Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 3: Những điểm nghẽn mặt bằng

HỮU PHÚC 01/06/2017 09:13

Một số dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng phải gián đoạn thi công do chính quyền địa phương chậm bàn giao mặt bằng, chưa có đất bố trí tái định cư (TĐC) cho người dân. Nhiều diện tích chưa giải tỏa kéo dài, càng gây lúng túng trong quản lý quy hoạch xây dựng.

  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 2: Rượt đuổi hạ tầng
  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 1: Sắp xếp lại không gian sống
Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An giai đoạn 1 đến nay còn ách tắc mặt bằng 17,5ha.  Ảnh: H.PHÚC
Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An giai đoạn 1 đến nay còn ách tắc mặt bằng 17,5ha. Ảnh: H.PHÚC

Ách tắc

Giữa năm 2016, lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đưa quyết tâm đến cuối năm nay sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư ít nhất 200ha trong dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An nhưng thực tế đã không theo như mong muốn, bởi đến nay mới bàn giao hơn 147ha. Đáng lưu ý, giai đoạn 1 của dự án án này còn ách tắc mặt bằng 17,5ha. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, có nhiều kiểu vướng mắc mặt bằng. Phổ biến nhất là tâm lý kèo cưa, người bị thu hồi đất không muốn nhận tiền bồi thường - hỗ trợ (BT-HT). Trong số 17,5ha đất chưa bàn giao cho nhà đầu tư, có 122 hộ chưa nhận BT-HT và di chuyển chỗ ở; 74 hộ chưa thống nhất với phương án BT mà cơ quan chức năng phê duyệt. Ngành chức năng đã kiến nghị áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất đối với 28 hộ dân (xã Duy Hải 20 hộ và 8 hộ của xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) với tổng diện tích hơn 7ha.

Cần 2.000ha đất sạch

Theo Kết luận số 25-KL/TU, ngày 27.4.2017 của Tỉnh ủy, 2 năm (2017 -2018) vùng đông nam của tỉnh cần 2.000ha đất sạch để giao cho nhà đầu tư. Theo đó sẽ có khoảng 2.451 hộ sẽ bị giải tỏa, di dời. Thời gian qua, với hơn 1.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và huy động thêm các nguồn vốn từ địa phương đã xây dựng các khu dân cư, TĐC phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án. Riêng năm 2017, ngân sách tỉnh chi 300 tỷ đồng cho đầu tư các khu TĐC, dân cư và nghĩa trang.

Hộ bà Võ Thị Hương (thôn Sơn Viên, xã Duy Nghĩa) có nhà xây kiên cố 3 tầng, dài 15m, rộng 6m, cao 10m. Nhiều tháng qua, các ngành chức năng không thể tính toán giá trị để chi BT, bởi đây là ngôi nhà xây dựng trái phép trong vùng công bố thực hiện quy hoạch khu TĐC ven biển, thuộc dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Vì vậy, ngày 22.5, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - ông Nguyễn Công Dũng ký các quyết định áp dụng cưỡng chế tháo dỡ đối với trường hợp xây dựng trái phép của bà Hương, cùng với 2 trường hợp khác trên địa bàn thôn Sơn Viên. Nhiều người bị thu hồi đất không nhận tiền BT cho rằng, giá BT hiện hành thấp hơn so với thị trường, tiền BT không đủ để xây mới nhà cửa, nên họ kiến nghị được BT phần diện tích tăng thêm sau khi cấp giấy chứng nhận quyển sử dụng đất theo loại đất vườn ao liền kề. Trên thực tế đây là diện tích đất khai hoang trái phép nhưng do chính quyền quản lý lỏng lẻo nên người dân lấn chiếm. Vì xác định nguồn gốc đất để BT kéo dài dai dẳng nên lúng túng khi thu hồi đất. Một số dự án vùng đông đã gặp rào cản ngay trong giải phóng mặt bằng vì chính sách chi trả BT-HT quá thấp so với thị trường. Tại thôn Mỹ Sơn (xã Tam Anh Nam, Núi Thành), hộ ông Phạm Văn Hữu chỉ có duy nhất 150m2 đất ở nông thôn nhưng giá trị BT hơn 11 triệu đồng (phê duyệt 75 nghìn đồng/m2), trong khi ông không đủ tiền để mua một lô đất TĐC tại chỗ có thể lên đến vài trăm triệu đồng. Chính vì vậy mà ách tắc mặt bằng dự án ở đây kéo dài từ năm 2013 đến nay.

Không chỉ cần đất sạch cho nhà đầu tư mà kể cả hạ tầng cho các khu TĐC xã Duy Hải giai đoạn 1, 2 và 3 cũng đều chậm giải phóng mặt bằng. Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh huyện Duy Xuyên, tính đến đầu tháng 5.2017, chỉ mới bàn giao mặt bằng 18ha trong tổng số 41ha (đạt 44%). Số tiền 1,2 tỷ đồng hiện vẫn chưa chi cho 8 hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi và 46 ngôi mộ. Hầu hết dự án đều vướng mắc về chính sách thu hồi đất, BT-HT và TĐC. Người dân chậm bàn giao mặt bằng chủ yếu cho rằng giá BT thấp hơn so với giá thị trường; yêu cầu được bố trí đất TĐC như Luật Đất đai 2003 (không nhất thiết phải có nhà ở trên đất ở mới được bố trí TĐC). Còn dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng Bình Dương (Thăng Bình) đã công bố quy hoạch đang ở thời điểm kiểm kê. Theo chính quyền huyện Thăng Bình, cái khó là có sự chồng lấn trong quy hoạch, nhập nhằng ranh giới rừng phòng hộ ven biển với đất thổ cư của người dân. Các ngành chức năng, hội đồng tư vấn cấp xét đất cấp xã lúng túng trong xác nhận nguồn gốc đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực tế đất thổ cư người dân sống từ rất lâu nhưng họ chưa lập thủ tục công nhận đất đai nên giải quyết quyền lợi như thế nào cho hợp lý, đúng luật vẫn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, tại địa bàn nhiều xã khu cải táng mồ mả hiện chưa đáp ứng nhu cầu. Tại xã Bình Dương, hiện còn 5.000 ngôi mộ các loại chưa di dời ra khỏi vùng dự án.

Bất cập về chính sách

Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - ông Nguyễn Bốn cho rằng, theo Quyết định 43/QĐ-UBND của UBND tỉnh thực hiện Luật Đất đai hiện hành thì các hộ bị ảnh hưởng nhà ở bị thu hồi hết đất ở chỉ được bố trí 1 lô TĐC chính theo hình thức đất đổi đất, còn lại có thể xem xét giao đất thu tiền đối với lô thứ 2, thứ 3 tùy theo số nhân khẩu, số hộ sống chung. Do giá đất ở BT (theo giá thực tế) và giá đất TĐC theo giá thành có sự chênh lệch khá lớn nên hầu hết hộ không đủ điều kiện mua lô thứ 2 trở lên theo yêu cầu nên không thống nhất với phương án phải trả thêm tiền để mua thêm đất TĐC. Việc giải quyết bố trí TĐC chuyển từ đất đổi đất sang BT theo giá thị trường và người dân phải mua đất TĐC theo giá đất tại khu TĐC gây khó khăn trong việc vận động giải phóng mặt bằng, bố trí TĐC đối với các dự án vùng đông Duy Xuyên.

Thời điểm này, Duy Xuyên cần 32ha mặt bằng sạch để giao cho nhà đầu tư nhưng chưa thể di dời 150 hộ do tiến độ xây dựng các khu TĐC chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Tại huyện Núi Thành, dự án TĐC nhà ở công nhân Tam Anh Nam kéo dài nhiều năm do vướng mặt bằng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Trương Văn Trung, xác định giá đất cụ thể để BT rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Giá đất chuyển nhượng theo thị trường rất khó xác định. Tại những khu vực nằm trong vùng quy hoạch đa số không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nên việc lấy giá đất chuyển nhượng ở các vị trí khác thì không tương đồng về các điều kiện so sánh với khu vực cần định giá. Bên cạnh đó, đất ở tại khu vực bị giải tỏa có đơn giá BT thấp, trong khi tại khu TĐC giá lại cao do được đầu tư hoàn thiện về cơ sở hạ tầng. “Chính sách đất đai hiện hành chỉ HT chênh lệch tiền sử dụng đất cho 1 lô đầu tiên, rất khó khăn cho các hộ có nhiều cặp vợ chồng sống chung trong một ngôi nhà phải mua đất TĐC cho các lô thứ 2 trở đi. Đối với các hộ có con cái đã lập gia đình và làm nhà trên đất ở của cha mẹ nhưng chưa lập thủ tục về đất đai theo quy định, khi thực hiện BT-HT thì không được HT khi giải tỏa nhà ở, nhất là HT chênh lệch tiền sử dụng đất TĐC” - ông Trung nêu bất cập.

Nghịch lý là, tuy các khu TĐC hiện nay trên địa bàn huyện Núi Thành xây dựng khang trang, đồng bộ kết cấu hạ tầng nhưng tâm lý người dân không muốn nhường đất ra đi vì địa phương hầu như không có quỹ đất sản xuất, đất kinh doanh tại các khu TĐC.

Tổ chức cưỡng chế thu hồi đất tại xã Tam Thăng

Sáng 31.5, lực lượng chức năng TP.Tam Kỳ và xã Tam Thăng tổ chức thu hồi đất đối với hộ ông Nguyễn Thanh Tùng (thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng giai đoạn 2.

Hộ ông Nguyễn Thanh Tùng có 817m2 đất trồng cây lâu năm, thuộc thửa đất số 332, tờ bản đồ số 20 tại xã Tam Thăng. Ngày 7.9.2016, UBND TP.Tam Kỳ đã ban hành quyết định về việc thu hồi đất đối với hộ ông Tùng. Chủ đầu tư đã thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định, tuy nhiên ông Tùng không chấp hành việc nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công thực hiện dự án. Mặc dù chính quyền thành phố và địa phương đã nhiều lần tuyên truyền vận động nhưng hộ ông Tùng vẫn không chấp hành, do vậy lực lượng chức năng TP.Tam Kỳ quyết định thi hành cưỡng chế thu hồi đất để đơn vị thi công đảm bảo tiến độ dự án. (VÕ LY)

------------------------
Bài 4: Chênh lệch giá bồi thường, hỗ trợ

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 3: Những điểm nghẽn mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO