhịp cầu phía tây thi công dang dở nói nhà thầu đã tìm mua được đất đắp ở Nông Sơn để có thể tiếp tục thi công dự án. Tuy nhiên, có đủ đất hay bao giờ dự án này hoàn thành thì không thể xác định được.
Trong khi đó, dự án Đường vành đai phía Bắc Quảng Nam kết nối giao thông Đà Nẵng mới phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư trong tháng 3/2023. Hiện dự án trong giai đoạn thẩm định, phê duyệt điều chỉnh...
Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (chủ đầu tư dự án) cho hay chính quyền địa phương đang tiến hành giải phóng mặt bằng. Trung ương đã bố trí năm 2023 là 118 tỷ đồng. Còn 100 tỷ đồng vốn đối ứng của tỉnh sẽ được phân bổ sau. Nếu bây giờ có đưa vốn về cũng sẽ không tiêu nổi.
Còn công trình hồ chứa nước Lai Nghi (dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An) vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng nên thi công chậm, chưa có khối lượng để giải ngân. Trên công trường hiện chỉ vài ba máy đào xúc, ít nhân công.
Ba dự án trên có thể “đại diện” cho hàng trăm dự án đầu tư công đang gặp khó, không thể đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân theo kế hoạch. Các cơ quan quản lý, các chủ đầu tư viện dẫn lý do giải ngân yếu: kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài chỉ mới được cấp thẩm quyền phê chuẩn vào tháng 5/2023; nhiều dự án đang điều chỉnh chủ trương, quy mô đầu tư, vướng mặt bằng; khan hiếm nguồn vật liệu đất đắp, cát xây dựng; các dự án ODA phụ thuộc các nhà tài trợ trong việc xem xét, có ý kiến không phản đối về kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu của các gói thầu cũng như dự thảo hợp đồng xây lắp.
Theo báo cáo ngày 14/7/2023 của UBND tỉnh gửi Bộ KH-ĐT, tính đến hết ngày 30/6/2023, tổng vốn đầu tư công 2023 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) đã giải ngân hơn 1,9 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 20,6% (kế hoạch vốn năm 2023 đạt 19,2%, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài đạt 28%), thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (29,9%).
Dữ liệu khác cho thấy có đến 10 sở, ban, ngành và 3/18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%. Ngay cả ba ban quản lý dự án chuyên ngành cũng nằm trong số có tiến độ giải ngân ì ạch.
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam, thiếu đất đắp nền đường nên nhiều công trình thi công rất chậm. Nhiều công trình không thể thi công.
Các nhà thầu phản ánh các mỏ đất tại Quảng Nam được cấp phép có trữ lượng đất đắp nền đường rất ít. Nhiều mỏ đất không hoạt động... Nhà thầu rất khó khăn để mua hoặc mua được đất thì giá bán rất cao so với thời điểm dự thầu và công bố giá.
Chạy đua giải ngân
Theo kế hoạch, đến hết quý III/2023 giải ngân đạt trên 60%, hết quý IV trên 90%. Riêng kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân đạt 100% và đến hết ngày 31/1/2024 giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023.
Mối quan tâm của chính quyền hiện tại là làm thế nào để có thể giải ngân hết kế hoạch vốn khi tỷ lệ giải ngân đang quá thấp, lại đứng trước nhiều khó khăn về thủ tục, cơ chế và rất ít thời gian còn lại của năm để triển khai thi công các dự án và khó có thể điều chuyển vốn qua lại giữa các dự án.
Chính quyền tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư không đùn đẩy trách nhiệm, phải có phương án hữu hiệu hỗ trợ cụ thể chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng.
Một động thái khác không kém phần quan trọng, có thể tạo ra động lực mới khi quyết định gắn nhiệm vụ giải ngân với thi đua khen thưởng, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu - một căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.
“Người đứng đầu các địa phương phải đặt công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công là một trong những nhiệm vụ quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Các vị này phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh nếu các dự án đầu tư công triển khai trên địa bàn do mình quản lý, nhất là các dự án trọng điểm, vốn đầu tư lớn bị chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang nói.
“Nạn” khan hiếm vật liệu xây dựng sẽ được giải quyết bằng việc yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, phối hợp với sở, ngành liên quan, tham mưu cấp thẩm quyền bổ sung quy hoạch, tiến hành đấu giá các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để cung cấp nguyên vật liệu phục vụ xây dựng các công trình sử dụng vốn nhà nước.
Chính quyền tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công và các sở chuyên ngành cần rút ngắn tối đa thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu để kịp tiến độ giải ngân vốn theo yêu cầu.
Các chủ đầu tư (bên mời thầu) lựa chọn nhà thầu chặt chẽ, công khai, minh bạch. Không được đưa ra các điều khoản nhằm hạn chế nhà thầu tham gia, tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, kéo dài thời gian. Các dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, khẩn trương tổng hợp hồ sơ, thủ tục quyết toán dự án hoàn thành.
Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị các chủ đầu tư phải nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật tình hình thực hiện dự án, tiến độ giải ngân và báo cáo các khó khăn, vướng mắc thông qua việc sử dụng hệ thống phần mềm quản lý đầu tư công của tỉnh.
Lãnh đạo các đơn vị chủ đầu tư cần tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập. Lãnh đạo UBND các cấp sẽ được giao phụ trách từng nhóm dự án cụ thể để kiểm tra đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Kế hoạch cụ thể này không thể thấy ngay kết quả trong ngắn hạn, nhưng hy vọng sẽ trở thành động lực mới trong việc chấm dứt tình trạng giải ngân ì ạch, chậm chạp vốn đã lưu cữu lâu nay.