Cuộc sống thường ngày

Cuộc trở về của những mảnh ghép...

MINH TRÂM 04/02/2024 07:13

Một cái Tết đã trở thành “định nghĩa”, không phải thực tại khách quan như với những người đang sống giữa quê hương, có thể vừa nhìn vừa tả...

tet-de-tro-ve.jpg
Hạnh phúc, là được về với mẹ ngày tết. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

1. Chị Nguyễn Thị Quyên (sống tại thành phố Corpus, Texas, Hoa Kỳ) có 11 năm sống xa quê hương Thanh Châu (cũ), Duy Châu, Duy Xuyên.

Khi đến nước Mỹ vào năm 2013, chị là sinh viên ngành kế toán. Bây giờ, Quyên đã là kế toán thuế giàu kinh nghiệm ở xứ người và làm mẹ của cô con gái lai hai dòng máu Việt - Mỹ. Trong suốt hơn 10 năm biền biệt, “định nghĩa về tết” là điều đã gìn giữ đời sống tinh thần, nuôi dưỡng nội lực để chị sinh tồn nơi đất khách.

“Hồi đó, mỗi khi đến ngày 30 tháng Chạp, tôi lại mời các bạn du học sinh gốc Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi về nhà nấu nướng, ăn uống, ôn lại những cái tết ở quê hương”, chị Quyên nhớ lại.

Bên ngoài, bầu trời Mỹ chìm trong giá lạnh. Không khí hoàn toàn xa lạ với cái nắng dịu nhẹ và sắc vàng của hoa mai trước sân nhà xa lắc. Nhưng ngồi đối chiếu từng khung giờ, Quyên biết lúc này tết đã “đi” đến đâu.

Tầm sáng 30, những ngôi nhà có thờ tổ tiên của người Quảng đã rộn rã đón con cháu ở xa về ăn tết. Ngôi nhà “tăng dân số” suốt mấy ngày trời.

Mỗi ngày, mọi người cùng làm mâm cơm cúng gia tiên, rồi xúm xít ăn uống, đón khách, hay kéo nhau đi thăm mồ mả, họ hàng. Nhà của Quyên ở quê là một ngôi nhà như thế.

Bây giờ, Quyên là nàng dâu của một gia đình ở bang Texas. Brandon Mundt - chồng chị là một luật sư yêu văn hóa. Từ thuở yêu Quyên, anh đã “thấm nhuần” những cái tết xứ Quảng. Bắt đầu bằng phép so sánh “tết của người Việt giống như Christmas của người Mỹ”, chính Brandon dần có những định nghĩa riêng về tết Việt.

Năm nay, khi tết kề cận, anh cùng vợ đặt mua bao lì xì và những món đồ trang trí “có màu vàng và màu đỏ”, “những loại nuts (hạt) của người Việt” như hạt dưa, hạt bí bán trên những gian hàng Việt Nam trực tuyến. Những ngày cuối cùng của năm theo âm lịch, Brandon dí dỏm nhắc vợ… “đi làm nail”.

tnb-62959-02.jpg
Xa quê hơn nửa vòng trái đất, chị Nguyễn Thị Quyên chọn cách "về nhà ăn tết" bằng những việc hay làm ngày tết cùng mẹ. Ảnh: NVCC

Chính Brandon cũng được “lây lan” ký ức về một cô bé Quyên lẽo đẽo theo mẹ lên tiệm tóc gần nhà vào đêm ba mươi để làm móng, làm tóc cho đến sát giờ giao thừa mới về nhà. “Tiệm uốn tóc cô Bích” ở La Tháp (thôn bên cạnh thôn Thanh Châu cũ) cũng là một không gian tết “thần thánh” trong ký ức của người phụ nữ tha hương.

Căn tiệm bằng gỗ cũ kỹ, có duy nhất một ghế gội đầu, một chiếc gương to và vài loại máy móc tối giản. Nhưng bao nhiêu năm trời, cứ đêm ba mươi, không gian ấy được dành riêng cho Quyên và mẹ - người phụ nữ bận bịu nhất xứ - kịp làm đẹp ca cuối…

2.
Đinh Khánh Trinh (sống tại quận 8, TP.Hồ Chí Minh) cũng có 11 năm xa quê. Là người khá phóng khoáng, thích trải nghiệm nhiều nền văn hóa, Trinh từng thử đón tết với bạn bè, đón tết bằng việc đi du lịch, và đón tết ở Sài Gòn một mình.

Tết là khoảng thời gian mà thao thức cội nguồn trỗi dậy mạnh mẽ nhất. Để mỗi người xứ Quảng đều nhận thấy trong mình một mảnh ghép của quê nhà. Một mảnh ghép ở cả không gian lẫn thời gian: Tết là phải về nhà, có mặt cùng hàng xóm, người thân, và cả… chính mình.

Thế nhưng, dù lựa chọn trải nghiệm tết ở đâu, thì cứ đến độ hai mấy tháng Chạp, cô lại nôn nao về hình ảnh của chính mình trong bức tranh tết quê đã mặc định ở tâm trí, nơi “từ ngã ba Hương An đi lên 12km, tới Chợ Nón thì rẽ lên, đi miết vô những xóm làng khuất nẻo”.

Tết thời con nít của Trinh bắt đầu khi chiếc xe Win của anh Bình hàng xóm vọng tiếng thật to trên đường làng. Nghe tiếng xe “thương hiệu”, mấy chị em cô đã nhanh nhảu chạy ra đứng trước ngõ chờ sẵn.

Anh Bình đi làm cây, làm vàng ở Tiên Phước quanh năm. Cứ đến gần tết anh lại về, mua cho tụi con nít mỗi nhà một bịch kẹo Bốn Mùa, và lì xì mỗi đứa 2 ngàn đồng.

Tụi con nít ở thôn 8A, xã Phong Phú, xã Quế Thuận, Quế Sơn từng bắt đầu nhiều cái tết theo cách ngọt ngào đó. Để khi vừa vào Sài Gòn, Trinh đã mang theo mình sự hào hiệp của một “chị lớn trong xóm”.

Trinh kể: “Cứ đến tết là tôi bị thôi thúc mãnh liệt hình ảnh mình đi trên con đường quê, cầm vài xách bánh, sữa cùng mấy bao lì xì để gửi tặng mấy đứa nhỏ trong xóm. Năm nào không về, là thấy mắc nợ, rồi tự chơi vơi…”.

Hội đồng hương Quảng Nam hùng hậu khắp nơi. “Máu tha phương” có trong từng người con đất Quảng, khiến họ dễ thích nghi, dễ tạo dựng đời riêng trên mọi vùng đất lạ.

Nhưng, tết là khoảng thời gian mà thao thức cội nguồn trỗi dậy mạnh mẽ nhất. Để mỗi người xứ Quảng đều nhận thấy trong mình một mảnh ghép của quê nhà. Một mảnh ghép ở cả không gian lẫn thời gian: Tết là phải về nhà, có mặt cùng hàng xóm, người thân, và cả… chính mình.

Cuộc trở về với họ, có thể bằng hoài niệm, như cách chị Quyên vẫn đi làm móng, làm tóc vào những ngày cuối năm khi sống cách quê mình nửa vòng trái đất.

Hay cô gái trẻ Khánh Trinh với túi quà cho trẻ con nơi quê cũ. Và đó cũng là một thôi thúc đương thời từ nội tâm sâu thẳm của những người con xứ Quảng. Một thôi thúc luôn hiện hữu, để ghép mình vào nơi mình thuộc về, dù đã xa nhà bao lâu, dù còn xanh hay đã bạc mái đầu…

3. Lần về quê ăn Tết năm nay, chị Văn Thị Dung (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) thực hiện một chuyến hồi hương lớn nhất đời mình. Chị vừa đủ tuổi hưu, chính thức rời vùng đất mưu sinh Sài Gòn để về với quê nhà.

tnb-62959-01.jpg
Gia đình mà chị Văn Thị Dung (ngồi chính giữa) muốn trở về để thực hành bản năng chăm sóc trong mình. Ảnh: NVCC

Hơn hai mươi năm xa quê, sống một mình ở Sài Gòn để làm việc, tưởng chừng, việc về quê nghỉ hưu là tất yếu. Thế nhưng chị Dung thừa nhận mình đã từng có ý định làm thêm, sắp xếp một cuộc sống ở Sài Gòn sau tuổi hưu.

Chị đã quá quen nhịp sống Sài Gòn, quen sự bận bịu của một người có công việc. Thế nhưng, khi lịch nghỉ hưu bắt đầu vào đúng 18 tháng Chạp, lòng chị dứt dạt một thôi thúc: Trở về!

Lý do thật đơn giản: “Tết làm tôi nhớ mình là một người có bản năng chăm sóc rất mạnh. Hơn 20 năm tôi tha hương, mẹ và các em luôn mong tôi về nhà mỗi dịp tết. Về nhà, tôi đi chợ, nấu nướng, biến cái tết của nhà mình thành một cuộc “ăn tết” thực sự.

Tôi nhớ hình ảnh mình trong những bữa cơm gia đình, bày biện thật chỉn chu, rồi đứng lên ngồi xuống suốt bữa vì “bắt bài” được nhu cầu của mẹ, của em, của các cháu. Hình ảnh đó quý giá quá, tôi không thể bỏ lỡ”.

Nhớ nhà, nhớ không khí quây quần, nhớ cái xôn xao của làng xóm, hay là nhớ chính mình - một con người rất thật, rất thả lỏng, rất thỏa nguyện giữa không gian quen thuộc? Bóc tách cảm thức đoàn viên của người Quảng trong buổi bình minh của năm tháng, dễ thấy ở đó những tâm hồn khao khát được trở về với bản thể nguyên sơ của mình.

Giữa mùa xuân rộn rã nhưng phảng phất cái trầm mặc của lễ tết pha lẫn những ấm áp ở quê nhà, người tha phương trở về, để là họ với trái tim yêu thương…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc trở về của những mảnh ghép...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO