Mười hai năm trôi qua, kể từ khi cơn bão Chanchu mang tai họa đến cho hàng trăm gia đình ngư dân Bình Minh, nhờ sự chung tay góp sức của cộng đồng cả về vật chất lẫn tinh thần, cuộc sống của những gia đình nạn nhân Chanchu đã dần tạm ổn. Họ vượt qua mất mát, vịn nỗi đau đứng dậy.
Tôi không phải là người viết báo chuyên nghiệp, nên chép nguyên chuyện của họ, và kể lại hầu bạn đọc vậy.
Thôn Bình tân hôm nay, nơi chịu nặng nề của cơn bão Chan chu năm 2006. Ảnh: HÙNG TRƯƠNG |
Chủ hôn cho con dâu
Nạn nhân trong cơn bão Chanchu phần lớn là những ngư dân mạnh khỏe, trong đó có người ở độ tuổi đôi mươi. Có người vừa lập gia đình, có người còn chưa có người yêu.
Gia đình ông Nguyễn Tấn N. cũng có hai người con trai, cả hai vừa lập gia đình cách nhau một năm và đều có đứa con đầu lòng chưa đầy một tuổi. Chuyến đi câu định mệnh ấy, hai đứa con ông N. vĩnh viễn nằm lại biển khơi. Đau thương tột cùng, nhưng vợ chồng ông gắng gượng để tiếp tục làm trụ cột cho gia đình, làm chỗ dựa cho hai đứa con dâu vượt qua nỗi đau để nuôi con.
Với đồng lương thương binh ít ỏi, vợ chồng ông đã cố gắng làm thêm để trang trải và giúp đỡ cho con dâu, cho cháu nội. Khi Quỹ Tấm lòng Việt (Đài Truyền hình Việt Nam) tài trợ kinh phí làm nhà cho gia đình thân nhân các nạn nhân của bão Chanchu, vợ chồng ông chia cho mỗi người con dâu một lô đất để làm nhà riêng ở ngay bên cạnh.
Năm tháng trôi qua, khi những đứa cháu nội đã biết đi học, lòng ông N. tuy đã nguôi ngoai dần về nỗi đau mất con nhưng lại canh cánh bên lòng một nỗi niềm khác. Không lúc nào ông không nghĩ đến sự thiệt thòi và cô đơn của hai người con dâu mà ông xem như con gái ruột của mình. Hai con dâu của ông còn quá trẻ mà phải chịu cảnh góa bụa như vậy, ông thấy mình như có lỗi.
Nhiều đêm suy nghĩ, ông chợt nảy ra một ý là phải nhờ người làm mai mối cho hai con dâu để họ được đi bước nữa. Đem bàn chuyện với vợ và con gái lớn, ai ngờ ông lại được hai người ủng hộ nhiệt tình. Thế là một kế hoạch dài hạn được cả nhà triển khai một cách… bí mật. Phần ông và vợ lo việc tìm hiểu tâm trạng của con dâu, nếu thấy thuận lợi lúc nào thì gợi ý dần theo kiểu thăm dò. Phần người con gái lớn thì lo việc tìm mai mối và đánh tiếng nhờ sự vào cuộc của người khác hỗ trợ thêm.
Ban đầu, sau một vài lần thử đặt vấn đề, vợ chồng ông nhận đều nhận sự phản đối của con dâu. Họ cho rằng “ba, má không thương dâu, xem họ như người dưng nên tìm cách đuổi khéo”, “chồng chết ra người dưng”… Tuy nhiên, với sự thành tâm của cả nhà chồng, sau nhiều lần đặt vấn đề nghiêm túc, hai người con dâu cảm thấy bối rối và xúc động. Gia đình chồng xem họ như con gái ruột, có trách nhiệm phải gả chồng cho con để họ được hạnh phúc trọn vẹn. Tâm nguyện của ông N. là nếu ai đó nên duyên với các con dâu thì vợ chồng ông mong muốn họ ở “rể” luôn bên cạnh.
Với sự tác động và vào cuộc của nhiều phía, nhất là sự nhiệt tình của người con gái lớn, cuối cùng kế hoạch “tìm chồng cho dâu” cũng mang tới kết quả. Người con dâu nhỏ được một chàng trai xã bên tới tìm hiểu và xin cưới. Ngày cưới, đại diện bên nhà gái là gia đình ông N., có mời đại diện cha mẹ ruột của cô dâu cùng tham gia.
Lần vu quy này, chị khóc rất nhiều khiến họ hàng đôi bên và bà con dự tiệc cưới cũng không cầm được nước mắt. Để đáp lại sự bao dung của gia đình ông N., chàng “rể” xin được kêu vợ chồng ông N. là ba, mẹ và nhiều năm qua, họ xem vợ chồng ông N. như là ba, mẹ bên vợ.
Những đứa con chung và riêng của họ đều hòa thuận, được chăm sóc và đối xử như nhau. Chúng ríu rít và hồn nhiên bên ông bà nội ngoại, làm vợ chồng ông N. thấy ấm lòng, nỗi buồn mất mát cũng mờ dần theo tháng năm. Theo ông N., người con dâu lớn của ông N. cũng sắp đi bước nữa, và vợ chồng ông lại một lần nữa lại sắp được làm chủ hôn nhà gái…
Đưa dâu đi lấy chồng
Trường hợp của chị Trương Thị Tr. (Hà Bình – Bình Minh) cũng như vậy, có chồng khi mới vừa 20 tuổi, năm 21 tuổi sinh đứa con đầu lòng. Ngày chồng chị bị nạn do bão Chanchu thì đứa con gái chỉ chưa đầy một tuổi. Chị ở riêng nuôi con trong ngôi nhà tình thương do Quỹ Tấm lòng vàng của Báo Lao động tài trợ. Cha mẹ hai bên gia đình thay nhau đến chăm sóc, đỡ đần và động viên chị cố gắng vượt qua đau thương.
Phải mất hơn hai năm chị mới gắng gượng được để đi làm, bươn chải đủ thứ công việc kiếm sống và nuôi con khôn lớn. Giống như gia đình ông N., ông S. (ba chồng của chị Tr.) cũng đau đáu bên mình một tâm niệm, đó là tìm cách thuyết phục để cho con dâu đi thêm bước nữa.
Trạm ICOM được xây dựng tại xã Bình Minh sau cơn bão Chanchu, ngư dân câu mực khơi của địa phương thường xuyên liên lạc với đất liền qua hệ thống này. Ảnh: HÙNG TRƯƠNG |
Nhìn con dâu bươn chải vất vả, tối về mệt vùi đầu vào ngủ ngay, ông không khỏi ngậm ngùi và xót xa. Nghĩ con trai mình bạc mệnh thì đã đành, để con dâu tuổi còn xanh như vậy mà đã góa bụa, nhiều đêm ông ứa nước mắt. Có lần ông uống tí rượu rồi ậm ừ thăm dò chuyện con nên đi bước nữa, chị Tr. nổi xung lên la té tát, cho là ông say rượu định đuổi con dâu đi… Rồi chị khóc.
Vợ ông S. cũng đồng tình với ý định của ông, bà không nói thẳng với chị Tr. như ông mà dùng cách nhờ hàng xóm, rồi bạn bè của chị Tr. để thuyết phục. Về phần chị Tr., đêm về khi con đã ngủ, chị khóc thầm một mình, nhớ chồng, thương con, thương cả ba mẹ chồng đã lo lắng thực tâm cho chị mà khó nghĩ. Sau nhiều đêm đắn đo, chị quyết định nói thẳng với ba mẹ chồng: “Nếu ba mẹ thương con mà định để cho con đi bước nữa, con sẽ để tang chồng đủ 10 năm, rồi con xin phép thực hiện theo ý nguyện!”.
Nghĩ là nói vậy thôi để ba mẹ chồng khỏi buồn lòng, khỏi nhắc đi nhắc lại khiến chị thêm phân tâm. Ai dè, câu nói đó cũng là bước ngoặt định mệnh đối với hạnh phúc của đời chị. Đúng 11 năm sau kể từ khi chồng chị mất, ngày mà dự án do tập đoàn Vingroup khởi công xây dựng công trình nghỉ dưỡng Vinpearl Land Nam Hội An trên đất Bình Minh, Bình Dương cũng là lúc duyên phận mới mỉm cười với chị.
Người đàn ông đến với chị bây giờ khoảng 35 tuổi, là nhà thầu một nhóm thợ trong dự án của khu nghỉ dưỡng. Anh đến thuê nhà bên cạnh để cho nhóm công nhân tới ở. Anh cũng đã từng lập gia đình, nhưng hôn nhân của anh cũng không trọn vẹn nên đã ly hôn được 5 năm. Như duyên tiền định, hai người gặp được nhau trong sự dàn xếp của hàng xóm và gia đình. Hiểu và đồng cảm với hoàn cảnh của nhau, cả hai quyết định đi đến hôn nhân.
Đám cưới được tổ chức tại quê hương Núi Thành của chàng rể. Một đoàn đưa dâu bên nhà gái, mà chủ hôn là vợ chồng ông S. cùng đông đủ bà con bên gia đình người chồng trước. Tại quê hương chàng rể mới, bà con tò mò đến xem đám cưới nghe nói do bên nhà chồng trước tổ chức và đưa dâu. Những người chúng kiến đám cưới không khỏi xúc động khi nghe lời phát biểu nghẹn ngào của ông S. lúc trao của “hồi môn” và phát biểu gửi gắm “con dâu” cho họ… nhà trai, mong họ thương yêu chị Tr. nhiều hơn. Một đám cưới rất nhiều cảm xúc, ai cũng mừng đến rơi nước mắt cho hạnh phúc được tạo ra từ những tấm lòng bao dung, nhân hậu.
Những “người con dâu” Chanchu ngày ấy, bây giờ hạnh phúc bên gia đình mới, sự bù đắp của tạo hóa đã mang đến cho họ những trái ngọt của cuộc sống. Không ai hạnh phúc hơn họ bây giờ vì họ có thêm nhiều gia đình để yêu thương và đi về…
HÙNG TRƯƠNG