(QNO) - Xung đột triền miên đẩy cuộc sống của người Palestine tại mảnh đất Gaza vô cùng khắc nghiệt.
Bạo lực đang leo thang căng thẳng tại dải Gaza. Ảnh: AFP |
Phản đối Mỹ mở sứ quán ở Jerusalem vào đầu tuần này, người Palestine tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn chưa từng có từ nhiều năm qua. Cuộc đụng độ đẫm máu với các lực lượng Israel khiến hàng chục người Palestine thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Sự việc cũng cảnh báo leo thang căng thẳng nguy hiểm giữa Palestine và Israel.
Dải Gaza là một vùng đất hẹp nằm dọc bờ biển Địa Trung Hải, kẹp giữa Israel - Ai Cập và là khu vực từng chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh, bạo lực trong suốt nửa thập kỷ qua. Ngày nay, dải Gaza trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng bất ổn tại khu vực Trung Đông, cùng hàng loạt các cuộc biểu tình trên khắp thế giới kêu gọi hòa bình cho một trong những vùng đất đầy nguy hiểm này.
Với diện tích 360km2, dải Gaza là vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất trên trái đất, là nơi cư ngụ của gần 2 triệu người Palestine. Tuy nhiên, Israel áp đặt lệnh phong tỏa dải Gaza từ năm 2006, sau khi Hamas - một phong trào phản kháng của người Hồi giáo chống lại việc Israel chiếm đóng bờ Tây và dải Gaza, giành thế đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội Palestine. Một năm sau đó, Israel tiếp tục tăng cường phong tỏa dải Gaza khi Hamas kiểm soát vùng đất này.
Trẻ em Gaza chịu nhiều tổn thương vì xung đột triền miên. Ảnh: Alamy |
Omar Ghraieb - một nhà báo và quản lý truyền thông kỹ thuật số sống ở Gaza cho biết: “Tuyệt vọng không phải là từ duy nhất để mô tả những gì đang xảy ra ở đây bởi vì mọi thứ trở nên rất tồi tệ. Chúng tôi thức dậy với một thế giới mà ở đó có sự đấu tranh mỗi ngày”. Hơn 10 năm qua, các cuộc đụng độ liên tiếp diễn ra khiến cơ sở hạ tầng bị đổ nát, ngăn cản phát triển kinh tế khiến cuộc sống của người dân Palestine tại Gaza vô cùng ảm đạm.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ có 10% dân số của Gaza được tiếp cận với nước uống an toàn. Hệ thống thoát nước đã bị phá vỡ và nước thải gây ô nhiễm tầng chứa nước chảy bên dưới Gaza, trong khi nguồn điện thắp sáng tại mảnh đất này cũng rất hạn chế. Thống kê của Liên hiệp quốc cho biết khoảng gần 50% dân số ở Gaza không có việc làm. Cuộc sống của gần 70% người dân tại Gaza cần sự giúp đỡ từ các tổ chức viện trợ Palestine và quốc tế. Rất nhiều ngành công nghiệp mà Gaza có thể dựa vào để sản xuất và tạo ra một số động lực độc lập cho nền kinh tế cũng ngưng trệ vì chính sách bao vây. Ngoài ra, phần lớn đất nông nghiệp tại vùng Gaza không thể phục vụ cho việc canh tác, kể cả việc người Palestin gặp nhiều khó khăn, bị bao vây trong việc đánh bắt hải sản.
Không những bị tổn thương tâm lý vì các cuộc xung đột triền miền, thậm chí bị mất mạng và mất người thân vì thuốc súng, ước mơ đến trường của nhiều trẻ em dải Gaza còn rất xa vời. Vì nghèo đói và bất ổn xã hội, hàng nghìn trẻ em Gaza phải nghỉ học, lao động để kiếm sống và phụ giúp gia đình. Rất nhiều em bắt đầu đi làm từ khi mới 5 tuổi. Bà Aida Kassab - Giám đốc Chương trình sức khỏe tâm thần Gaza từng nói: “Trẻ em sống tại dải Gaza đang gặp nguy hiểm. Khi buộc phải làm việc từ khi còn quá nhỏ, tâm lý của các em bị ảnh hưởng rất nhiều”. Điều này cũng tạo nên nhiều hệ lụy ngăn cản cho sự phát triển của Gaza, trong khi một nền hòa bình thực sự cho khu vực vẫn còn rất nhiều thách thức.
QUỐC HƯNG