Cuộc tình của hai danh sĩ xứ Quảng

CHÂU YẾN LOAN 17/02/2019 04:04

Nữ sĩ Phạm Lam Anh không chỉ để lại cho đời những bài thơ hay mà người dân xứ Quảng còn nhớ đến bà qua mối tình đẹp với danh sĩ tài hoa Nguyễn Dưỡng Hạo.

Cuộc tình lãng mạn của hai danh sĩ xứ Quảng. (Ảnh minh họa).
Cuộc tình lãng mạn của hai danh sĩ xứ Quảng. (Ảnh minh họa).

Xuất thân danh môn

Phạm Lam Anh là con gái duy nhất của danh thần Phạm Hữu Kính. Bà tên thật là Phạm Thị Khuê, tự Lam Anh, hiệu Ngâm Si, sinh vào khoảng nửa đầu thế kỷ 18, người làng Mông Nghệ, tổng Mông Lĩnh, huyện Diên Khánh, tỉnh Quảng Nam. Huyện Diên Khánh thuộc phủ Điện Bàn có hai tổng là Uất Lũy và Mông Lĩnh, thời chúa Nguyễn, làng Mông Nghệ nằm trong tổng Mông Lĩnh của huyện Diên Khánh (Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, trang 82). Năm 1823 huyện Diên Khánh đổi tên thành huyện Diên Phước. Làng Mông Nghệ, tổng Mông Lĩnh, huyện Diên Khánh, sau này trở thành làng Mông Nghệ thuộc tổng Xuân Phú, huyện Quế Sơn (nay là xã Quế Phú, huyện Quế Sơn).

Theo Đại Nam liệt truyện (quyển 5), Phạm Hữu Kính có 3 người con trai: Quả Nghị, Tồn Thành, Lạc Thiện và một người con gái là Lam Anh. Trong lúc làm quan ông nổi tiếng thanh liêm, chính trực, sống đạm bạc, không cho người đến nhà riêng yết kiến để tránh chuyện quà cáp biếu xén. Ông lại khéo xét đoán, hay phát hiện những việc sai trái, tìm ra những điều bí ẩn đằng sau các vụ án, rất được nha lại và nhân dân kính phục. Ông thường phụng mệnh đi tuần xét quan lại các doanh, xem xét tình hình thực tế. Đối với ông “pháp bất vị thân”, ông không vì tình riêng mà xem nhẹ pháp luật. Con trưởng của ông nhận đút lót của người ta, bị ông xử tử hình. Nha lại đều can ngăn, ông nói: “Thằng con ngu như heo này làm ô nhục gia phong để sống có ích gì! Hơn nữa, phép nước trờ trờ ở đó lệ nào lấy tư bỏ công à?”. Đến lúc án dâng lên, được chúa tha, nhưng con trai ông cuối cùng vì sợ hãi mà chết!

Cuộc tình vượt vòng lễ giáo

Bà Phạm Lam Anh ngay từ khi còn nhỏ đã rất xinh xắn, nhanh nhẹn, thông minh, ham học và có tài làm thơ. Bà được thân phụ yêu quý và mời nhân sĩ Nguyễn Dưỡng Hạo về nhà dạy học.

Nguyễn Dưỡng Hạo hiệu Phúc Am, người huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam, sống vào thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765) và Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1754 - 1777), là người nổi tiếng tài hoa và hay thơ. Phạm Hữu Kính đi làm quan, ở nhà Nguyễn Dưỡng Hạo cùng Phạm Lam Anh thường hay làm thơ đối đáp qua lại với nhau do đó nảy sinh tình cảm, hai người  yêu nhau ngày càng thắm thiết.

Phạm Hữu Kính trở về biết sự tình giận lắm định đem con gái dìm xuống sông. Dưới thời phong kiến, hôn nhân do cha mẹ định đoạt, trai gái không được tự do yêu nhau, huống hồ Nguyễn Dưỡng Hạo và Phạm Lam Anh lại là thầy trò. Gia đình Phạm Hữu Kính nổi tiếng gia giáo nghiêm khắc trong vùng, lẽ nào ông dễ dàng chấp nhận cho con gái làm trái những quy định của lễ giáo phong kiến đương thời? May nhờ có bạn bè khuyên giải ông mới tha tội cho con gái. Cuối cùng ông cũng chấp nhận gả Phạm Lam Anh cho Nguyễn Dưỡng Hạo. Hai vợ chồng thường cùng nhau xướng họa thơ văn và sáng tác tập “Chiến cổ Đường thi” lưu hành ở đời.

Người mở đầu văn học xứ Quảng

Nữ sĩ Phạm Lam Anh rất nổi tiếng về thơ và được xem là người mở đầu cho văn học xứ Quảng. Song tác phẩm của bà qua thời gian đã bị thất truyền, hiện nay chỉ còn ba bài thơ chữ Hán làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt viết về  ba danh thần hào kiệt của Trung Quốc mà cuộc đời đầy bi kịch vì họ sinh bất phùng thời, đó là: Khuất Nguyên, Kinh Kha, Hàn Tín và một bài thơ chữ Nôm làm theo thể thất ngôn bát cú là bài: Vịnh cảnh gần sáng.

Thơ của Phạm Lam Anh có nhiều câu cổ kính như hai câu trong bài vịnh Khuất Nguyên:

Cô phẫn khí thành thiên khả vấn,
Độc tinh nhân khứ quốc bằng không
Dịch nghĩa:
Cô đơn mang khí phẫn uất, chỉ có thể hỏi trời,
Chỉ có một người tỉnh lại bỏ đi, đất nước trống không.

Hai câu thơ này được hậu thế lưu truyền và cho là hay nhất.

Trong bài thơ “Kinh Kha” bà đã nói rõ nguyên nhân thất bại của tráng sĩ vì ý người không bằng ý trời, mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên:

Kế xảo kỳ như thiên ý xảo
Đồ cùng phiên sử tráng tâm cùng
Dịch nghĩa:
Mưu khéo chẳng bằng ý trời khéo
Đường cùng chí lớn cũng tâm cùng.

Giọng thơ của Phạm Lam Anh trong ba bài thất ngôn tứ tuyệt nói trên rất hùng hồn mà thống thiết thể hiện tấm lòng kính mến của bà đối với những người anh hùng thất cơ lỡ vận.

Về thơ Nôm, bài “Vịnh cảnh gần sáng” chứng tỏ tài năng của Phạm Lam Anh không kém gì Hồ Xuân Hương.

Vịnh cảnh gần sáng
Một giải thương lang lộn mắt mèo,
Xóm chài mới dậy đuốc leo heo.
Lằn kêu thức chúa chầu sân phụng,
Gà gáy khuyên chồng dõi dấu cheo.
Ải sói Thường Quân vừa cất bước,
Thuyền tên Gia Cát vội phăng neo.
Phương đông chửa lố vừng con ác,
Cửa Khổng nho sinh nhóm tựa bèo.

Tương truyền bài thơ này đã đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ tại Dinh Quảng Nam thời bấy giờ. Bài thơ phải đáp ứng những quy định khắt khe về vần: mèo, heo, cheo, neo, bèo và bắt buộc mỗi câu thơ phải có tên một thú vật nên rất khó, vậy mà nữ sĩ Lam Anh đã sáng tác một bài thơ rất hay.

Nữ sĩ Lam Anh được nhiều người trong nước ca tụng, họ cho rằng thời bấy giờ chỉ có hai nữ sĩ xuất sắc ở miền Bắc và miền Nam là Hồ Xuân Hương và Phạm Lam Anh:

“Khởi duy tài điệu siêu Hồ, Phạm
Ban, Tạ ư kim hữu thế nhân”.

Tiến sĩ Phạm Liệu, người đứng đầu của Ngũ phụng tề phi, nổi tiếng là người hay chữ nhất của Quảng Nam đã khen ngợi thơ của bà Phạm Lam Anh: “Trong giới nữ lưu từ trước đến giờ ở xứ Quảng này không có ai thơ hay bằng bà Phạm”. Còn các sứ giả nhà Thanh mỗi khi đến Đàng Trong giao tế đều muốn gặp bà để xướng họa thơ ca. Về sau khi làm thơ đề tặng “Diệu Liên thi tập” của nữ sĩ Mai Am, con vua Minh Mạng, họ còn nhắc tới danh bà:

“Nguyệt Đình, Huệ Phố tài danh thạnh
Cảnh thuyết thi viên hữu Phạm, Hồ”.
...

Phạm Lam Anh và Nguyễn Dưỡng Hạo, hai thi sĩ tài hoa xứ Quảng đầu thế kỷ 18 đã gắn bó với nhau nhờ những vần thơ tuyệt tác. Cuộc tình lãng mạn của họ đã may mắn vượt qua chướng ngại của lễ giáo phong kiến khắt khe đương thời để được nên duyên vợ chồng chung sống với nhau, cùng nhau xướng họa thơ văn và lưu lại cho hậu thế tập “Chiến cổ Đường thi” rất giá trị.

CHÂU YẾN LOAN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc tình của hai danh sĩ xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO