Thời gian qua, nhiều khu tái định cư (TĐC) ở vùng đông của tỉnh đã được xây dựng, bố trí người dân vào sinh sống nhưng nảy sinh bất cập, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh...
|
Khu TĐC trung tâm (thôn 2, xã Bình Dương, Thăng Bình) chưa có hệ thống nước sạch và cây xanh.Ảnh: HOÀI NHI |
Hạ tầng chưa đồng bộ
Trời nắng như đổ lửa. Ngôi nhà nhỏ của bà Trần Thị Tám ở thôn Lệ Sơn (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) bốn bề cát trắng bao quanh càng trở nên ngột ngạt. Bà Tám cho biết, năm 2011 gia đình bà nằm trong diện phải di dời, nhường đất triển khai xây dựng tuyến đường dẫn cầu Trường Giang. Bị giải tỏa trắng ngôi nhà, vật kiến trúc và đất vườn, đất khai hoang có diện tích 3.400m2, bà Tám được Nhà nước bồi thường với tổng số tiền 360 triệu đồng. Khi vào khu TĐC Lệ Sơn, gia đình bà xây dựng ngôi nhà trị giá 260 triệu đồng, phần tiền còn lại gửi ngân hàng. Bà Tám chia sẻ: “Lúc mới vào đây, thấy người ta đưa phương tiện và nhân lực đến dựng trụ, kéo đường dây điện nhưng hơn 5 năm qua, chờ mãi mà chẳng thấy điện chiếu sáng. Bây giờ, những hàng trụ điện vẫn đứng trơ ra đó, còn dây nhợ thì người ta đã cuốn lại chở đi hết rồi. Đáng nói hơn, do đơn vị thi công không xây dựng hệ thống cống thoát nước nên mỗi khi trời mưa to kéo dài là đường sá ngập lênh láng”. Cách nhà bà Tám vài chục mét là ngôi nhà 2 tầng của gia đình bà Trần Thị Chanh. Nghe hỏi đến chuyện đời sống ở khu TĐC Lệ Sơn, bà Chanh ngậm ngùi: “Vào mùa nắng nóng, ngồi trong nhà nhìn ra ngoài giống như một sa mạc. Đất đai cằn cỗi, khí hậu quá khắc nghiệt nên cây cối trồng xung quanh nhà không thể sống nổi. Chưa hết, tình hình an ninh trật tự ở đây cũng không đảm bảo. Riêng gia đình tôi đã mất một chiếc xe máy, còn giăng lưới thả nuôi bầy gà thịt để bán kiếm thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống thì bị kẻ trộm bắt sạch”.
Chậm khắc phục những bất cập ở các khu tái định cư Tại huyện Núi Thành, từ năm 2000 đến tháng 4.2017 có 2.535 lô đất TĐC bố trí cho người bị thu hồi đất. Một trong những địa phương bị ảnh hưởng thu hồi đất nhiều nhất là xã Tam Hiệp với hơn 1.000ha bị thu hồi. Tuy nhiên, theo ông Lê Chí - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, các chủ đầu tư đều quy hoạch các khu TĐC đầy đủ các tiêu chí nhưng khi thực hiện tất cả đều thay đổi. Đơn cử như khu dân cư 617 hạng mục dành cho cây xanh đã cắt đi một nửa diện tích để chuyển mục đích sử dụng. “Trên bản đồ quy hoạch là đất công viên, cây xanh nhưng thực tế là đất ở của dân. Những phản ánh của chính quyền và người dân về hệ lụy từ các khu dân cư, TĐC thiếu đồng bộ ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất đều không được giải quyết dứt điểm. Mỗi lần mời chủ đầu tư là Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, nhà thầu đến họp, tất cả đều cam kết khắc phục nhưng rồi sau đó lại thoái thác trách nhiệm. Có dự án 4 năm dân vẫn mỏi mòn chờ đường, nước, điện nhưng có khu dù chưa có nhà ở đã kéo hạ tầng về đầy đủ” - ông Chí nói. Tại cuộc làm việc với nhiều địa phương vùng đông mới đây, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng khẳng định, còn quá nhiều bất cập ở các khu TĐC hiện nay. Thực tế có bộ phận nhân dân bị xáo trộn cuộc sống khi chuyển đến nơi ở mới. Hầu hết khu TĐC đều không có các thiết chế văn hóa, bị phá vỡ quy hoạch đất dành cho cây xanh, công viên. Chủ đầu tư và chính quyền địa phương chưa phối hợp có trách nhiệm trong giải quyết những đòi hỏi chính đáng của người dân. Nhiều khu TĐC chậm triển khai hoặc thi công kéo dài. Hạ tầng của hầu hết khu TĐC đều dở dang, không hoàn chỉnh khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. (TRẦN HỮU) |
Khu TĐC Lệ Sơn được quy hoạch có tổng diện tích 101ha. Việc triển khai xây dựng bắt đầu từ năm 2010 nhưng đến thời điểm này mới chỉ hoàn thiện được 29ha. Số diện tích còn lại toàn là bãi cát trắng, lác đác có vài cây điều ghép cỏn con và hàng loạt trụ điện không dây đứng giữa trời. Ông Nguyễn Trường Năm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa nói: “Hiện khu TĐC Lệ Sơn chỉ có 18 hộ dân thuộc diện bị giải tỏa trắng đến xây dựng nhà cửa. Do hạ tầng thiết yếu ở đây như điện chiếu sáng, nước sạch, cống thoát nước chưa có nên nhiều hộ dân không chịu vào”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ba ở khu TĐC Duy Hải giai đoạn 1 thuộc địa bàn thôn Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, Duy Xuyên) cho biết: “Tại khu TĐC này, trên các trục đường chính, đơn vị thi công có xây dựng cống thoát nước; còn những trục đường nhánh thì không có, vì vậy trời mưa lớn kéo dài là xảy ra tình trạng ngập nước nghiêm trọng. Ngoài ra, do hệ thống nước sạch chưa có nên suốt 4 năm nay gia đình tôi phải mua bình nước đóng chai về uống và nấu nướng. Còn việc tắm giặt thì dùng nước giếng khoan nhưng bị nhiễm phèn trầm trọng. Chưa hết, hệ thống điện chiếu sáng tuy có nhưng chỉ bật sáng vài bữa tết, còn ngày thường thì đêm nào cũng tắt tối om”.
Trong cuộc làm việc với Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng mới đây, ông Võ Văn Toan - Bí thư Đảng ủy xã Duy Hải cho biết: “Tại các khu TĐC trên địa bàn Duy Hải, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống người dân vẫn còn khá sơ sài. Đến bây giờ, mặc dù đã có hàng trăm hộ dân vào ở nhưng hệ thống điện chiếu sáng và cống thoát nước vẫn chưa hoàn thiện. Không có nước máy, dân phải đóng giếng khoan nhưng mạch nước ngầm bị nhiễm phèn nên không sử dụng ăn uống, nấu nướng gì được”. Còn ông Nguyễn Thanh Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương (Thăng Bình) thì cho biết, hiện nay tại khu TĐC cài ghép và khu TĐC trung tâm nằm trên địa bàn thôn 2 của xã đã có hơn 100 hộ dân thuộc diện bị giải tỏa trắng vào nhận đất xây dựng nhà cửa. Tuy nhiên, tại 2 khu TĐC này hạ tầng thiết yếu cũng chưa được thi công đồng bộ.
Nhiều bất cập
Năm 2010, khi triển khai xây dựng trục đường ĐH6A, gia đình bà Văn Thị Xuân ở thôn Hội Sơn (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) thuộc diện phải di dời. Bà Xuân cho biết: “Ngay từ đầu, tôi đồng ý bàn giao 1.100m2 đất ở và nhà cửa để vào khu TĐC Nồi Rang. Tôi nhận 350 triệu đồng tiền bồi thường và được bố trí 1 lô đất 300m2. Vậy nhưng, chờ mãi vẫn không thấy bố trí đất, đến tháng 2.2017 này mới giao cho gia đình tôi 1 lô đất 250m2, còn lại 50m2 đất thì ngành chức năng nói sẽ tính toán và trả bằng tiền mặt. Chờ lâu, tôi đành nhận lô đất 250m2 đó và đang tiến hành làm nhà cửa, còn tiền của 50m2 đất chẳng biết đến khi nào mới nhận được”. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Nam (trú thôn Hội Sơn) cũng nằm trong diện phải di dời vào khu TĐC Nồi Rang. Theo ông Nam, khi Nhà nước có quyết định giải tỏa ngôi nhà cấp 4 và thu hồi gần 2.000m2 đất ở thì ngoài việc nhận tiền bồi thường, gia đình ông còn được các cơ quan chức năng hứa sẽ bố trí 600m2 đất ở tại khu TĐC Nồi Rang. Nhưng sau gần 6 năm chờ đợi, vào tháng 6.2016 ông Nam mới được bố trí 350m2 đất ở chứ không phải 600m2. Ông Nam nói: “Suốt giai đoạn 2010 - 2016, gia đình tôi phải sống trong ngôi nhà cũ tạm bợ, đi không được mà ở cũng chẳng xong. Hiện tôi vẫn chờ Nhà nước bố trí thêm 250m2 đất ở tại khu TĐC Nồi Rang như đã cam kết”.
Ông Nguyễn Trường Năm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho hay, năm 2012 UBND tỉnh có quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng khu TĐC Hồng Triều. Vậy nhưng, cho đến nay dự án vẫn còn nằm trên giấy. Trong khi đó, theo Quyết định số 4821 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phân vùng, cấp phép xây dựng thì khu vực này bị nghiêm cấm xây dựng nhà cửa và vật kiến trúc, gây trở ngại trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Còn ông Võ Văn Toan - Bí thư Đảng ủy xã Duy Hải thì nói: “Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương phản ánh rằng, hầu hết dự án triển khai trên địa bàn đều chậm trễ. Các văn bản trong cùng một dự án có thay đổi, cái trước không phù hợp với cái sau. Ví dụ, về việc quy định mức bồi thường, hỗ trợ và TĐC cho người dân khi bị Nhà nước thu hồi đất, trước đây áp dụng theo Quyết định số 23 của UBND tỉnh nhưng bây giờ lại thực hiện theo Quyết định số 43 của UBND tỉnh. Hai quyết định này có sự đá nhau. Trong khi Quyết định số 23 là bố trí TĐC theo phương thức đất đổi đất tùy điều kiện gia đình đó có bao nhiêu thế hệ, bố trí bao nhiêu lô thì Quyết định số 43 lại quy định bồi thường, bố trí TĐC theo giá thị trường. Mặt khác, trước đây 1 lô đất trong khu TĐC Duy Hải giai đoạn 1 có diện tích 270 - 300m2 nhưng giờ giảm xuống còn 200 - 240m2 và mặt tiền hồi trước là 10 - 12m, giờ chỉ còn 6 - 7m”.
----------------
Bài 7: Bài toán an sinh
HOÀI NHI