Chuyến về thăm Quảng Nam từ 11.5 - 13.5 của Đoàn Văn nghệ sĩ kháng chiến (giai đoạn 1954 - 1975) lại gợi lên câu chuyện ký ức về chiến trường ác liệt một thời.
Họ đã không còn đủ sức để lội hàng giờ vào từng nơi chốn cũ - những nơi đồng đội họ nằm lại “mãi mãi tuổi 20”, những nơi giữ tiếng cười, hạnh phúc của người thanh niên đất Bắc vượt Trường Sơn về Khu 5 năm nào... Nắng tháng 5 đất Quảng gắt gỏng, có đoàn người đứng phía này dòng sông Tranh, nén những giọt nước mắt sắt se.
1. Cuộc trở về chiến trường xưa, bỗng chốc rơi vào khoảng lặng khi ai đó cất tiếng: “Có thể chuyến này là cuối cùng bọn mình về thăm lại chốn xưa”. Những chàng trai cô gái văn công, vừa đánh giặc vừa làm thơ viết văn và ca hát sôi nổi của tuổi đôi mươi năm nào, giờ đã phải từng người dìu nhau, tuổi già qua trận mạc khói lửa, bước chân chừng còn khó nhọc hơn.
“Như một sắp xếp lạ lùng, những anh chị em làm văn học nghệ thuật, những đồng đội, đồng chí chúng tôi hy sinh trong suốt cuộc chiến chống Mỹ trên chiến trường Quảng Nam, tất cả đều nằm dọc hai bên bờ sông lớn là Thu Bồn và sông Tranh. Tưởng như là họ cố tình đem xương thịt mình góp nên phù sa màu mỡ cho cuộc sống Quảng Nam hôm nay”.
(Nhà văn Nguyên Ngọc)
Nhà văn Cao Duy Thảo dìu nhà thơ Thanh Thảo, hai ông người tay gậy người mắt kém, từng bước một đi vào Nghĩa trang Điện Bàn. Nơi đây, có những đồng đội họ, những người bạn thơ, bạn văn... nằm lại mà tuổi tên còn mãi là vùng ký ức sống động.
40 nén nhang cắm lên phần mộ với tên bia là Võ Thị Phương Thảo, cũng là từng ấy tấm lòng của những người từng gắn bó với đất khu 5 nhớ về “chị Phương Thảo”. Mạch hồi ức như sợi dây được kéo giãn, theo từng văn nghệ sĩ kháng chiến trở về.
Một Phương Thảo diễn viên múa mà biết bao chàng trai ở cơ quan Văn nghệ Khu 5 bấy giờ, ai cũng trộm nhớ, trộm yêu. Một cô gái Hà Nội da trắng, trẻ trung, trong sáng của tuổi thanh xuân.
Phương Thảo những ngày ấy múa và đi dạy múa. Cô múa trên sân khấu, múa trong hầm, cho hàng nghìn bộ đội xem mà cũng có khi chỉ có 2 - 3 người xem... Phương Thảo mà chàng trai nào ở khu 5 cũng từng tơ vương, giờ như “một bông hoa nở mãi” trong lòng họ.
Từng ký ức như cố len lỏi trong nỗi nhớ dày lên từng ngày của người ở lại, như làn khói cố để tách bạch sự ác liệt và nên thơ ở một trận địa. Để những người đứng nơi này giữa nắng tháng 5 gắt gỏng, hồ như chỉ muốn nhớ đến thanh xuân tươi đẹp, đến những sôi nổi những nụ cười. Bởi máu và nước mắt, những nỗi đau trở mình giữa đêm, đã mỗi ngày xáo xác trên cơ thể những người về từ chiến trường.
2. Quảng Nam, vùng đất in dấu rõ nhất của đoàn văn nghệ kháng chiến với những tác phẩm, những con người khi nhắc tên còn dậy lên những niềm xúc động.
Quảng Nam, như nhà văn Nguyên Ngọc bao lần thốt lên, mỗi lần về thăm đất Quảng, “mỗi bước đi, tôi không sao tin được rằng cái đất dưới chân mình đây được cấu tạo bằng những hợp chất hóa học gì gì đó. Mỗi hạt cát ở đây đều được luyện từ máu. Đó là từng hạt xương thật sự của nhân dân”.
Với lớp thế hệ sống trong bom đạn ác liệt, trở về xứ Quảng, còn là về với vùng đất nơi những anh chị em văn nghệ, những đồng nghiệp, đồng đội của họ hy sinh.
Đa số văn nghệ sĩ kháng chiến Khu 5 là những người đi B. “Đi B” chính là câu chuyện của hàng trăm đoàn cán bộ đang ở miền Bắc với tinh thần tự nguyện, bí mật vượt Trường Sơn vào Nam để chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu. Có cả những người dù dân Trung Bộ nhưng được cử ra Bắc học tập và trở về Khu 5 sau đó, như nhà văn Phan Tứ, Nguyên Ngọc...
Cô nhà văn trẻ Vũ Thị Hồng khi ấy, là bạn của Nguyễn Bảo, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Hồng khi họ cùng học lớp Ngữ văn khóa 12, Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi cùng học lớp viết văn khóa 4 - khóa đặc biệt phục vụ chiến trường và cùng vào Khu 5.
Mỗi lần về thăm chiến trường xưa, các văn nghệ sĩ kháng chiến đều đến những nơi họ từng sống, chiến đấu và viếng thăm đồng đội hy sinh, nằm lại trên đất Quảng. Đến Điện Bàn, ở đó có các nhà văn Nguyễn Hồng, nhà thơ - nhà báo Nguyễn Trọng Định, Trần Văn Anh, nhạc sĩ Văn Cận và cán bộ, diễn viên Đoàn Văn công Quảng Đà.
Ở Duy Xuyên, hai nhà văn Chu Cẩm Phong và Dương Thị Xuân Quý, nghệ sĩ múa Phương Thảo. Họa sĩ Hà Xuân Phong nằm bên dòng sông Trà Nô, Hiệp Đức, còn tận nguồn “Cao sơn ngọc quế” thì nhà thơ Nguyễn Mỹ ở lại bên dòng Đắk Ta - đầu nguồn sông Thu Bồn.
Có lẽ, không mấy người biết, tất cả bia tưởng niệm của nhà văn Nguyễn Hồng, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý đều đã được vận động xây dựng và chăm nom, thăm viếng chính bởi những văn nghệ sĩ từng chiến đấu tại chiến trường Khu 5. (Quế Hà)
Đoàn khi ấy gồm 21 anh chị em viết văn trẻ, là Nguyễn Khắc Phục, Hà Phan Thiết, Đỗ Văn Đông, Bùi Thị Chiến, Hoàng Minh Nhân, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Bá Thâm, Trần Vũ Mai, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Bảo...
Đến giữa năm 1972, Trung ương lại chi viện một đoàn họa sĩ đã tốt nghiệp đại học và trung cấp mỹ thuật là Lê Khắc Cường, Triệu Khắc Lễ, Đoàn Văn Nguyên, Lê Văn Thìn, Trần Trung Chính...
Nhóm của Vũ Thị Hồng lúc đó, có nhà văn Nguyễn Hồng mãi mãi nằm lại chiến trường Quảng Nam. Bây giờ, trên chuyến xe qua lại những chốn cũ, người vợ của nhà văn Chu Lai vẫn chưa thôi xúc động.
Chị nói, ngày xưa bọn mình hăng say lắm, cứ vậy mà đi thôi, cả 3 tháng ròng rã đi bộ mới tới được Khu 5. Tới đây thì Vũ Thị Hồng được chỉ định “đi cơ sở” ở khu Tây Quảng Đà, bây giờ là vùng Quế Sơn, Nông Sơn.
Khi biết tôi người Trung Phước, nhà văn Vũ Thị Hồng mừng vui như bắt gặp lại một người quen cũ. Giọng Hà Nội của bà như reo vui: “Hạt gạo nuôi mình là của người dân Sơn Phúc, Sơn Viên quê bạn đấy”. Rồi bà khóc, trước mộ nhà văn Nguyễn Hồng, cùng với tiếng nấc của người em trai ruột Nguyễn Hồng, là giọt nước mắt se sắt cố nén lại của nhóm đồng đội ông.
Mấy nhánh hoa hồng, lon sữa Ông Thọ đặt trang trọng trước mộ phần Nguyễn Hồng theo yêu cầu của nhà văn Nguyễn Bá Thâm. Năm nào cuối tháng 4, nhóm bạn họ cũng về đây, “thắp cho thằng Hồng nén nhang và mang nó lon sữa mà ngày chiến đấu nó mê cái vị ngọt này” - Nguyễn Bá Thâm chạnh lòng.
3. “Tôi như thấy những tháng năm đời mình còn lại/ Là những tháng năm vay mượn của các anh/ Những người đã khuất”. Nhà thơ Thanh Quế, giữa cuộc chuyện trước dòng Trà Nô, bật thốt những câu thơ từng thổn thức bao thế hệ của ông.
Thơ văn, bút ký và chân dung văn nghệ của Thanh Quế sau chiến tranh, như nhận định của các nhà phê bình, nỗi niềm thường trực là những câu chuyện của chiến tranh, của đồng đội thấm đẫm và cuộn quyện vào nhau để trở thành những hình tượng nghệ thuật.
Và có lẽ không chỉ với riêng Thanh Quế, chiến trường liên Khu 5, chiến trường Quảng Nam đã hun đúc nên một thế hệ văn nghệ từ kháng chiến đến hòa bình, mải miết một lòng thành với đất nước, với nhân dân, với nghĩa tình vùng đất.
Như Kiên của Bảo Ninh, trong “Nỗi buồn chiến tranh”, họ vẫn mê mải những kỷ niệm “trên đường quá khứ” của mình. Và lúc ấy mới hiểu sao những thứ mình tưởng chừng kỳ lạ, hóa ra lại rất bình thường, với những người lính từ Khu B vào như Phạm Hồng, như họa sĩ Lê Văn Thìn, Trần Trung Chính.
“Mãi mãi anh bị cuốn hút về những đốm lửa trong không gian trải đến cuối chân trời quá khứ, những đốm lửa chiến tranh đầu tiên trong đời, vệt sáng của cuộc phiêu lưu đầu tiên và cũng là tia sáng của tình yêu rọi lên từ đáy xa sâu thẳm thời thơ ấu…” (Nỗi buồn chiến tranh).
Họ nói, khi đã từng vào sinh ra tử ở đất này, khi đã từng nhìn những đồng đội của mình ngã xuống nơi đây thì tự thân vùng đất Khu 5 này đã “lịm” vào máu thịt mình, hay chính bản thân mình tự khiến mình mắc mứu với vùng đất, họ không trả lời được.
Chỉ biết, những hào sảng của tuổi trẻ quá khứ, đã giữ một lớp văn nghệ sĩ ở lại hẳn với quê xứ này. Là Nguyễn Bá Thâm, Ngân Vịnh, Phạm Hồng... lớp văn nghệ kháng chiến đi B, đã chọn để cùng chung chiêng với miền đất Trung Bộ sau giải phóng, bởi đất này đã là quê hương. Mà hình như, ở lại, cũng để bạn văn, để đồng đội nằm lại đây, được hương khói, được ấm lòng từ chính những thân quen thời tuổi trẻ của mình...