Cuốn tiểu thuyết duy nhất của Phan Khôi

LÊ THÍ 28/06/2020 06:06

Trong sự nghiệp trước tác đồ sộ để lại cho hậu thế, Phan Khôi chỉ có một cuốn tiểu thuyết. Ngày nay, có người nghĩ rằng đó là điều may cho ông, nhưng cũng có người lại… tiếc!

Trở vỏ lửa ra - cuốn tiểu thuyết duy nhất của Phan Khôi.
Trở vỏ lửa ra - cuốn tiểu thuyết duy nhất của Phan Khôi.

Tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra

Trở vỏ lửa ra là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Phan Khôi, được Tân Dân xuất bản năm 1939 dưới hình thức khuôn khổ Phổ thông bán nguyệt san.

Đây là cuốn tiểu thuyết mang tính luận đề, nhằm bênh vực cho nữ quyền vốn là một đề tài mà ông theo đuổi trong nhiều năm nhất là khi cộng tác với tờ Phụ nữ tân văn.

Về hoàn cảnh ra đời tác phẩm này, người con gái của ông cho biết: “Cuối năm 1937, cha tôi vào Sài Gòn dạy Việt văn và Hán văn tại trường Trung học tư thục Chấn Thanh của ông Phan Bá Lân, đồng thời cộng tác với báo Tao Đàn. Thời gian này ông sáng tác quyển tiểu thuyết đầu tay “Trở vỏ lửa ra” và bán bản quyền cho Nhà xuất bản Phổ Thông…” (Phan Thị Mỹ Khanh, Nhớ cha tôi Phan Khôi, Nxb Đà Nẵng, 2001, trang 45).

Tên tác phẩm dựa theo một phong tục ngày trước, khi trong nhà có người sinh đẻ, người ta buộc một cây ráy vào một que củi đã đun dở một đầu, rồi buộc nó trên một cái cọc cắm ngoài ngõ, gọi bằng “khem”. Đẻ con trai thì quay đầu đã đun dở của que củi trở vào, con gái thì đầu ấy trở ra. Người đi qua, thấy cái khem thì biết trong nhà đẻ con trai hay con gái. Tục này thể hiện tư tưởng trọng nam khinh nữ, theo tinh thần của câu tục ngữ “nữ sinh ngoại hướng” hay “nữ nhi ngoại tộc” nghĩa là con gái sinh ra thì coi như người ngoài.

Tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra được viết với lối văn giản dị và kết cấu đơn giản, nói về một câu chuyện xảy ra ở vùng Nam Trung Bộ, nhân vật chính là  một cô gái sinh ra trong một gia đình khá giả ở Quy Nhơn được cha mẹ gửi vào trọ học trong nhà người dì ở Phan Thiết. Cha mẹ cô không có con trai nên nhận  người cháu tên Thưởng làm người kế tự. Thưởng là người tham lam, dốt nát, keo kiệt nên khi mẹ mất đã tìm cách để chiếm đoạt gia tài bằng cách gả cô cho một người giàu trong vùng nhưng cô không yêu thương. Tranh chấp gia tài giữa cô và Thưởng kéo dài. Cuối cùng với sự “tiếp sức” của viên quan địa phương vụ tranh chấp gia tài bị gác lại. Dù khó khăn cô vẫn cố gắng tiếp tục việc học. Do không muốn làm phiền những người tốt bụng luôn giúp đỡ, cô đã làm thêm để có tiền sinh sống. Lao động vất vả làm cô lâm bệnh nan y. Cô gái trút hơi thở cuối cùng trong một xóm nhỏ thuộc làng Bưởi cạnh Hồ Tây vào năm 1930.

Dư luận

Trở vỏ lửa ra lúc đầu xuất hiện trên văn đàn được dư luận chú ý, theo Vũ Ngọc Phan vì Phan Khôi là nhân vật uy tín, “một nhà báo viết nghị luận có tiếng” lại là “nhà Hán học tinh thông”. Không chỉ có thế, lúc này ông đang rất nổi tiếng trên văn đàn, độc giả đang trông chờ để được đọc những bài viết của ông. 

Nhưng có lẽ vì phục vụ cho mục đích lý tưởng xã hội nên người viết ít dụng công về mặt nghệ thuật nên khi quyển tiểu thuyết ra đời, không được như những gì người ta mong đợi. Có thể thấy điều này qua nhận xét của ba người “trong cuộc”. Trước hết là người con gái của ông - Phan Thị Mỹ Khanh trong tác phẩm đã dẫn cho rằng: “Tiểu thuyết không phải là sở trường của cha tôi nên ông không thành công. Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã nhận xét, đại ý: “Kém về nghệ thuật, người đọc dễ chán vì mọi việc đã được tác giả cho biết trước, còn phê phán, nghị luận đối với từng nhân vật, từng sự việc. Nó chưa phải là tiểu thuyết mà nó giống như một thiên kỹ thuật… Chính chúng tôi ngày đó mới học tiểu học, được đọc nhiều tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyễn Công Hoan cũng thấy nhận xét trên là đúng” (trang 45).

Kiều Thanh Quế - một nhà phê bình văn học gốc Nam Bộ, đã “bộc trực” rằng Phan Khôi viết Trở vỏ lửa ra với “mỹ ý” bênh vực cho nữ quyền là rất đáng quý. Tuy nhiên “tiểu thuyết không phải là sở trường của Phan Khôi, ông nên quay về địa hạt sở trường của ông là khảo cứu đề tài tư liệu… Phan Khôi nên để dành nghệ thuật quý báu của mình mà phụng sự những điều mình sở đắc”. Chính vì thế “Trở vỏ lửa ra, quyển chuyện đầu tay của Phan Khôi quyết là quyển chuyện chót của Phan Khôi vậy”, để “Phan Khôi không còn bị Phổ thông bán Nguyệt san lợi dụng tên tuổi để bán báo cho chạy” (Báo Mai số 104, ngày 29.9.1939).

Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại, tuy “nhẹ nhàng” hơn nhưng đọc qua cũng rất “thấm thía”: “Viết quyển này, Phan Khôi đã dùng ngòi bút nhà báo hơn là ngòi bút tiểu thuyết gia. Những việc trong truyện đều là những việc có thể có thật và hiện đã có trong xã hội Việt Nam; tác giả đã “thuật” lại việc ấy một cách quá rõ ràng, làm cho nó giống một thiên kỹ thuật hơn là một thiên tiểu thuyết. Bởi thế người ta chê là không có nghệ thuật… Phan Khôi đã dùng “nghệ thuật nọ vào một nghệ thuật kia, do cái tính quá khúc chiết của ông, chứ không phải quyển Trở vỏ lửa ra không có nghệ thuật…” (Nxb Văn Học, trang 247).

Gần đây, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng phải thừa nhận: “Ông đã từng viết truyện hư cấu, bằng chữ Hán (đăng Nam Phong) hoặc bằng chữ Quốc ngữ, tiêu biểu trong số đó là truyện dài Trở vỏ lửa ra. Các mạch truyện hư cấu này không mấy thành công, do tác giả mạnh ở suy lý, logic, nhưng hơi thiếu linh hoạt, thiếu sinh động và chất sống trong mô tả, dựng người dựng cảnh” (Bài đọc trong buổi lễ trao giải Phan Châu Trinh năm 2017).

Có lẽ do “tiếp thu” sự phê bình của công luận nên Phan Khôi từ bỏ hẳn việc viết tiểu thuyết để tập trung vào thế mạnh của mình là các đề tài khảo cứu. Vì thế Trở vỏ lửa ra trở thành tiểu thuyết “duy nhất” của ông!

Chúng ta những người yêu mến Phan Khôi thì lại tiếc, ngày đó nếu không có những nhận xét quá “thẳng thắn” của các nhà phê bình, biết đâu Phan Khôi từ sự thất bại của quyển này sẽ rút kinh nghiệm mà cho ra đời thêm vài quyển nữa, hay hơn, hấp dẫn hơn!

Với chúng ta, đọc Phan Khôi, dù hay hoặc chưa hay, đều rất thú vị; mỗi thứ có cái… thú vị riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuốn tiểu thuyết duy nhất của Phan Khôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO