Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài cuối: Nới rộng không gian phát triển

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 08/06/2017 09:04

Viễn tượng đánh thức vùng đất đông nam của tỉnh là điều dễ nhận thấy, nhưng vẫn còn không ít băn khoăn khi trước mắt đời sống người dân địa phương ít nhiều bị ảnh hưởng. Một trong những lo lắng hiện tại là số phận của hàng nghìn gia đình buộc phải làm một cuộc dịch chuyển, nhường đất cho các nhà đầu tư. Họ sẽ làm gì, sống ra sao trong không gian quy hoạch đã được sắp đặt? Báo Quảng Nam ghi nhận những ý kiến của các bên liên quan về vấn đề này.

  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 7: Bài toán an sinh
  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 6: Bất cập tái định cư
  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 5: Dân chờ đất tái định cư
  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 4: Chênh lệch giá bồi thường, hỗ trợ
  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 3: Những điểm nghẽn mặt bằng
  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 2: Rượt đuổi hạ tầng
  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 1: Sắp xếp lại không gian sống

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu: “Tạo sinh kế cho người dân được đặt lên hàng đầu”

Lựa chọn những nhà đầu tư chất lượng để rộng đường khai phóng vùng đông nam là một lựa chọn có tính quyết định của Quảng Nam. Vấn đề là có đủ quyết tâm và kiên định để đi đúng con đường đã chọn. Không thể lệch định hướng quy hoạch và sai về lựa chọn những nhà đầu tư để lại hậu quả phức tạp sau này phải giải quyết, xử lý. Hiện tại có cả trăm doanh nghiệp xin cấp phép đầu tư nhưng chỉ mới giải quyết cho một vài dự án động lực. Hỗ trợ tài chính, sinh kế cho người dân có cuộc sống ổn định là một trong những tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Nhóm dự án khu đô thị, du lịch Nam Hội An có quy mô phát triển đến năm 2030 là 4.000ha trên phạm vi 4 xã của Duy Xuyên và Thăng Bình. Đây là khu đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp. Sẽ là nền tảng quan trọng, có sức ảnh hưởng lan tỏa mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, đầu tư của Quảng Nam, cải thiện, nâng cao mức sống nhân dân vùng dự án nói riêng và cho toàn vùng ven biển nói chung. Sẽ dành khoảng từ 1.000 đến 2.000ha đất sạch, thu hút các dự án quy mô lớn.

Sắp xếp dân cư hay mở rộng các dự án đầu tư sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đời sống. Một không gian có đầy đủ các dịch vụ tiện ích trên nền ưu tiên phát triển đô thị du lịch, dịch vụ chất lượng cao sẽ biến khu vực này thành động lực, hạt nhân kinh tế. Những dự án đầu tiên đặt cược trên vùng đất này đều là những dự án đầu tư chất lượng, mạnh về tài chính, sẽ tạo cho vùng đất phía đông nam trở thành địa danh thu hút khách, tạo thêm sinh kế cho người dân. Một động lực phát triển mới đã được khơi dậy. Chính quyền cam kết sẽ tạo điều kiện cho người dân hưởng lợi từ dự án, nhất là việc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, bảo đảm môi trường sinh thái, hoàn tất việc tái định cư, tạo cuộc sống an sinh lâu dài cho người dân. Chính quyền sẽ tạo, xin cơ chế phù hợp, thuận lợi cho nhà đầu tư, địa phương trên tinh thần “đôi bên cùng có lợi”.

Ông Don Lam - CEO Tập đoàn Vinacapital, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An: “Sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng địa phương”

Mong muốn của chúng tôi là đưa dòng vốn, kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam cùng với mạng lưới đối tác quốc tế rộng lớn để phát triển một dự án xứng tầm với tiềm năng của Quảng Nam, trở thành một điểm nhấn của đô thị du lịch biển tại Quảng Nam. Sau nhiều năm nghiên cứu, tháng 4.2016, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (liên doanh giữa Tập đoàn Vinacapital và Tập đoàn Gold Yield Enterprises) chính thức khởi công dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (nay là HOIANA). Dự án có tổng diện tích phát triển 985ha thuộc 3 xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và Bình Minh (Thăng Bình). Tổng vốn đầu tư lên đến 4 tỷ USD, được chia làm 7 giai đoạn phát triển và sẽ giải ngân phù hợp theo từng giai đoạn. Dự kiến hoàn thành vào năm 2029.

Sau lễ khởi công, giai đoạn 1 của dự án đang được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra để kịp thời đưa vào hoạt động năm 2019. HOIANA là một dự án chuẩn mực trong phân khúc cao cấp của du lịch Việt Nam, góp phần giúp Quảng Nam trở thành một trong những điểm đến nghỉ dưỡng danh tiếng nhất châu Á. Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực hết sức mang lại lợi ích thiết thực nhất cho cộng đồng địa phương. Dự án sẽ giúp thay thế các khu nhà ven biển đơn sơ bằng các công trình kiên cố để giảm thiểu tác động của thiên tai, giúp cơ cấu lao động từ nông nghiệp, thủy sản tự phát chuyển sang du lịch dịch vụ có thu nhập cao hơn. Kinh nghiệm đầu tư, chúng tôi đã lường trước sự khó khăn lớn nhất về việc phải thuê mướn lao động, tốn khá nhiều chi phí nên cam kết mở trường đào tạo nghiệp vụ du lịch phi lợi nhuận. Lao động địa phương sẽ được ưu tiên đào tạo chuyên môn để phục vụ cho Nam Hội An cũng như các dự án khác trong vùng. Ước tính giai đoạn 1 của dự án sẽ tạo ra hơn 2.000 việc làm đảm bảo thu nhập, phúc lợi và mở rộng cơ hội đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động.

Ông Nguyễn Công Dũng – Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên: “Định hướng nghề nghiệp đón đầu phát triển du lịch”

Giải phóng mặt bằng, di chuyển chỗ ở sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nếu giải phóng mặt bằng chậm, không chỉ làm chậm tiến độ đầu tư mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Quan điểm của chính quyền địa phương là ưu tiên ổn định đời sống người dân, không để cuộc sống bị xáo trộn. Sẽ tiếp tục rà soát, nắm lại các kiến nghị của người dân để UBND tỉnh xem xét, giải quyết một số chính sách phù hợp về tái định cư, hỗ trợ phát triển đời sống. Căn cứ thực tế địa phương để giải quyết các nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người dân.

Sau khi thực hiện chính sách thu hồi đất thì thực hiện ngay các chính sách giải quyết lao động, ổn định cuộc sống và tạo thu nhập cho người dân. Địa phương đang triển khai một số chương trình liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội như quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp mời doanh nghiệp đầu tư, giải quyết một số lao động. Nhà đầu tư đã cam kết mở trường, ưu tiên đào tạo nghề cho dân địa phương nhưng hiện tại chưa thấy khởi động. Không chờ đợi, địa phương đã hợp tác doanh nghiệp đào tạo nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ giao tiếp cho con em địa phương để giúp người dân có thể cải thiện đời sống thông qua con đường phục vụ phát triển du lịch.

Không có chuyện nhà đầu tư chiếm giữ bãi biển. Hiện tại từ Duy Xuyên đến Thăng Bình, cứ một quãng có nhà đầu tư thì còn lại cách 1km là giữ nguyên hiện trạng, là khu vực người dân ở hoặc xây dựng một số khu tái định cư bổ sung. Có những phần bờ biển các nhà đầu tư không được đầu tư hay đụng đến mà chỉ dành cho người dân sinh sống, phát triển nghề. Hiện tại ở xã Duy Hải đã quy hoạch 200ha dành cho khu vực làng chài và dân ven biển sinh sống.

Ông Đỗ Xuân Diện – Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai: “Bảo đảm tiến độ sắp xếp dân cư và các dự án chiến lược”

Con số hơn 90% đất sạch đã bàn giao cho Nam Hội An giai đoạn 1 coi như đã tạm ổn. Giai đoạn từ năm 2016 – 2020 giải tỏa đủ 163ha để doanh nghiệp đầu tư giai đoạn 1. Việc giải tỏa sẽ trên cơ sở năng lực giải phóng mặt bằng và bồi thường theo tiến độ đầu tư 5 năm. Theo kế hoạch, chính quyền Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành tuyến đường bộ ven biển nối Đà Nẵng - Tam Kỳ - sân bay Chu Lai, các tuyến đường ngang nối quốc lộ 1 với vùng ven biển. Với trách nhiệm được giao, Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ không chờ đợi mà chủ động, tích cực vận động, vận dụng, triển khai tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tranh thủ các nguồn vốn, các chương trình mục tiêu vốn ngoài kế hoạch, vốn tín dụng và kêu gọi cộng đồng, xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng…

Cuộc sắp xếp cư dân ven biển được cho là cuộc sắp xếp dân cư lớn nhất trong lịch sử Quảng Nam sẽ nhanh chóng hoàn thiện. Mở ra một cuộc sống mới cho người dân và tạo ra nhiều lợi thế so sánh cho các nhà đầu tư khi muốn đầu tư vào vùng đất này. Có thể hiện tại vẫn còn không ít vướng mắc về tiến độ giải phóng mặt bằng so với yêu cầu nhà đầu tư lẫn việc sắp xếp dân cư ven biển, nhưng sau nhiều cuộc đàm phán, thỏa thuận, nhiều phương án đã được đưa ra điều chỉnh trên thực tế và Quảng Nam bảo đảm chắc chắn sẽ giao đủ đất sạch cho các nhà đầu tư tiến hành dự án.

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam: “Cần một chiến lược quản lý quy hoạch”

Quan điểm cá nhân tôi cho rằng quy hoạch ven biển, khai thác du lịch khu vực Điện Bàn, Hội An đã có những cái chưa được như mong muốn thì khu vực còn lại từ Nam Hội An đã có sự khác biệt. Quy hoạch đã tránh lặp lại sự sai lầm từ những ngày trước là các dự án đều nuốt trọn và sát biển. Việc thu hút đầu tư trước đây dường như chỉ dành cho những nhà đầu tư nhỏ, nhưng giờ đây dành cho những nhà đầu tư lớn. Họ có kiểu quản lý khác. Những sai lầm trong quy hoạch đã được thay đổi.

Quy hoạch các đô thị du lịch ven biển đầu tiên cần là có quy hoạch mang tính chiến lược và quản lý trên phạm vi rộng. Quảng Nam có hơn 125km bờ biển. Không cổ xúy cho việc các khu du lịch chiếm giữ hoàn toàn bãi biển, nhưng cho phép sử dụng ở một mức độ phù hợp. Quảng Nam hiện đã đúng hướng khi quy hoạch mang biển vào đất liền ngày càng nhiều, tạo nên những không gian công cộng, sinh thái, xác định cụ thể, phân định ngay từ đầu cho từng khu vực đầu tư du lịch cao cấp hay cộng đồng. Quy hoạch các dự án ven biển đã theo hướng không xâm phạm đến không gian chung dành cho mọi công dân.

TRỊNH DŨNG (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài cuối: Nới rộng không gian phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO