Cuộc xoay chuyển của đất

TRẦN HỮU 28/05/2020 04:05

Từ “sa mạc cát” hoang sơ, xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) đã tạo ra nhiều sắc thái mới về kiểu dáng nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hoàn thành và vượt hầu hết chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Bộ mặt hạ tầng giao thông, khu dân cư tại Tam Phú ngày nay khá tươm tất. Ảnh: HỮU PHÚC
Bộ mặt hạ tầng giao thông, khu dân cư tại Tam Phú ngày nay khá tươm tất. Ảnh: HỮU PHÚC

Điểm sáng kinh tế tư nhân

Cơ sở sản xuất, gia công đồ mộc gia dụng của Công ty TNHH Phước Phương Nam, đóng tại thôn Phú Bình (xã Tam Phú) hiện thu hút hàng chục lao động địa phương. Vào cơ sở này làm việc từ đầu năm 2020, anh Trần Lực (ở thôn Phú Đông, xã Tam Phú) chia sẻ: “Mấy tháng dịch Covid-19 bùng phát, trong khi người lao động ở các nơi thất nghiệp, thì thợ mộc ở xưởng vẫn làm việc bình thường trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tiền công mỗi tháng gần 10 triệu đồng”.

Cả xã còn 27 hộ nghèo

Giá trị thương mại - dịch vụ năm 2020 của xã Tam Phú ước đạt 140,5 tỷ đồng (cao gấp 2,5 lần so với năm 2015 và tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2015 - 2020 đạt 19,8%, vượt 4,8% so với nghị quyết nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra). Tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đi đúng hướng, năm 2020 giá trị nông nghiệp chỉ còn chiếm 17%, công nghiệp - xây dựng chiếm gần 41%, trong khi giá trị thương mại - dịch vụ chiếm 42%. Về văn hóa - xã hội, xã  hiện có 7/7 thôn được công nhận đạt chuẩn văn hóa, trong đó có 3/7 thôn đạt thôn văn hóa 5 năm liền cấp thành phố. Đến nay, toàn xã chỉ còn 27 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,9% tổng dân số), trong khi năm 2015 là 120 hộ (chiếm hơn 4,1%).

(Trích Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Tam Phú nhiệm kỳ 2020 - 2025)

Sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ là xu thế mà nhiều doanh nghiệp tư nhân ở xã Tam Phú đã và đang thực hiện. Giám đốc Công ty TNHH Phước Phương Nam - ông Nguyễn Văn Trao cho biết, vì doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đóng bàn ghế với đối tác từ năm 2019 nên mọi hoạt động sản xuất hầu như không bị trì trệ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Doanh nghiệp sử dụng thường xuyên khoảng 20 lao động. Thu nhập của lao động phổ thông 300 nghìn đồng/ngày; thợ lành nghề thậm chí gần 1 triệu đồng” - ông Trao nói.

Tại thôn Phú Thạnh, ông Trần Đình Nguyễn đầu tư 400 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà. Ông Nguyễn cho biết, với công suất lắp đặt 20kW, sử dụng không hết thì nguồn điện dư thừa ông bán lại cho ngành điện. Trước đây, trung bình mỗi tháng gia đình ông trả 10 triệu đồng tiền điện kinh doanh, nhưng hiện nay sau khi khấu trừ việc bán và mua lại thì gia đình ông không phải trả tiền điện. Thấy được hiệu quả lắp đặt điện năng lượng mặt trời, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn đã đầu tư lắp đặt. Tại xã Tam Phú, ngoài đầu tư các lĩnh vực xây dựng, vận tải, cung ứng sản phẩm thịt đà điểu, cơ khí, một số doanh nghiệp còn xây dựng vườn ươm cây giống lâm nghiệp và dược liệu.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tam Phú - Nguyễn Đức Vương nhận xét, kinh tế tư nhân phát triển rất ấn tượng với sự đa dạng các lĩnh vực ngành nghề, tăng cả số lượng và quy mô hoạt động. Kinh tế tư nhân phát triển còn giải quyết đáng kể nguồn lao động tại chỗ, giảm áp lực việc làm cho xã hội. Từ chỗ chỉ có 4 doanh nghiệp (năm 2015), nay trên địa bàn xã có 21 doanh nghiệp hoạt động và 87 cơ sở kinh doanh, tạp hóa, buôn bán nhỏ lẻ.

Kết nối vùng

Theo kế hoạch, cuối năm nay, tuyến đường từ Khu Công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai giai đoạn 2 (đường ven biển 129) đưa vào sử dụng, thì khu vực dốc Diên Hồng của xã Tam Phú - điểm đầu của dự án đường ven biển 129 - hứa hẹn trở thành cửa ngõ phát triển năng động của vùng đông. Trong khi nhiều địa phương khác thời điểm này vẫn còn gặp vướng mắc trong khâu bồi thường, thu hồi đất dự án đường ven biển 129 thì xã Tam Phú đã sớm bàn giao mặt bằng thi công thông suốt.  Kết cấu hạ tầng giao thông mở ra dọc ngang, khớp nối liên vùng.

Năm năm qua, nhiều dự án hạ tầng chiến lược, có sức lan tỏa phát triển vùng đã được đầu tư tại địa phương. Đó là tuyến ven biển đường 129, đường Tam Kỳ - Tam Thanh, Điện Biên Phủ, quốc lộ 40B, Lê Thánh Tông. Các chủ đầu tư cùng với chính quyền địa phương đang triển khai giải tỏa mặt bằng các dự án khu dân cư - tái định cư thôn Phú Thạnh và Phú Đông; dự án nghĩa trang nhân dân thôn Phú Đông; mở rộng tuyến ĐX3 Ngọc Nam đi Ngọc Mỹ và đường từ quốc lộ 40B đoạn thôn Phú Đông, Tân Phú.

Giai đoạn 2015 - 2020, Tam Phú có gần 900 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án, với hơn 34ha diện tích đất bị thu hồi đều được nhân dân thống nhất cao. Có được bộ mặt nông thôn tươm tất như hôm nay cũng nhờ sự đồng thuận cao của nhân dân. Minh chứng là nhiều hộ dân đã hiến hơn 10 nghìn mét vuông đất và tự di dời 300 hàng rào để mở rộng đường giao thông nông thôn khi xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại thôn Quý Ngọc và Ngọc Mỹ.

Những nổng cát cằn cỗi của vùng đất Kỳ Phú xưa đang hồi sinh mãnh liệt. Bao dự định dang dở, kỳ vọng sẽ được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tam Phú hiện thực hóa trong 5 năm đến.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc xoay chuyển của đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO