Cuộc sống đảo lộn vì thời tiết khắc nghiệt

QUỐC HƯNG 10/01/2018 14:50

Người dân ở nhiều nước trên thế giới đang gồng mình gánh chịu hiện tượng thời tiết được xem bất thường trong nhiều năm qua.

Dọn tuyết để thông đường tạm thời tại Boston (Mỹ). Ảnh: Getty
Dọn tuyết để thông đường tạm thời tại Boston (Mỹ). Ảnh: Getty

Nhiệt độ nhiều bang tại Mỹ đang giảm sâu và trở thành một trong những nơi lạnh nhất hành tinh, băng tuyết bao phủ khắp mọi nơi. Tại bang New Hampshire ở miền đông bắc, có nơi nhiệt độ xuống thấp hơn âm 70 độ C, vượt qua cả lạnh giá của vùng Oymyakon, nằm ở phía đông bắc nước Nga, từng được biết đến là nơi lạnh nhất thế giới với mức nhiệt độ thấp kỷ lục đo âm 67,8 độ C. Hàng nghìn chuyến bay tại các sân bay bị hủy bỏ, nhiều cơ sở công cộng buộc phải đóng cửa vì bão tuyết và ngập lụt. Các thành phố lớn tại Mỹ như New York hay Boston cũng không tránh khỏi những trận bão tuyết nặng nề nhất kể từ nhiều thập kỷ qua. Trong vòng một tuần qua, tại Mỹ ghi nhận 20 người tử vong do thời tiết khắc nghiệt. Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cho hay, thiên tai vào năm ngoái khiến Mỹ thiệt hại 306 tỷ USD.

Tại Trung Quốc, hàng chục người chết và bị thương do bão tuyết rơi dày trong vài ngày qua. Nhiều địa phương như Thiểm Tây, Hà Nam, Hồ Bắc, Giang Tô... tuyết rơi dày 30 - 40cm, đây là mức kỷ lục về tuyết rơi trong tháng Một ở Trung Quốc. Thời tiết cực đoan khiến hơn 233.000ha đất nông nghiệp và hơn 8.100ha hoa màu bị hư hại, gây tổn thất kinh tế trực tiếp khoảng 5,55 tỷ NDT (tương đương 854 triệu USD). Ngoài ra, giao thông nhiều nơi bị tê liệt, hơn 3.700 người phải di dời và 14.000 người cần được hỗ trợ khẩn cấp. Trước tình hình thời tiết này, Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc vừa nâng mức cảnh báo lên màu vàng, mức cao thứ 3 trong hệ thống cảnh báo thời tiết 4 màu (đỏ, cam, vàng, xanh). Các nhà khí tượng Trung Quốc cho biết nước này chuẩn bị đối phó với mùa đông lạnh giá kỷ lục trong vòng 10 năm qua, khi bão tuyết vẫn tiếp tục tấn công trong những ngày tới.

Người dân Canada đang đón mùa đông băng giá khi nhiệt độ tại khu vực phía bắc tỉnh Ontario và Quebec đã xuống âm 50 độ C. Mặc dù người dân vùng Bắc Mỹ đã quen chống chọi với mùa đông dài buốt giá nhưng cái lạnh kỷ lục như năm nay thì chưa từng được ghi nhận. Chim cánh cụt được sinh ra để chịu lạnh, nhưng các nhà quản lý tại sở thú Calgar ở Canada vào cuối tuần trước buộc phải đưa chúng vào trong nhà tránh rét khi nhiệt độ xuống âm 28 độ C. Các nhà khí tượng Canada cho biết phải đến cuối tháng này, thời tiết sẽ ấm dần lên. Trước đó, nhiều hoạt động đón năm mới tại Canada bị hủy bỏ vì thời tiết tồi tệ.

Trong khi đó, nhiều thành phố tại Australia lại đang bước vào giai đoạn nắng nóng kỷ lục trong gần 80 năm qua, với nhiệt độ xấp xỉ 47,3 - 48 độ C. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân uống nhiều nước, không đi ra ngoài nếu không thật sự cần thiết nhằm tránh bị sốc nhiệt và cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Những ngày qua, nhiều người đã đổ xô đến các bãi biển để tránh nóng. Báo Australia cho biết, nước này sẽ trải qua nhiều đợt nắng nóng kỷ lục do biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ trên đất liền và người dân sở tại sẽ phải “quen” trong thời gian tới. Kể từ năm 1910, nhiệt độ tại Australia đã ấm lên khoảng 1 độ C.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc sống đảo lộn vì thời tiết khắc nghiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO