(QNO) - Hình ảnh ông đồ Lý Sĩ Bình (68 tuổi, phường Minh An, TP.Hội An) cần mẫn cho chữ ngày xuân như đang níu giữ một nét văn hóa độc đáo trong ngày Tết cổ truyền.
Những ngày cận tết, ông Bình bận rộn hơn bởi các đơn đặt chữ, câu đối. Là người gốc Hoa, từ nhỏ ông Bình đã tiếp cận với văn hóa và chữ Hán nên hiểu khá tường tận nghệ thuật thư pháp. Bắt đầu viết thư pháp từ năm 2000, ông xem đó như một thú vui, đam mê. Sản phẩm của ông có khi chỉ hoàn thành trong vài phút hoặc cũng có lúc “phóng chữ” đến chục lần vẫn chưa xong tác phẩm. Thông thường mỗi bức thư pháp nhỏ, khách hàng đặt “xin chữ” giá cũng khá mềm, chỉ tầm 5 - 10 đô la.
Ông đồ Lý Sĩ Bình với bức thư pháp chữ “phất”, có ý trừ xui xẻo, cầu an lành. |
Ngày trước, ông Bình và các thầy đồ khác tại Hội An chủ yếu chỉ viết bài vị cho người dân thờ cúng; hoặc dịch giải những văn tự chữ Hán mà cha ông để lại trong giấy tờ, bia mộ. Nhưng hiện nay, khách nước ngoài, đặc biệt là du khách phương Tây cực kỳ thích thú những nét chữ thư pháp. Bởi, nhìn độc và lạ nên ghé lại để “xin chữ” lưu niệm khi về nước. Hiện nay, nhiều người đang quay lại với thú chơi nhà cổ, nhà rường. Các khách sạn, nhà hàng có xu hướng trang trí, cầu may nên các ông đồ phố Hội có thêm điều kiện phô diễn thư pháp.
Điều đáng mừng là không chỉ những người có trách nhiệm, mà một bộ phận nhân dân địa phương, trong đó có giới trẻ hết sức thích thú với nghệ thuật thư pháp. Và xem đó như một thú vui tao nhã, có thể trang trí tại phòng riêng như để tự răn mình. Anh Nguyễn Đỗ Minh Trung (phường Sơn Phong, TP.Hội An) bộc bạch: “Trong căn phòng làm việc của tôi có treo bức thư pháp chữ "Nhẫn". Khi có áp lực công việc hoặc mệt mỏi nhìn vào đó tự nhiên thấy trong lòng nhẹ nhõm hơn. Gia đình tôi cũng đặt hai bên bàn thờ tổ tiên câu đối nhỏ, thấy rất uy nghiêm và ấm áp”. Dù vậy, những người thông thạo chữ Hán ở Hội An đang vơi dần khi mà lớp trẻ như con ông Bình không còn có đam mê, theo đuổi.
Cuối năm xin chữ ông đồ, thấy lòng bâng khuâng đến lạ! Trong từng bức thư pháp, từng câu đối, cái hồn tết đậm đà, dân dã xưa kia đang hiển hiện. Nhưng cũng còn đó những khoảng trống, về lớp hậu bối kế cận sau này...
QUỐC TUẤN