Cuộc trở về bản sắc

KHÔI QUÂN - HỘI AN 12/02/2021 05:58

(Xuân Tân Sửu) - Nhiều hơn những chuyến trở về đúng nghĩa, hay gọi tên bằng “những cuộc truy nguyên nguồn cội văn hóa” - như lời một người sáng tạo, đã thường hằng hơn từ chính con người xứ Quảng tại không gian văn hóa mở của vùng đất này.

Triển lãm tại CAB Hội An. Ảnh: NVCC
Triển lãm tại CAB Hội An. Ảnh: NVCC

CAB - không gian văn hóa Việt

Một tuần lễ nghệ thuật đương đại với tên gọi CABCON khá có tiếng vang vừa diễn ra tại Hội An, quy tụ hơn 20 nghệ sĩ và 50 tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Công chúng được dịp thưởng thức một festival nghệ thuật đương đại, bao gồm nhiều thể loại, từ mỹ thuật, nhiếp ảnh, trình diễn, múa, phim, video art, thị giác. CABCON - sự kiện văn hóa được tổ chức trong một bối cảnh đặc biệt, được nhìn nhận là cơ hội để Hội An tăng cường góc nhìn của nghệ sĩ địa phương với các hoạt động nghệ thuật ở khu vực khác, phát triển Hội An không chỉ là một thành phố du lịch mà còn là thành phố của văn hóa và các hoạt động sáng tạo. Trong đó, không gian của CAB Hội An trở thành nơi gặp gỡ những nghệ sĩ với cuộc trở về bản sắc theo cách riêng của mỗi người.

Chinh Ba - nhà sáng lập CAB Hội An (Hội An Culture & Art Base) hồi năm 2019, đồng thời là một nghệ sĩ trình diễn, đã nhìn ra sự đa tầng của văn hóa bản địa sau một thời gian tìm hiểu vùng đất này. Ngoài nghĩa chính là không gian văn hóa nghệ thuật, CAB trong tiếng Mỹ còn có nghĩa là taxi với hàm ý muốn chuyên chở, trao đổi văn hóa nghệ thuật trong đời sống mỹ thuật đương đại.

“CAB muốn tạo điều kiện để các nghệ sĩ từ bên ngoài đến lưu trú, tìm hiểu về chiều sâu văn hóa bản địa, sáng tác, triển lãm với chủ đích tương tác cùng cộng đồng nghệ sĩ địa phương. Đồng thời tạo điều kiện những nghệ sĩ nơi đây giao lưu với bên ngoài nhằm mục đích học hỏi và quảng bá cho nền văn hóa bản địa. Ngoài ra còn có những chương trình hướng dẫn cảm nhận mỹ thuật đương đại cho công chúng địa phương, giúp công chúng nhất là lớp trẻ có thêm kiến thức về loại hình này” - Chinh Ba nói. Anh mong muốn sử dụng văn hóa bản địa để làm chất liệu cho các nghệ sĩ sáng tác, nhằm tích lũy nhiều tác phẩm và xây dựng một “Thư viện di sản” để bảo tồn văn hóa bản địa dưới góc nhìn nghệ thuật đương đại...

Ý niệm về quê hương

Hoàng Thanh Vĩnh Phong, trải qua gần ba mươi năm trong nghề, cho rằng nền tảng văn hóa chính là đích đến, đồng thời nó cũng sẽ góp phần tạo thành nền tảng văn hóa bản địa cho các thế hệ tương lai. Bởi trải qua nhiều thế kỷ, nền văn hóa bản địa vẫn tiếp thu, chắt lọc và đồng hóa văn hóa ngoại lai vào trong mình để bảo tồn đồng thời phát triển. Sau triển lãm cá nhân đầu tiên ở Huế (2006), mất đến hơn tám năm tiếp cận với nền nghệ thuật đương đại, dự án “1.000 chân dung nệm” của anh ra đời. Mới đây, triển lãm “Chân Dung Nệm” với 17 tác phẩm được ra mắt tại Hà Nội, gây tiếng vang với công chúng. Trong dự án, mỗi tấm nệm là một chứng nhân, một câu chuyện. Nơi tác giả cùng tương tác với người xem về một người cha là giáo viên, đồng thời là một người thợ mộc tài hoa phải làm thêm để nuôi sống gia đình, một người mẹ là thợ may với những tấm vải in hoa, dẫn dắt đến câu chuyện Hội An là thủ phủ của nghề may trong thời mở cửa. Với khái niệm đưa cuộc sống đời thường, phản ánh cụ thể những hình thái văn hóa bản địa đang diễn ra hàng ngày vào nghệ thuật, Vĩnh Phong đã quán chiếu sự chiêm nghiệm của cá nhân anh, xâu chuỗi từ quá khứ đến hiện tại. Một sự tìm về quá khứ êm đềm không chỉ riêng của tác giả mà của cả khán giả.

Trong triển lãm gần đây nhất tại CAB, khán giả thực sự ấn tượng với tác phẩm “Nắm cát tha hương” của Xuân Hạ - một nữ tác giả trẻ quê gốc Thăng Bình. Tác phẩm là sự chiêm nghiệm của tác giả về vùng cát trắng quê cô, khởi phát từ ký ức tuổi thơ với những dấu ấn văn hóa miền biển. Ý niệm của “Nắm cát tha hương” gắn liền với đời sống người miền Trung từ những cồn cát trắng, bát lư hương cát trắng trên bàn thờ, chủ nghĩa khai thác lẫn những tiêu thụ trên cát rải rác khắp miền Trung… Trên tất cả là sự lo lắng cho tương lai vùng quê mình của một tác giả Quảng Nam sáng tác về Quảng Nam. Từ Xuân Hạ, hay rất nhiều nghệ sĩ Việt khác, cất lên tiếng nói của thế hệ mình, xóa bỏ ranh giới giữa nghệ sĩ và công chúng, để không đơn độc trên con đường chuyển tải giá trị đích thực của nghệ thuật và truyền thống.

Nghệ sĩ hiện đại là những người thực hành, dùng nghệ thuật để can dự đời sống xã hội; cất lên tiếng nói bằng chính ngôn ngữ thế mạnh của mình, để bằng cách đó, tiếp nối những tự hào của dân tộc. Đó cũng chính là “ triết lý” để Trung tâm biểu diễn Lune Hội An, từ nhiều năm nay, trở thành địa chỉ văn hóa uy tín đối với những người mê nghệ thuật biểu diễn. Các không gian nghệ thuật được mở rộng nhiều phía, với hơi hướng rằng bản sắc chính là ý tưởng mở đầu và sẽ không bao giờ khép lại với những đau đáu nghệ thuật từ chính mỗi con người yêu lấy quê hương mình. Đoàn Thiên Hương (Lune Hội An) cho biết, chính từ những cuộc truy nguyên nguồn cội văn hóa như thế, thôi thúc người nghệ sĩ sáng tạo. Với đa số bối cảnh cho các show diễn là những sinh hoạt truyền thống của mỗi vùng miền, trên chất liệu tre, những thể nghiệm táo bạo ra đời. Làng tôi, À Ố show hay Ter Dar do Lune dàn dựng hướng về nguồn cội bằng những show diễn thị giác trên nền chất liệu biểu tượng của làng quê Việt.

Với triển lãm sắp đặt những tác phẩm nghệ thuật làm từ nan tre của đội thợ đầu nguồn sông Thu, “Nát giỏ còn bờ tre” của Trung Nghĩa đã từng mang đến rất nhiều cảm xúc. Anh xác quyết điều mà nhiều nghệ sĩ lâu nay vẫn đeo đuổi, thực hành, đó chính là khai thác chất liệu dân gian để đưa vào sáng tác đương đại. Sử dụng truyền thống như một nguồn mạch cảm hứng về mặt hình ảnh, màu sắc, thì đồng thời, một nghệ sĩ đương đại như Trung Nghĩa sử dụng truyền thống như một công cụ cắt nghĩa xã hội. Mây tre lại lần nữa cho thấy sức nặng của mình…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc trở về bản sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO