Cuốn vở đầu đời

ĐOÀN NGỌC NGHĨA 23/12/2012 16:24

- Xe... Coi xe tụi bay ơi!

Một đám con nít lấm lem đất cát, mũi chảy lòng thòng vừa reo lên vừa chạy theo chiếc xe Toyota Camry màu cà phê sữa đang chậm rãi quẹo vô ngõ nhà ông Tư mù. Những người đang làm đồng đều ngừng tay, chỉ trỏ rồi bàn tán xôn xao. Đây là một sự lạ chưa từng thấy. Bởi đã lâu lắm rồi, cái xóm nhỏ heo hút này hầu như không có tiếng động cơ ô tô. Chỉ duy nhất có lần chiếc xe U-oát của đội truyền thông dân số huyện vừa phun khói mù mịt vừa nổ máy ầm ĩ át cả tiếng loa tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch, báo hại cho tụi con nít trong xóm được một bữa hít no khói bụi.

Có một chiếc xe sang trọng như thế vào làng đã là sự lạ. Lạ hơn nữa,  nó lại vào ngay nhà ông Tư, một ông già mù sống thui thủi một mình với nghề đan rổ rá đổi gạo. Họ phỏng đoán, chắc anh em bà con họ hàng gì của ông  xa cách lâu ngày làm ăn giàu có bây giờ mới có dịp về thăm. Nhưng rồi họ nghĩ hoài cũng không nhớ ông Tư có anh em bà con nào. Ông lớn lên, cha mẹ khuất núi từ lâu, anh em không, vợ con không, họ hàng thân thích cũng không nốt. Của đáng tội, ông đã từng một lần có vợ nhưng vợ cũng mất sau trận dịch đậu mùa cùng với đứa con đang mang trong bụng. Ông may mắn thoát chết, nhưng đôi mắt vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh mặt trời...

Không ai bảo ai, tất cả đều nhìn về nhà ông Tư, nơi chiếc xe vừa dừng bánh. Gọi là nhà cho nó sang chứ thật ra chỉ là mấy miếng tranh gắn lên một khung tre ọp ẹp, tưởng chừng như chỉ một hơi thở mạnh cũng làm cho nó bay mất tiêu. Từ trên xe bước xuống là một người đàn ông lạ hoắc, bộ complet cắt rất khéo, cặp kính trắng gọng vàng càng làm tăng vẻ trí thức trên khuôn mặt nho nhã. Nhiều người hàng xóm cũng đã kéo đến, họ ngờ ngợ nhưng rồi cũng không biết vị khách sang trọng này là ai, quan hệ như thế nào với ông Tư. Trong khi đó, khách đứng lặng như cố dằn cơn xúc động rồi lao đến ôm chầm lấy ông già hom hem đang đứng trước hiên nhà đang giương đôi mắt đục lờ nhìn mông lung ra ngoài ngõ.

- Thầy!

Tiếng kêu uất nghẹn chứa đựng nỗi niềm của đứa con trai sau bao năm xa cách nay mới gặp lại người cha yêu kính.

Ông Tư giật mình đánh thót, cây rựa rơi đánh cạch xuống đất, ông cố nhướng đôi mắt mờ đục run run:
- Ai rứa, ai mà gọi tôi là thầy?

Người đàn ông kêu lên:

- Con là Mốc  đây, thầy không nhận ra con sao?

Ông Tư bỗng tái mặt, lắp bắp:

- Mốc... Mốc nào?

- Thằng Mốc  của thầy đây, thằng Mốc ở đợ chăn trâu cho nhà lão Bá Trình đây mà.

Ông Tư thảng thốt:

- Trời ơi! Có thiệt là thằng Mốc đó không? Con còn sống thiệt sao?

Những người hàng xóm lớn tuổi bỗng ồ lên một tiếng. Họ đã nhận ra người đàn ông sang trọng đi xe hơi đang ở trước mặt là thằng bé ở đợ chăn trâu ngày trước. Sự thực giống y như trong chuyện cổ tích ngày xưa.

Ông Tư lập cập ghì chặt mái đầu đã điểm sương của người  đàn ông tên Mốc vào ngực mình rồi đưa đôi bàn tay nhăn nheo rờ rẫm khắp khuôn mặt như tìm lại nét thân quen của đứa học trò yêu quý ngày xưa. Từ trong đôi mắt đục lờ ứa ra hai giọt nước trong veo. Ông lẩm bẩm:

- Đúng là thằng Mốc đây rồi. Vậy mà bao năm qua thầy cứ tưởng con đã...

Ông Mốc nấc lên nghẹn ngào:

- Không! Con không chết, con vẫn sống và hôm nay con trở về với thầy đây!

Những người hàng xóm hiếu kỳ và đám con nít lúc nãy ồn ào là thế giờ bỗng lặng thinh chứng kiến phút giây hội ngộ cảm động. Nhiều người sụt sịt theo, đôi mắt đỏ hoe.

Một lát sau, một người nào đó chợt nói lớn:

- Thôi, mời khách vào nhà đi chứ  ông Tư, chẳng lẽ đứng miết ngoài sân vậy sao?

Lúc này, ông Tư mới như bừng tỉnh:

- Ờ, vào nhà đi con!

Trong nhà, ngoài chiếc bàn thờ bằng gỗ, có lẽ vật duy nhất đáng giá là chiếc chõng tre đã ngả màu nâu bóng. Mốc nghe lòng mình trào lên niềm xót thương vô hạn. Ôi! Người thầy của anh, người cha của anh, bốn mươi lăm năm xa cách, bây giờ gặp lại thầy đã trở thành ông lão già nua sống trong cảnh tật nguyền túng thiếu.

Trong những tháng năm đằng đẵng nơi đất khách quê người, dù sống một cuộc sống giàu sang nhưng người đàn ông tên Mốc không lúc nào nguôi nhớ quê cũ, nhớ người thầy đã cưu mang, dìu dắt những bước chập chững đầu tiên trên đường đời. Có lúc ông tưởng chừng như không vượt qua được những khó khăn, những rào cản trên con đường nghiên cứu khoa học. Lúc ấy, hình ảnh người thầy thân thương thuở ấu thơ lại hiện về tiếp thêm sức mạnh...

Năm mươi năm trước, một lớp học được dựng lên ở làng An Hiệp. Gọi là lớp học nhưng thực ra chỉ có chưa tới chục học trò, còn người được gọi là thầy thì chưa hề qua một trường lớp sư phạm nào. Chỗ học là nửa gian nhà tranh rách nát, xiêu vẹo. Bảng ghép từ hai mảnh ván, bàn ghế là những đoạn tre đập dập. An Hiệp là một làng quê hẻo lánh, lèo tèo vài ba chục nóc nhà. Đời sống khó khăn, trẻ em phải theo bố mẹ đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Cả xóm chỉ có một người biết chữ, đó là Tư. Lúc nhỏ, Tư đi ở cho một giáo học trong vùng, tính nết thật thà chăm chỉ nên ông giáo thương. Những khi không phải quét tước dọn dẹp trong nhà, Tư được cho ngồi học ké với mấy đứa con ông giáo. Tư vốn sáng dạ nên càng được ông thương, tiếc rằng chỉ vài ba năm ông giáo học thọ bệnh qua đời. Tư đành trở về làng cũ, dù không còn ai thân thích.

Hằng ngày, nhìn cảnh sống cơ hàn của trẻ con trong xóm, Tư thấy thương chúng quá. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định ngăn đôi chỗ ở của mình làm lớp học, rồi đi xin tre, gỗ về làm bàn ghế. Chỗ học đã có, anh lại đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em tới lớp. Ban đầu, không phải ai cũng ủng hộ Tư, vì họ nghĩ chỉ có đói mới chết, chứ dốt thì chưa đến nỗi. Nhưng  Tư cố kiên trì thuyết phục, rồi lớp học cũng dần hình thành. Tư còn dùng số tiền dành dụm từ thời đi ở ra chợ huyện mua giấy bút về phát cho bọn trẻ. Thế là ngoài những lúc đi cày thuê cuốc mướn, Tư trở thành thầy giáo dù chữ nghĩa trong đầu đựng chưa đầy ba cái lá mít. Trong số học trò của Tư có Mốc, đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ đang ở chăn trâu cho nhà Bá Trình, một phú hộ trong làng. Ngày ngày, Mốc thả trâu gần nhà Tư và thèm thuồng nhìn những bạn đồng trang lứa đang tròn môi ê a theo từng câu chữ dưới nhịp thước của thầy. Hiểu được ước muốn của Mốc, Tư đã nhiều lần đến năn nỉ Bá Trình cho Mốc đi học nhưng đời nào lão chịu. Nếu cho Mốc đi học thì lấy ai chăn đàn trâu gần hai chục con cho lão.

Cho đến một lần, giữa lúc cả lớp đang ê a đọc bài, Mốc đứng bên cửa sổ cũng lẩm nhẩm đọc theo thì Bá Trình  đột nhiên xuất hiện. Lão một tay nắm chặt người Mốc, tay kia cầm một ngọn roi mây to bằng ngón tay cái quật liên hồi kỳ trận. Mốc co rúm người lại, khóc không thành tiếng. Lớp học nhốn nháo. Tư thấy nóng mặt vội lao ra giữ tay lão lại:

- Ông không nên đánh em ấy như vậy.
Lão hất tay anh:

- Không phải việc của mày, tránh ra!\

Tư cố đấu dịu:

- Thôi ông hãy tha cho nó. Nó còn nhỏ xíu nào có tội tình gì.

- Tội gì à? Mày có đền được đám lúa nhà tao không thì bảo.

Nói xong, lão lại vung roi nhằm đầu Mốc quất. Mốc ôm đầu lăn lộn. Không dằn được cơn tức giận, Tư giật mạnh cây roi, Bá Trình mất đà ngã dúi dụi. Lão lồm cồm ngồi dậy, giận tím mặt:

- Mày... Mày dám đánh ông à!

Tư cầm ngọn roi chỉ thẳng vào mặt lão, gằn giọng:

- Ông khôn hồn cút khỏi đây ngay. Ông giở thói ăn hiếp ở đâu chứ ở đây là không xong với tôi đâu. Nói cho ông biết, thằng này tứ cố vô thân nên không ngán bất cứ ai đâu.

Nghe vậy và nhìn vóc dáng lực lưỡng của Tư rồi thầm so với thân hình cò hương ẻo lả của mình, Bá Trình đâm chột dạ. Lão bực tức bỏ đi nhưng cũng cố vớt vát một câu:

- Thằng không cha không mẹ kia, rồi mày sẽ biết tay ông!

Tư không đếm xỉa gì đến câu hăm dọa của lão, anh cúi vội xuống bên Mốc lúc này đang rũ ra như tàu chuối héo. Máu, nước mắt trộn lẫn với đất cát nhòe nhoẹt trên gương mặt non nớt của em. Mốc kêu lên trong tiếng nấc nghẹn ngào:

- Thầy cứu em, em mà về nhà lão đánh em chết mất.

Tư ôm chặt Mốc vào lòng, vuốt ve những vết bầm tím, rưng rưng nước mắt:

- Ừ, cứ ở đây với thầy, lão ấy không dám làm gì em đâu.

Từ bữa đó, Mốc ở hẳn với Tư và được đi học. Bá Trình không dám làm gì  thật. Có lẽ lão sợ vóc dáng đô vật và cái máu liều lĩnh của Tư. Tuy vậy anh cũng mất cho lão một số tiền, gọi là mua đường vắng cho xong chuyện.

Cho đến tận bây giờ, Mốc vẫn còn nhớ như in nửa gian nhà tranh rách nát với những chiếc bàn ghép bằng tre, nơi lần đầu tiên anh được biết đến một thế giới đầy tình yêu thương, một thế giới không còn đòn roi và tiếng chửi mắng. Mốc vẫn còn nhớ cảm giác sung sướng với những chữ cái đầu tiên thầy cầm tay cho anh tập viết, nhớ đôi mắt hiền từ của thầy dõi theo từng nét bút nguệch ngoạc của anh. Sống yên ổn với thầy Tư được đâu hơn một năm thì biến cố xảy ra.

Hồi bấy giờ, quân Mỹ thường mở các cuộc hành quân tìm diệt bộ đội địa phương và du kích ở các làng quê. Một chiều đông buốt giá, khi thầy vừa viết xong bài lên bảng thì những tràng súng đột ngột vang lên chát chúa, xé nát cảnh thanh bình vốn có của làng An Hiệp.

- Giặc càn, bà con ơi...Tiếng hét thất thanh dội lên tứ phía cùng với tiếng bò rống, heo kêu tạo nên một thứ âm thanh hỗn độn và đầy chết chóc. Lớp học như một bầy ong vỡ tổ, mạnh ai nấy chạy, mặc cho tiếng kêu thét lạc giọng của Tư.

Đang chạy bán sống bán chết vì quá kinh hoàng, chợt Mốc nghe đau nhói vai trái, liền đó một sức mạnh vô hình xô Mốc ngã sấp, ngất đi. Không biết đã bao lâu, khi tỉnh dậy Mốc thấy một cái mũi khoằm đang cúi xuống, một đôi mắt xanh biếc đang chăm chú nhìn mình. Đôi mắt ấy bỗng lóe lên những tia mừng rỡ. Một thứ âm thanh lơ lớ phát ra từ đám râu ria lông lá: “A! Bé con tỉnh rồi hả? Vậy là chú mày không chết rồi”...

Jackson, người lính đi cuối cùng trong toán quân Mỹ hôm ấy, tình cờ nhặt được chú bé đang nằm bất tỉnh bên một lùm cây rậm rạp. Vốn là một y tá giàu lòng nhân hậu, Jackson đem Mốc về cứu chữa rồi nhận làm con. Mấy tháng sau, Jackson hết hạn phục vụ trong quân ngũ trở về nước, mang Mốc theo.
Những ngày đầu trên đất Mỹ, vì chưa quen phong thổ cùng với nỗi hoài nhớ quê hương, Mốc ốm một trận suýt chết. Vợ chồng Jackson hết lòng chạy chữa, Mốc mới qua khỏi. Họ không có con nên coi Mốc như con đẻ. Mốc lại được đi học, nhưng không còn cảnh nửa gian nhà tranh trống hơ trống hoác với những ống tre làm bàn ghế. Chỉ trong một thời gian ngắn, cậu học sinh người Việt nhỏ thó đã trở thành niềm kiêu hãnh của vợ chồng Jackson. Cậu rất thông minh, học giỏi, luôn đứng đầu các kỳ thi. Và bây giờ, cậu bé ở đợ chăn trâu của làng An Hiệp ngày nào đã trở thành tiến sĩ y khoa, chuyên gia đầu ngành về tim mạch.

- Bao năm qua con lưu lạc nơi đâu sao không nhắn tin về? Con có biết thầy đã nhiều đêm âm thầm lau nước mắt vì cứ nghĩ rằng con không còn sống nữa.

Tiếng ông Tư cất lên kéo Mốc ra khỏi luồng hồi ức miên man.

- Con xin thầy tha lỗi. Hôm đó, nghe súng nổ, con sợ quá bỏ chạy, rồi bị thương. May nhờ một người lính Mỹ tốt bụng đem về cứu chữa và đưa qua Hoa Kỳ cho ăn học. Ở nơi đất khách quê người con rất nhớ thầy nhưng thời buổi chiến tranh loạn lạc, quê ta là vùng tranh chấp nên không cách gì về được. Sau chiến tranh, một phần vì công việc không dứt ra được, phần vì lúc qua đó con hãy còn quá nhỏ nên những hồi ức về quê hương không thật đầy đủ, chỉ nhớ mỗi tên làng cùng với dòng suối Đá Bạc và ngọn đồi Chiêu Liêu. Còn tên xã, tên huyện thậm chí tên tỉnh thì con không nhớ. Mỗi lần có người từ bên nhà sang, con đều hỏi về làng An Hiệp và ngọn đồi dòng suối quê ta, nhưng không ai biết. Thật may là tháng trước, nhân một cuộc hội thảo, con tình cờ làm quen với một người vừa từ bên nhà sang. Dò hỏi mới hay người đó ở cạnh làng mình, nhờ thế con biết đích xác địa chỉ và vội thu xếp về thăm thầy, thăm quê...

Mốc nghẹn ngào không nói tiếp được nữa.

Ông Tư chợt buông Mốc ra, dò dẫm từng bước về phía bàn thờ sờ soạng một hồi lâu rồi rút ra một cuốn vở quăn queo đã ố vàng và cháy sém một góc đưa cho Mốc, giọng trầm hẳn:

- Buổi chiều hôm ấy, sau khi quân Mỹ rút, thầy đi kiếm từng em, chỉ thiếu mỗi mình con. Thầy cùng với cả lớp đổ xô tìm, thấy cuốn vở này bên một vũng máu bầm đen. Thầy nghĩ chắc con bị thương rồi nằm đâu đó mà thôi. Nhưng tìm hoài không thấy. Gọi con đến khản cả tiếng cũng không nghe tiếng con thưa. Thầy nghĩ dại, hay là con đã... Nhưng vẫn cứ hy vọng. Mấy tuần sau, thầy vẫn lang thang đi tìm khắp núi rừng hang hốc, cả ở các làng xã bên cạnh nhưng rốt cuộc không một ai biết tung tích con đâu. Bao năm qua thầy luôn ân hận vì không bảo vệ được con. Nào ngờ hôm nay, lúc gần kề miệng lỗ rồi lại được gặp con, vậy là trời xanh có mắt. Thầy mãn nguyện lắm!

Miệng ông cười móm mém mà đôi dòng nước mắt lặng lẽ chảy trên đôi gò má nhăn nheo.

Mốc sững sờ, run run đỡ lấy cuốn vở, nhẹ giở từng trang. Ôi! Cuốn vở của anh, cuốn vở đầu tiên trong cuộc đời của anh. Còn đây những chữ I chữ O nguệch ngoạc. Còn đây những dòng chữ xiết bao gần gũi mà thầy đã phóng to để anh tập viết ngày nào. Ôiz! Cuốn vở đã thấm máu đời anh được thầy nâng niu gìn giữ từ bấy đến giờ. Anh nghe ngực mình nghèn nghẹn, mắt anh mờ dần, mờ dần và hình ảnh người thầy tay cầm cuốn vở quăn queo lang thang giữa trời đông lạnh giá cùng với tiếng gọi bi thương: “Mốc ơi! Con ở đâu?”...

ĐOÀN NGỌC NGHĨA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuốn vở đầu đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO