(QNO) - Bế mạc trại hè sáng tác văn thơ thiếu nhi TP.Tam Kỳ 2016, ấn tượng đọng lại là những tác phẩm phản ánh cuộc sống muôn màu dưới góc nhìn mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần độc đáo của lứa tuổi thiếu nhi.
Đây là lần đầu tiên trại sáng tác được Thành đoàn Tam Kỳ phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật và Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố tổ chức.
Các em thiếu nhi ghi chép cẩn thận làm tư liệu sáng tác. Ảnh: H.B |
Tham gia trại sáng tác có 39 em học sinh tiêu biểu đại diện cho hơn 14.000 thiếu niên, nhi đồng toàn thành phố. Trong 2 ngày (18 và 19.7), các em được tham quan thực tế những di tích lịch sử, điểm hẹn văn hóa như: Văn thánh Khổng miếu, Địa đạo Kỳ Anh, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Nhà lưu niệm đồng chí Võ Chí Công, làng bích họa Trung Thanh ở xã Tam Thanh, tìm hiểu và trải nghiệm nghề dệt chiếu Thạch Tân ở xã Tam Thăng, giao lưu với trẻ em tại các trung tâm bảo trợ xã hội và nghe các chiến sĩ biên phòng kể chuyện biển đảo… Sau đó là 1 tuần lễ để các em cảm thụ và sáng tác.
Thầy giáo Nguyễn Tấn Sĩ - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật TP.Tam Kỳ, phụ trách hướng dẫn trại sinh nhận định, hành trình từ những di tích văn hóa lịch sử, danh thắng gắn với những câu chuyện kể về nguồn cội Tam Kỳ cho đến những điểm dừng chân mang đậm tình đất, tình người đã giúp các trại sinh cảm nhận sâu sắc hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương. Qua đó bồi đắp niềm đam mê, cảm thụ văn học để cho ra đời những tác phẩm chân thực, sâu sắc về đề tài tình yêu quê hương, con người.
Hòa đồng với các bạn khuyết tật. Ảnh: H.B |
Trong số 42 tác phẩm, gồm 25 bài thơ và 17 tác phẩm văn xuôi với ngập tràn cung bậc cuộc sống và cảm xúc, Ban tổ chức đã chọn ra được 10 tác phẩm xuất sắc nhất. Trong đó, tiêu biểu như bài thơ “Tức cảnh Tam Thanh” của em Vũ Trần Minh Kiên (học sinh lớp 6/3, Trường THCS Lê Hồng Phong) với những câu thơ chứa chan tình cảm khi về với biển Tam Thanh quê hương: “Biển xanh lấp lánh nắng vàng/ Mây trôi hờ hững nhẹ nhàng lang thang/ Rì rào sóng vỗ nối hàng/ Ôm bờ cát trắng vô vàng yêu thương”.
Vũ Trần Minh Kiên chia sẻ: “Trong số rất nhiều cảnh đẹp xuyên suốt hành trình, em chọn đề tài về biển bởi vì biển cho em cảm giác rất thân thuộc, gần gũi. Em thấy biển quê mình cũng đẹp không thua bất cứ nơi nào. Đặc biệt hình ảnh về ngư dân làng chài và người lính biên phòng ngày đêm canh biển để lại cho em rất nhiều cảm xúc”.
Bên cạnh đó còn có những hình ảnh xúc động, nhân văn được các em chắt lọc, đưa vào tác phẩm một cách mộc mạc, giản dị như hình ảnh “cây rõi già”, một chứng tích cách mạng ở vùng cát Tam Thăng, để nói lên chủ nghĩa anh hùng cách mạng: “Em từng nghe ông kể/ Đã từ rất lâu rồi/ Có một cây rõi nọ/ Biết tránh đạn bom rơi…”. Và cách sử dụng thủ pháp nhân hóa “cụ rõi” để nói đến những chiến công và sự hy sinh thầm lặng: “Cụ rõi đứng hiên ngang/ Sừng sững giữa trời rộng/ Chung quanh một màu trắng/ Cụ có cô đơn không?”.
Tác giả bài thơ “Cây rõi”, em Trương Thị Gia Khuê (lớp 7/5, Trường THCS Lý Tự Trọng) chia sẻ: “Hình ảnh cây rõi vẫn đứng hiên ngang, sừng sững dù trải qua bao thời gian, biến cố của chiến tranh khiến em liên tưởng đến tinh thần kiên trung, bất khuất của người Việt Nam mình”.
Ban tổ chức trao giấy chứng nhận cho các tác phẩm xuất sắc ở trại hè sáng tác 2016. Ảnh: H.B |
Ở thể loại văn xuôi, Ban tổ chức đặc biệt ấn tượng với truyện ngắn “Người bạn khuyết tật” của em Phùng Gia Hân (Trường THCS Nguyễn Huệ) kể về một người bạn khuyết tật, ban đầu chịu sự trêu chọc của bạn bè nhưng về sau đã nỗ lực vươn lên bất hạnh… Truyện ngắn này hơn 17 trang giấy với cách hành văn mạch lạc, có câu chuyện, giọng văn gần gũi, tình tiết chân thực xuất phát từ niềm cảm thông khi các em được đến thăm giao lưu với trẻ mồ côi, bất hạnh.
Ông Phạm Thông - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật TP.Tam Kỳ cho biết, nhằm động viên, khuyến khích các em, những tác phẩm xuất sắc nhất sẽ được biên tập đăng trên website Thành đoàn và Tạp chí Văn nghệ Tam Kỳ. Ngoài ra, ở những trại hè sáng tác tiếp theo, đề tài, thể loại sẽ được mở rộng phạm vi, không chỉ ở lĩnh vực thơ văn mà còn có mỹ thuật, nhiếp ảnh…
HOÀNG BIN