Cuối tháng 7.1945, cơ quan Phủ ủy và Ủy ban vận động cứu quốc phủ Tam Kỳ từ Thọ Khương dời ra Khương Mỹ, đóng tại xóm nhà bà Nghiệm, mẹ Võ Túc. Nhân dân Khương Mỹ đã đùm bọc, cưu mang cán bộ, cưu mang Đảng trong những ngày phôi thai cách mạng ấy bằng những tấm lòng vàng. Không có nhân dân không thể làm được việc lớn.
1. Trong những ngày này tại nhà bà Nghiệm ở xóm Tháp Khương Mỹ rất rộn ràng, người đến người đi, họp hành, giao ban liên tục, đèn thắp bằng dầu phụng đỏ suốt đêm. Võ Túc thông qua mạng lưới cơ sở nắm tình hình an ninh rất kỹ, ông biết ở bên này và bên kia sông Tam Kỳ có người chỉ điểm, theo dõi hoạt động của ta. Ông chỉ đạo tự vệ bám sát, có hiện tượng lạ, khống chế ngay. Hầu hết hương lý gần như đã bị vô hiệu hóa. Không khí tiền khởi nghĩa xuất hiện khắp mọi nơi. Khương Mỹ bấy giờ như một căn cứ lõm, mỗi người dân đều trở thành tai mắt của cách mạng. Gia đình bà Nghiệm, gia đình bà Thơ, gia đình ông Chiến,… là những hạt nhân tích cực nhất của căn cứ lõm.
Sáng 15.8.1945, Tỉnh ủy họp ban bố lệnh khởi nghĩa trên toàn tỉnh Quảng Nam. Chiều 15.8.1945, tại nhà bà Nghiệm, Phủ ủy và Ủy ban bạo động Tam Kỳ họp phát động tổng khởi nghĩa trong toàn phủ. Không có điện đài nhưng bằng xe đạp hay chạy bộ, sau vài ba tiếng đồng hồ đã triệu tập được đông đủ đại biểu, kể cả ở nơi xa nhất như cửa biển An Hòa hay các xã miền núi Danh Sơn, An Lâu, Phước Lợi… Trong cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Bí thư Phủ ủy kiêm Trưởng ban bạo động phủ thông báo tin khẩn: Nhật đã đầu hàng Đồng Minh. Thời cơ cách mạng đã đến!
Sau khi nghe đồng chí Lê Thuyết - Phó Ban bạo động phủ đọc mệnh lệnh khởi nghĩa của Ban bạo động tỉnh, Chỉ thị khởi nghĩa của Trung ương, hội nghị nức lòng tin tưởng. Khí thế là vậy, nhưng mọi sự chuẩn bị phải hết sức cẩn trọng, không thể sơ hở, chỉ cần một sai sót nhỏ có thể ảnh hưởng sự nghiệp lớn. Phủ ủy chỉ đạo kiểm tra toàn bộ đầu mối, các khâu công tác quan trọng nhất.
2. Kế hoạch của tỉnh có ghi, Tam Kỳ cần kiểm tra lại vấn đề vận chuyển đường sắt và đường bộ. Vì quân Nhật đóng ở Quảng Ngãi và Đà Nẵng thường xuyên cho xe nhà binh chạy qua lại giữa 2 trọng điểm đóng quân này, mấy ngày nay càng tăng cường. Khi khởi nghĩa nổ ra, phải chặn đứng sự di chuyển bất lợi này. Nếu để thông thương các tuyến đường, lính Nhật có thể chi viện cho nhau hoặc đến giúp bọn quan lại ở các phủ kháng cự khởi nghĩa, gây tổn thất cho ta. Thứ hai, ta đang chủ trương hòa hảo với quân Nhật theo phương châm người không động đến ta thì ta không động đến người. Nếu quân Nhật tới, có thể có những hành động gây hấn, tình hình sẽ phức tạp hơn. Tất cả vì mục đích chiến thắng cuối cùng, tùy lúc tùy thời mà xác định kẻ thù để ứng xử phù hợp.
Sáng 16.8.1945, ông Túc, ông Lợi đến ga Tam Kỳ gặp anh em công nhân bàn tìm cách ngăn lính Nhật đến Tam Kỳ bằng đường xe lửa. Anh em công nhân đề ra phương án: Cận giờ khởi nghĩa họ sẽ tháo một số đoạn đường ray từ Quảng Ngãi ra, Đà Nẵng vào. Thế là tàu hỏa không thể đến Tam Kỳ được, hai ông Túc, Lợi yên tâm đạp xe vào cánh Nam kiểm tra kế hoạch chặt cây ngăn quốc lộ 1, không cho ô tô chở quân Nhật theo đường bộ đến địa bàn Tam Kỳ. Đây là chủ trương của tỉnh, vì vậy ngăn xe từ Đà Nẵng vào, các huyện cánh Bắc Quảng Nam có phương án thực hiện.
Cùng lúc, các đồng chí phụ trách quân sự siết chặt hàng ngũ dân binh, du kích, phá kho lấy vũ khí, đánh đồn Đại Lý, đồn Thương Chánh, tấn công phủ lỵ đã lên sa bàn kỹ lưỡng; cán bộ chính trị, tuyên truyền, đoàn thể khẩn trương củng cố tinh thần giới chức, phụ nữ, nông dân, công nhân, xốc lại đội ngũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia biểu tình, biểu dương lực lượng, đánh sập ý chí quan lại và binh lính. Mọi kế hoạch phải được hoàn chỉnh vào sáng 17.8.1945.
Sắp đến thời điểm quyết định mà cơ quan đầu não Phủ ủy và Ủy ban bạo động đóng ở Khương Mỹ sẽ rất bất lợi trong công tác chỉ huy khởi nghĩa. Khương Mỹ ở phía nam, Phủ lỵ và toàn bộ nơi trọng yếu của địch đều ở phía Bắc sông Tam Kỳ. Cách sông trở đò, trở ngại cho việc lớn. Chiều 16.8.1945 cơ quan chỉ huy đầu não cuộc khởi nghĩa phủ Tam Kỳ chuyển đến xóm Hàng, Hương Sơn, đóng ngay trong lòng thị trấn.
3. Sáng 18.8.1945, lệnh khởi nghĩa toàn tỉnh được ban bố, các lực lượng vũ trang và quần chúng khẩn trương tập trung vào vị trí đã định, chờ đúng giờ G, khởi sự. Cùng lúc, 5 giờ sáng 18.8.1945 dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Toàn cùng Ủy ban bạo động tỉnh lỵ Hội An phát lệnh khởi nghĩa. Sau vài tiếng đồng hồ, lực lượng cách mạng đã làm chủ hoàn toàn thị xã Hội An, bắt tên tỉnh trưởng đầu hàng giao con dấu cho Ủy ban khởi nghĩa. Chính quyền tại tỉnh lỵ Hội An đã hoàn toàn thuộc về nhân dân. Lực lượng khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Võ Toàn và Phan Thị Nể chỉ huy kéo về hỗ trợ các phủ huyện phía Nam giành chính quyền. Tình thế đã đổi khác, cấp bách mà thuận lợi cho Tam Kỳ.
Đúng 8 giờ tối 18.8.1945, đoàn dân binh do đồng chí Võ Toàn chỉ huy đến bến xe Thầu Đâu, nội ô Tam Kỳ. Cánh quân của các tổng tập kết khắp các đường phố Tam Kỳ, vây đồn Đại Lý, Thương Chánh; chiếm ga xe lửa, nhà dây thép, phối hợp đoàn dân binh từ tỉnh vào đánh chiếm các trọng điểm của địch.
Lực lượng du kích Vũ Hùng cùng đoàn dân binh từ Hội An kéo vào, bí mật cắt hàng rào gai thép, tiến vào phía sau đồn dùng búa chuẩn bị sẵn phá kho lấy vũ khí; cùng lúc các đồng chí vũ trang khống chế lính gác xông thẳng vào cửa chính, kêu gọi Quản Lộc đầu hàng. Tên Lộc vừa bước ra hành lang bị các võ sĩ của ta tiến tới khóa tay, bắt gọn. Đồn Đại Lý bị ta hạ trong vài chục phút, đồn Thương Chánh cũng bị hạ nhẹ nhàng. Bọn lính đã trong trạng thái hoang mang mấy ngày rồi, nay có biến, đầu hàng lập tức.
Khi thế quần chúng dâng cao ngút trời, tại phủ đường, Tri phủ Hoàng Kim Lý ngồi bất động, chờ cách mạng đến để nộp con dấu. Thực ra Tri phủ Hoàng Kim Lý là người thức thời, cách đây vài ngày ông ta đã nhận được thư kêu gọi của Ủy ban bạo động Tam Kỳ theo đường dây của ông Lợi, ông Túc cài cắm trước. Kim Lý hồi âm sẵn sàng phối hợp với chính quyền mới. Vì thế việc chiếm phủ đường diễn ra rất êm thấm, hòa bình.
Đúng 9 giờ tối 18.8.1945 toàn bộ chính quyền phủ Tam Kỳ thuộc về tay nhân dân, góp phần đưa Quảng Nam trở thành một trong 4 tỉnh giành được chính quyền sớm nhất cả nước trong cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945.