Sau gần nửa tháng các nhà mạng Vinaphone, MobiFone, Viettel công bố tăng gói cước 3G từ 20% đến 40% đã tạo ra nhiều phản ứng... Cuộc “gặt lông cừu” của nhà mạng được người tiêu dùng kết luận: sóng yếu, số tiền bỏ ra không tương xứng.
Vấp phải bức xúc
Chị Phạm Thị Thùy Trang (đường Bạch Đằng, phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ) than thở: “Thời gian gần đây, sóng 3G ở khu vực gia đình tôi rất yếu, thường xuyên rớt mạng không chỉ ban đêm mà cả ban ngày. Nhiều khi không tải xuống được, chỉ lướt web đọc báo mà chậm như rùa bò, lại bị trừ tiền quá nhiều, rất bực mình”. Có rất nhiều khách hàng tỏ ra bức xúc trước tình trạng sóng 3G ì ạch chứ chưa nói giá cước “một bước tăng vọt”. Chị Nguyễn Thị Thanh Quyên (đường Trưng Nữ Vương, phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) cho hay: “Mình vừa nạp 200.000 đồng vào D-Com 3G, chỉ mới tải vài tập tài liệu ở dạng word và lướt web từ 19h đến 22h thì thấy báo hết tiền. Không hiểu nhà mạng tính cước theo đơn giá như thế nào, nếu tăng từ 20 đến 40% như thông tin thì cũng không đúng. Chưa nói đến việc bị lỗi liên tục khi sử dụng”. Ngoài việc giá cước tăng quá cao, các nhà mạng còn gặp một số ý kiến phàn nàn từ việc sóng yếu một cách khó hiểu. Dù nhà gần cột phát sóng của mạng Mobiphone nhưng các thiết bị bắt sóng 3G như máy tính xách tay, máy tính bảng, smartphone của bạn Nguyễn Quang Bình (khối phố Bình Phước, thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) đều nhận sóng 3G rất khó khăn, chập chờn và rớt mạng liên tục. “Công việc của tôi có thể không đến nhiệm sở mà được xử lý tại bất cứ đâu rồi gửi sản phẩm, báo cáo qua mail. Nhưng trước tình trạng mạng chập chờn và giá cước cao như thế này, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong sắp xếp công việc và cuộc sống” - Bình cho hay.
Tin nhắn thông báo tăng giá cước của nhà mạng Vinaphone cho khách hàng.Ảnh: C.T.A |
Thật ra, chất lượng sóng di động của các nhà mạng đã được nhiều khách hàng kêu ca từ trước khi việc tăng giá cước được áp dụng. Trong những năm gần đây, các ứng dụng công nghệ thông tin liên quan đến môi trường internet (OTT) điện thoại, nhắn tin như facebook, zalo, viber… phát triển và nhiều người sử dụng công nghệ hiện đại như laptop, máy tính bảng, smatphone…gia tăng thì mạng ngày càng chập chờn hơn vì dung lượng băng thông không đủ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Vì vậy, việc công bố tăng giá mà chất lượng không tăng kèm, khiến nhiều khách hàng bức xúc, nhất là cán bộ, nhân viên công ty hay học sinh sinh viên luôn lận theo bên mình một D-Com 3G để xử lý do đặc thù công việc hay nhu cầu cuộc sống hiện đại.
Bắt ép người tiêu dùng
Xoay quanh câu chuyện tăng giá cước 3G, đối tượng bị thiệt hại đầu tiên và nhiều nhất là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bởi bị phụ thuộc thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) được lắp đặt trên xe. Theo phân tích của cánh tài xế, với đặc điểm truyền tin dung lượng thấp nên hầu hết thiết bị giám sát hành trình chỉ tiêu tốn mức cước từ 10.000 - 40.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cách tính cước 3G đã gây ra sự gia tăng hàng trăm lần lưu lượng truyền phát so với trước đây, khiến các sim thuê bao nhanh chóng hết tiền và thiết bị giám sát hành trình ngừng hoạt động trên diện rộng. Trước thực tế này, lãnh đạo nhà cung cấp thiết bị GPS, ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng giám đốc MobiFone cho hay: “Chúng tôi sẽ cung cấp gói cước phù hợp với ngành vận tải, sẽ ký hợp đồng dùng thử các gói cước, gói cước nào phù hợp sẽ được lựa chọn”.
“Chất lượng sóng 3G chập chờn, yếu có thể rơi vào những lý do như: vùng phủ sóng của 3G gần và thấp hơn sóng 2G; sóng 3G trong phòng kín bị suy hao nhiều hơn sóng 2G nên khi người tiêu dùng ở trong phòng kín thường gặp sự cố nhiều hơn khi sử dụng thiết bị 3G phía ngoài; sóng 3G bị ảnh hưởng khi khách hàng cùng lúc để song song chế độ sóng 2G và 3G” . (Ông Đặng Quang Tư - Trưởng phòng hạ tầng Chi nhánh Viettel Quảng Nam) |
Trước phản ứng mạnh mẽ của đối tượng khách hàng là doanh nghiệp vận tải, sự can thiệp của Bộ TT-TT và một số nhà mạng đã phải xem xét lại. Còn những đối tượng tiêu dùng khác, đến nay vẫn chưa nhận được sự phản hồi, mọi người đành ngậm “bồ hòn làm ngọt”, chấp nhận đơn giá cao để vận hành công việc. Được biết, hiện nay, có tổng cộng 6 mạng viễn thông hoạt động nhưng 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone cùng chiếm 95% thị phần viễn thông của cả nước, riêng lĩnh vực 3G thì cả ba cùng nắm 99%. Thế nên, rất nhiều người thắc mắc với câu hỏi: “Tại sao cả ba nhà mạng đồng loạt công bố tăng giá cước vào cùng một thời điểm 16.10 và cùng tăng mức giá 20% - 40%. Phải chăng có một cái bắt tay trước đó để bắt chẹt người tiêu dùng?”. Ngoài ra, một luồng ý kiến nữa cũng đáng lưu ý. Đó là ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí từ OTT như Viber khiến nhà mạng thất thu nên đang tìm cách tăng giá cước 3G để truy thu lại. Vì chất lượng sóng 3G đi xuống, trong khi giá cước tăng cao khó hiểu, nên một số người tiêu dùng đã tìm cách tẩy chay sóng 3G. Bạn Nguyễn Phương Giang (giáo viên trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam) cho biết: “Mình vừa ký hợp đặt lắp đặt internet wifi tại gia. Bởi giá cước và chất lượng 3G như thế, mình không thể chấp nhận được. Một số người bạn của mình cũng đang làm thủ tục lắp đặt internet tại gia, họ đều cho rằng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng sóng 3G như một cách bất hợp tác với các nhà mạng lớn”.
CHIÊU THỤC ANH