Cuộc thiên di của cối đá

TRẦN ĐĂNG 21/01/2018 15:11

Để gom được hàng ngàn chiếc cối đá từ khắp nơi trên cả nước về khu vườn nhà mình, hai nhân vật trong bài viết này đã phải mất tổng cộng… 27 năm. Trong đó, anh Huỳnh Hữu Lộc phải mất 10 năm, còn chị Nguyễn Thị Minh Hiếu phải trải qua chặng đường 17 năm. Cả hai đang ở thôn Ngọc Hội xã Vĩnh Ngọc, TP.Nha Trang tỉnh Khánh Hòa.

Huỳnh Hữu Lộc bên những chiếc cối đá.  Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Huỳnh Hữu Lộc bên những chiếc cối đá. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Tôi hỏi: “Anh và chị còn trẻ vậy mà sao lại mê cái món mốc meo cũ kỹ này? Vì cối đá không thuộc nhóm đồ cổ dù có chiếc mà niên đại đến cả trăm năm; nó cũng không phải là thứ để trưng bày trong tủ nhằm ngầm khoe với khách về sự hiếm có của nó?”. Hai người cùng nói một ý như nhau: “Món cối đá này được liệt vào nhóm “của một đồng công một… triệu”, nó chẳng lợi lộc gì nếu xét dưới góc độ kinh tế. Nhưng nó lại mang đến cho người chơi những niềm vui khó tả. Mà đã là “vui” thì không thể quy đổi ra tiền bạc”.

Của hồi môn

Chị Nguyễn Thị Minh Hiếu, sinh năm 1976, là kiến trúc sư, đang sở hữu 1.500 chiếc cối đá. Chị nói đây là tài sản lớn của mình - dù khối tài sản khổng lồ ấy nằm vật vạ khắp vườn. Tôi dạo quanh khu vườn rộng hàng nghìn mét vuông, chứng kiến đủ các hình dạng cối đá, đứng quỳ nằm ngồi đủ các tư thế, được chủ nhân của chúng “sắp đặt” theo ý đồ của cặp mắt một nhà kiến trúc. Phải có một niềm đam mê “ma ám” thì mới có thể “chơi” cái món cổ chẳng ra cổ mà tân cũng không phải tân này. Tôi hỏi chị Hiếu: “Cơ duyên nào mà chị lại nghiện cái món cối đá này vậy?”. Chị Hiếu hồi tưởng: “Quê tôi trên Diên Khánh, cách đây chừng 10 cây số. Đó là một vùng quê yên bình, khá đẹp nhưng cũng điển hình cho cái sự khó nghèo như bao vùng quê khác. Tôi có một gia tài không quy đổi bằng tiền được, ngay từ tuổi thơ. Đó là kho chuyện của bà nội tôi. Bà đưa tôi đi lạc vào miền cổ tích của những câu chuyện, hoặc bà tự sáng tác, hoặc bà được trao truyền từ tiền nhân. Trong những câu chuyện bà tôi kể, luôn luôn thấp thoáng hình bóng của những chiếc cối đá. Đó là những chiếc cối xay bột để làm các loại bánh hoặc là những chiếc cối để giã gạo. Nhà tôi làm nghề tráng bánh tráng nên chiếc cối đá dùng để xay bột gạo của gia đình đã gắn một phần đời của mỗi thành viên với nó. Ngày tôi đi lấy chồng, bà tôi hỏi: “Hiếu thích bà tặng gì nào?”. Tôi nói ngay: “Cháu thích chiếc cối đá!”. Bà tôi ngạc nhiên lắm, vì bây giờ, bao thiếu nữ thích xe hơi nhà lầu, hoặc ít ra cũng dăm ba chỉ vàng lận lưng chứ ai lại chọn của hồi môn bằng cái thứ vất trong xó nhà ấy?”. Hiếu ngừng kể. Rồi chợt xa xăm như thể đang gọi những kỷ niệm từ người bà ùa về với mình.

Nguyễn Thị Minh Hiếu với “vườn cối đá”. Ảnh: Nguyễn Chung
Nguyễn Thị Minh Hiếu với “vườn cối đá”. Ảnh: Nguyễn Chung

Thế rồi người bà, sau một thoáng ngỡ ngàng, đã chợt nhận ra đứa cháu gái đầy cá tính của mình đã chọn của hồi môn đúng “gu” của một kiến trúc sư tương lai. Bây giờ, trong nhà chị Hiếu, bên cạnh chiếc giường ngủ của chị luôn luôn có sự hiện diện của chiếc cối đá từ người bà của mình. “Tôi giữ nó bên mình, trước hết là để tôi cảm thấy như luôn được gặp bà tôi cùng những câu chuyện cổ tích, sau là để níu giữ một phần của quá khứ cơ hàn. Nó nhắc cho tất cả những ai từng đi qua đói nghèo, đừng bao giờ chối bỏ gốc gác” - Hiếu triết lý.

Những cuộc thiên di

Nếu Nguyễn Thị Minh Hiếu “lãng mạn” bao nhiêu, “cổ tích” bao nhiêu thì anh Huỳnh Hữu Lộc, sinh năm 1978, lại “sần sùi” bấy nhiêu. Anh nói lý do vì sao anh lại tha về vườn nhà mình những 4.000 chiếc cối đá bằng một câu ngắn gọn: “Vì tôi thích”. Vâng, chữ “thích” ấy nói lên nhiều điều, thật khó lý giải cho rành rẽ. Khi đã thích một điều gì thì phải làm mọi cách để đạt cho bằng được niềm yêu thích đó. Riêng việc thích cối đá, người chơi thứ này phải đối mặt với những chuyện chưa hề có trong suy nghĩ của họ. Đó là giá cả “không giống ai”. Vì cối đá ngày nay chẳng ai dùng nữa. Chủ nhân vất lăn lóc ngoài vườn như đồ bỏ đi. Đồng nát cũng chả buồn ngó tới nó. Nhưng đột nhiên có ai đó hỏi mua, chủ nhân bỗng “giật mình” ngay. Bán thì sợ hớ hàng mà để đó thì chật vườn nhà. Cái khó là ở chỗ đó. Thứ nữa là khi đã mua được rồi, làm sao đưa về nhà khi mà khoảng cách những chiếc cối đá ấy với nhà của người mua xa nhau hàng trăm cây số? “Mười năm trước, lúc mới chơi món này, tôi có chiếc xe máy trành trành, lùng sục khắp nơi, mua được rồi mừng lắm. Nhưng có những chiếc cối nặng gần một tạ, chở về đến nhà, cả xe lẫn người đều rệu rã” - Lộc kể.

Còn Hiếu - người “có điều kiện” hơn thì nói rằng, chị phải thuê xe tải nếu mua được cùng lúc 5 - 7 chiếc cối. “Nhiều lần, tôi vừa mua được chiếc cối đá của người này thì những người hàng xóm thấy vậy cũng dẫn tới xem rồi bán luôn. Tuy nhiên, phần lớn là rất khó mua vì không thể định giá được món hàng này. Người mua thì thích nhưng cũng không thể mua bằng mọi giá. Còn người bán thì để chiếc cối đá nằm đó “cho vui” chứ cũng chả mất gì. Cối đá không đơn thuần là món hàng để mua bán, đổi chác. Nó là một kỷ niệm. Mà kỷ niệm thì khó mua bán lắm!

Bước chân của chị Hiếu gần như đặt lên các tỉnh miền Tây Nam Bộ và miền Trung, ra tận vùng Nghệ An - Hà Tĩnh. Với Lộc, chân anh còn vươn tới tận các tỉnh phía Bắc nước ta. “Cứ một mình một xe máy, lang thang hết nơi này đến chỗ khác để dò hỏi. Hễ nghe ai mách cho một địa chỉ nào đó có bán cối đá là tôi phải tới cho bằng được” - Lộc nói. Cứ thế, cả hai “con chiên” của món cối đá này đã tha về vườn nhà của họ hàng nghìn chiếc cối, chỉ để… ngắm chơi. Hiếu thì sống với nghề kiến trúc để “nuôi” cối đá, còn Lộc thì là ông chủ của những ngôi nhà cổ, vẫn “giao dịch” bán - mua tiền tỷ mỗi căn.

Đá kể chuyện đời

Luận về chiếc cối đá, Nguyễn Thị Minh Hiếu triết lý: “Anh quan sát mà coi những chiếc cối xay bột. Bao giờ cũng có hai thớt, thớt trên và thớt dưới. Người đàn bà như phần dưới của thớt, họ luôn phải chịu đựng sự xoay vần, để cho ra bột. Ngày xưa, để có bột đúc các loại bánh hoặc cho trẻ con ăn, người phụ nữ có thể đứng hàng giờ bên chiếc cối đá để thao tác. Bây giờ chỉ cần cho bột vô chiếc cối xay, găm điện chừng 3 - 5 phút là đã có đủ các kiểu bột. Tôi muốn lưu giữ một phần ký ức khó nghèo bằng những chiếc cối đá này là vậy. Để mai này, lũ trẻ có hỏi bằng cách nào mà ông bà ta vẫn làm ra bột để đúc các loại bánh thì có cái để thuyết minh với chúng”.

Mỗi chiếc cối đá trong vườn của Hiếu là một phận đời, phận người. Chị kể: “Hơn mười năm trước, tôi lang thang dọc bờ sông An Cựu, Huế thì gặp một chiếc cối đá nằm lăn lóc góc vườn. Hỏi chủ nhân của nó bán lại, ông cụ kiên quyết nói “không”, dù trả giá rất cao. Ông bảo nó là một phần của lịch sử gia đình. Nó như một lời thách thức về sự vĩnh cửu của mình trước sự tàn khốc của thời gian, bom đạn vậy. “Có một lần, tôi ghé một gia đình “phú ông” ở Long An. Cứ ngỡ họ sẽ giữ chiếc cối đá làm kỷ niệm, nhưng không ngờ họ bán ngay, như thể chủ nhân muốn xóa đi cái quá khứ vàng son giờ đã khánh kiệt của mình vậy”.

Tôi đã bị chinh phục hoàn toàn bởi hai người sưu tầm cối đá này khi họ dắt tôi đi qua bao miền thương nhớ của từng chiếc cối. Tôi như gặp lại cả một tuổi thơ cơ cực của mình. Ở đó có người mẹ lam lũ, vừa xong việc đồng áng đã vội vàng về đứng bên cối đá để xay bột cải thiện cho cuộc sống của 7 - 8 miệng ăn; ở đó có người bà lúc nào cũng dắt những đứa cháu qua miền cổ tích nhằm đánh lừa cái đói. Ở đó có những ông thợ đục đá ba lông, suốt ngày vần xoay, gọt gọt giũa giũa từ những tảng đá rắn đanh thành những chiếc cối tròn tròn xinh xắn.

Tôi nhìn ra khu vườn của họ rồi như chợt thấy cả một trung đoàn cối đá đang rùng rùng dắt nhau hành quân về quá khứ - một quá khứ không dễ chối bỏ của những kẻ nặng lòng như Hiếu, như Lộc.

TRẦN ĐĂNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc thiên di của cối đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO