Cuộc trùng phùng tháng Ba

SONG ANH 24/03/2015 21:52

  • Tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Nam và khánh thành Tượng đài Mẹ VNAH

(QNO) - Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng tỉnh Quảng Nam và khánh thành Tượng đài Mẹ VNAH tối nay - 24.3, trở thành nơi trùng phùng đầy xúc động...

Ngay từ buổi chiều, từng dòng người từ khắp nơi đổ về khu tượng đài Mẹ VNAH, đặt tại núi Cấm (phường An Phú, TP. Tam Kỳ). Những khuôn mặt đầy ắp nụ cười. Từ những lão ông, lão bà tuổi đã 80, những thương bệnh binh đi lại khó nhọc, vẫn không ngại vượt mọi xa cách cùng về chung ngày vui của tỉnh.

Mẹ VNAH Lê Thị Tuyết Mai, từ TP. HCM về dự lễ

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Tuyết Mai, từ TP.HCM về dự lễ. Ảnh: SONG ANH

Từ TP. Hồ Chí Minh về sáng nay, Mẹ VNAH Lê Thị Tuyết Mai, tròn 85 tuổi, đi cùng cán bộ Phòng LĐTBXH quận 5 (TP.HCM), rất khó nhọc khi bước đi, nhưng khuôn mặt già nua vẫn không lộ vẻ mệt nhọc. Mẹ nói, người con trai duy nhất của mẹ hi sinh tại chiến trường Quảng Nam này, năm 1975. Vậy nên khi nhận được giấy mời dự lễ từ UBND tỉnh Quảng Nam, Mẹ nói với người con nuôi đang ở cùng, “phải làm sao để trước khi chết, mẹ phải về thăm nơi con mẹ ngã xuống”. Chia sẻ những cảm xúc khi đứng trước khu Tượng đài Mẹ VNAH, cũng như về vùng đất xứ Quảng, Mẹ Lê Thị Tuyết Mai xúc động nói: “Mẹ thật sự vui, rất vui. Ước mong được một lần về đất Quảng cũng đã toại nguyện. Dù có mệt mấy cũng phải đi”.

Các cựu chiến binh của Tiểu đoàn 70 về dự lễ kỷ niệm. Tiểu đoàn trưởng Võ Quang Tiến ngồi ngoài cùng.
Các cựu chiến binh của Tiểu đoàn 70 về dự lễ kỷ niệm. Tiểu đoàn trưởng Võ Quang Tiến ngồi ngoài cùng. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Rất nhiều những Bà mẹ VNAH, không ngại tuổi tác, sức khỏe, đường xa, quyết về cho được Quảng Nam đợt này. Từ Hà Nội, TP. HCM, Thanh Hóa, Kontum, TP. Đà Nẵng đến các huyện trong tỉnh, hàng trăm Mẹ VNAH cùng về ngồi dưới tượng đài, nhận những tri ân từ các thế hệ dành cho Mẹ. Mẹ VNAH Lương Thị Phong, năm nay đã 85 tuổi, từ TP. Đà Nẵng vào, có 6 người con thì 4 người con trai của Mẹ đã nằm lại chiến trường Quảng Nam. Bản thân Mẹ, đã trụ bám, chiến đấu tại vùng đất này suốt hai cuộc kháng chiến. “Mình là dân Cách mạng nòi, kháng chiến, rồi làm du kích, rồi 4 đứa con trai cũng theo đó mà đánh thằng Mỹ. Bốn thằng con trai nằm ở đất này đã hơn 40 năm”, mẹ Lương Thị Phong chia sẻ. Rưng nước mắt khi được hỏi về cảm xúc khi về tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm Giải phóng tỉnh Quảng Nam, mẹ nói: “Bây giờ Đảng và Nhà nước chăm lo cho các bà mẹ VNAH chu đáo lắm. Mẹ nhận được nhiều sự quan tâm từ các cấp chính quyền, được các em, các cháu hỏi han, quan tâm”…

Chương trình nghệ thuật
Chương trình nghệ thuật "Huyền thoại Mẹ". Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đồng đội cũ, những người từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Tín, Quảng Đà, cũng rung lên những niềm xúc động, khi gặp lại nhau, tại chính mảnh đất xưa. Ông Võ Quang Tiến, người 5 lần nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 70, chiến đấu tại Quảng Nam – Đà Nẵng giai đoạn 1970 – 1975, bồi hồi khi nhớ lại từng trận phục kích, chiến đấu cùng đồng đội. Hôm nay, tiểu đoàn 70 từ khắp các miền về Quảng Nam hơn 200 người. Chàng trai Hà Bắc năm nào vào chiến đấu tại Quảng Nam khi tuổi còn đôi mươi, nay đã dạm bước sang tuổi 70, vẫn hừng hực khí thế khi trò chuyện cùng đồng đội cũ. Họ quàng vai nhau, cùng hát vang những khúc ca chiến trận, trước khi buổi lễ bắt đầu. Ở cánh phải sân khấu của Lễ kỷ niệm, những cựu TNXP qua các thời kỳ, cũng bắt nhịp những ca khúc chiến thắng. Không gian Khu tượng đài Mẹ VNAH trở nên hào hùng, đầy tinh thần của những ngày lịch sử.

Nguyên những vị lãnh đạo Quảng Nam, Quảng Đà qua các thời kỳ, trở về đất Quảng những ngày tháng 3 trong niềm bồi hồi xúc động. Đồng chí Trần Thận -  Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Đà, nói rằng, để có những trùng phùng như ngày hôm nay, người dân Quảng Nam – Đà Nẵng đã phải hi sinh, đánh đổi rất nhiều. “Cần phải chăm lo cho người dân miền núi, phát triển kinh tế xã hội ở miền núi, bởi trong chiến tranh, cùng với đồng bằng, đồng bào miền núi đã cưu mang, đùm bọc cán bộ Cách mạng. Đồng bào góp công sức rất lớn cho nền hòa bình hôm nay”, ông Trần Thận nói.  

Với thế hệ trẻ, nhìn những cái siết tay thật chặt từ các cựu chiến binh, những giọt nước mắt trên gương mặt các Bà mẹ VNAH, họ tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình. Anh Phan Văn Bình, tỉnh đoàn Quảng Nam, đại diện cho thế hệ trẻ, phát biển tại Lễ kỷ niệm: “Thế hệ trẻ chúng tôi vinh dự được sống trong thời kỳ đất nước hoà bình, độc lập, thống nhất. Chúng tôi hiểu: Tổ quốc là gì nếu không phải là lớp lớp cha anh đã anh dũng chiến đấu với kẻ thù xâm lược suốt mấy ngàn năm để tạc dựng nên dáng đứng Việt Nam. Chúng tôi hiểu rằng, nghĩa vụ của thanh niên với đất nước là nghĩa vụ của người con với cha mẹ, của người đi sau với lớp người đi trước. Hạnh phúc chúng tôi đang được hưởng hôm nay đã phải đổi bằng rất nhiều máu xương của biết bao thế hệ. Vì thế, biết ơn Tổ quốc, biết ơn thế hệ cha anh là tình cảm, trách nhiệm của mỗi người trẻ và là điều thiêng liêng, cao cả nhất”.

Những nghĩa tình vẫn còn nối dài…

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc trùng phùng tháng Ba
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO