Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 5: Dân chờ đất tái định cư

NHÃ PHƯƠNG 05/06/2017 08:55

Trong khi rất nhiều hộ dân thuộc diện bị giải tỏa cần bố trí đất để làm nhà cửa nhằm sớm ổn định cuộc sống thì thời gian qua, việc đầu tư xây dựng nhiều khu tái định cư (TĐC) ở vùng đông vẫn còn nằm ở khâu quy hoạch hoặc thi công dang dở…

  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 4: Chênh lệch giá bồi thường, hỗ trợ
  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 3: Những điểm nghẽn mặt bằng
  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 2: Rượt đuổi hạ tầng
  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 1: Sắp xếp lại không gian sống
Khu TĐC Nồi Rang (Duy Nghĩa, Duy Xuyên) còn dang dở.Ảnh: NHÃ PHƯƠNG
Khu TĐC Nồi Rang (Duy Nghĩa, Duy Xuyên) còn dang dở.Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Mòn mỏi đợi chờ

Bà Phạm Thị Ánh ở thôn Thuận An (Duy Nghĩa, Duy Xuyên) cho biết, ngôi nhà của bà thuộc diện bị giải tỏa để thi công dự án đường dẫn phía nam cầu Cửa Đại và hình thành vệt cây xanh. Năm 2009 gia đình bà Ánh nhận quyết định thu hồi đất và được bồi thường thiệt hại 200 triệu đồng. Đã 8 năm trôi qua nhưng đến giờ này bà Ánh vẫn chưa nhận được đất TĐC, trong khi đó căn nhà cũ đã được bồi thường thiệt hại thì cũng chưa giải tỏa. Bà Ánh than phiền: “Nếu Nhà nước bố trí đất TĐC cho tôi sớm thì với 200 triệu đồng tiền bồi thường, cách đây 8 năm tôi có thể làm lại được một căn nhà đàng hoàng. Còn bây giờ, nếu có nhận được đất TĐC thì số tiền đó sẽ không đủ làm một ngôi nhà cấp 4”.

Mới đây, tại cuộc làm việc với Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, đơn vị đang trực tiếp quản lý và đầu tư phát triển hơn 42.000ha đất của 24 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đông của 4 huyện, thành phố ven biển gồm Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành. Tính đến ngày 31.3.2017, tổng số dự án trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai là 121 dự án với tổng vốn đầu tư 2,67 tỷ USD và hiện đã có 86 dự án đi vào hoạt động với số vốn thực hiện hơn 1,4 tỷ USD.

Những năm qua Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã tiến hành thu hồi 1.901ha đất để phục vụ các dự án đầu tư; tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 15.412 hộ, trong đó số hộ dân bị giải tỏa nhà khoảng 1.752 hộ; số hộ dân cần nhận đất TĐC khoảng 1.890 hộ và số lô đất cần bố trí TĐC khoảng 2.443 lô. Theo thống kê, từ năm 2011 đến thời điểm tháng 4.2017 đã có 1.330 lô đất được bàn giao để bố trí TĐC cho người dân.

Không riêng bà Ánh, nhiều hộ dân khác ở thôn Thuận An và Sơn Viên của xã Duy Nghĩa cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Trường Năm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho biết, năm 2009 - 2010 Nhà nước đã tiến hành áp giá bồi thường, trao quyết định thu hồi đất đối với 22 hộ dân thuộc diện giải tỏa để xây dựng đường dẫn phía nam cầu Cửa Đại. Tuy nhiên, đến giờ này số hộ dân trên vẫn chưa được bố trí 34 lô đất TĐC (có trường hợp nhận 1 lô chính và 1 lô phụ) để xây dựng nhà cửa. Trong khi đó, những căn nhà họ đã nhận tiền bồi thường vẫn chưa giải tỏa và hiện nay hầu hết đã xuống cấp nhưng phải chấp nhận sống tạm. Ông Nguyễn Trường Năm nói: “Thời gian qua, nhiều hộ dân rất bức xúc vì đất TĐC chưa nhận được, còn nhà cửa hư hỏng thì không dám bỏ tiền ra sửa do đã nhận tiền bồi thường, không biết lúc nào mới giải tỏa. Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi không đủ thẩm quyền giải quyết vướng mắc trên mà chỉ phản ánh ý kiến của người dân với các đơn vị liên quan. Trước đây tỉnh giao cho UBND huyện Duy Xuyên đầu tư xây dựng những khu TĐC, bố trí đất ở cho các hộ dân thuộc diện bị giải tỏa và từ cuối năm 2015 đến nay đã giao lại cho Công ty CP Đầu tư & phát triển Kỳ Hà - Chu Lai Quảng Nam đảm nhận”.

Tiến độ xây dựng ì ạch

Ông Nguyễn Tấn Nam - Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) cho biết, theo quy hoạch thì việc triển khai các dự án trên địa bàn như khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, sắp xếp dân cư ven biển, 3 trục giao thông trọng yếu, đường dẫn cầu Cửa Đại và cầu Trường Giang… sẽ lấy của địa phương ít nhất 616ha đất. Tính đến thời điểm này, các đơn vị liên quan đã tiến hành áp giá bồi thường, thu hồi 75ha đất các loại và số hộ dân nằm trong diện bị giải tỏa, phải bố trí TĐC là gần 210 hộ. Tuy nhiên, hiện nay tại các khu TĐC của xã mới chỉ có 49 hộ vào nhận đất xây dựng lại nhà cửa. Cụ thể, khu TĐC Nồi Rang 30 hộ, khu TĐC Lệ Sơn 18 hộ, khu TĐC Sơn Viên 1 hộ. Ông Nguyễn Trường Năm – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho rằng, sở dĩ việc bố trí TĐC cho những hộ dân thuộc diện bị giải tỏa quá chậm chạp là vì tiến độ san ủi mặt bằng, xây dựng các khu TĐC Nồi Rang, Sơn Viên, Lệ Sơn rất ì ạch và kết cấu hạ tầng thi công không đồng bộ, nhất là hệ thống thoát nước, giao thông nội bộ, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, cây xanh… Trong khi đó, khu TĐC Hồng Triều đã phê duyệt quy hoạch hồi năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa rục rịch.

Còn ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho hay, theo dự kiến thì các dự án đang và sẽ triển khai trên địa bàn xã sẽ lấy đi của địa phương tổng cộng 878ha đất (trong đó lớn nhất là dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An 526ha, dự án Opal Ocean View của Công ty CP Dịch vụ - xây dựng địa ốc Đất Xanh 207ha) và số hộ dân nằm trong diện bị giải tỏa, phải bố trí TĐC là không dưới 4.000 hộ. Theo ông Thống, đến nay các chủ dự án đã tiến hành áp giá bồi thường và thu hồi đất với diện tích khoảng 300ha với hơn 1.400 lượt hộ bị ảnh hưởng, trong đó có gần 1.000 hộ nằm trong diện bị giải tỏa và phải bố trí TĐC. Ông Thống nói: “Trong số xấp xỉ 1.000 hộ dân cần bố trí TĐC trong giai đoạn hiện nay thì mới chỉ có gần 300 hộ nhận đất xây dựng lại nhà cửa và 150 hộ đã nhận đất nhưng chưa tiến hành xây nhà. Những hộ dân này chủ yếu được bố trí vào 2 khu TĐC là Duy Hải giai đoạn 1 và Duy Hải giai đoạn 2. Còn 2 khu TĐC khác là Duy Hải giai đoạn 3 và Thuận An – An Lương thì mới thực hiện xong khâu quy hoạch. Nói chung, việc cấp đất TĐC cho các hộ dân thuộc diện bị giải tỏa đang diễn ra khá chậm. Bởi, những năm qua, vì rất nhiều nguyên nhân nên các khu TĐC ở địa phương phải làm theo kiểu vừa xây dựng vừa bố trí đất chứ không phải TĐC đi trước một bước”.  

________
Bài 6: Bất cập tái định cư

NHÃ PHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 5: Dân chờ đất tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO