Liên tục trong nhiều ngày qua, nghe đài, đọc báo, xem ti vi thấy loạn lên những hình ảnh phản cảm từ lễ hội.
Này nhé, vì tranh đoạt quả phết ở lễ hội Hiền Quan (Phú Thọ), mà trai tráng các làng choảng nhau hùng hục. Rồi đến trận “đả cầu cướp phết” ở Vĩnh Phúc cũng hỗn loạn đến máu me, ngất xỉu. Này là lễ khai ấn đền Trần, người ta ùn ùn leo rào, nhảy cả lên bàn thờ cướp lộc...
Ngoài những hình ảnh chẳng hay ho ấy thì quang cảnh lễ hội còn thêm chuyện đốt vàng mã ngùn ngụt, nhét tiền vào tượng thánh thần, “chém chặt”, trấn lột, trộm cắp của cải người đi hội. Đợt lễ hội này còn thu hút đông đảo cán bộ công chức du xuân đến bỏ cả công vụ, dùng xe công đi dự đám, đến nỗi có đơn vị phải điểm danh hàng ngày để xử lý.
Chung quy là nháo nhào mọi thứ, đảo lộn giá trị thiêng của hội, khiến nhiều người phải hốt hoảng “chạy mất dép”. Từ ngữ mô tả lễ hội, không hiểu sao chỉ thấy mỗi từ “cướp” hô toáng lên nhiều nơi nghe rợn gáy.
Lại nói cái chuyện cướp này. Nhớ năm ngoái, khi lễ hội cũng có cảnh loạn đả tranh cướp lộc, báo chí lên tiếng phê bình, thì một vị phó ban tuyên giáo của Thành ủy Hà Nội biện bạch rằng đó là “cướp có văn hóa” (?!). Theo ông ta, “vấn đề ở đây là phải “cướp”, có sự cố gắng, có dấu ấn cá nhân chứ không phải tự nhiên lộc thánh đến với mình”. Thú thật, từ khi ấy, người viết bài này đã nghiền ngẫm để tìm cái ý nghĩa “cướp có văn hóa” trong sắc thái từ ngữ gắn hàm ý về giá trị phi vật thể của lễ hội xưa nay thì đâu thấy. (Từ “cướp” trong từ điển có nghĩa đầu tiên bao quát chính yếu là việc sử dụng bạo lực để tranh đoạt của cải (giết người cướp của, chỉ kẻ cướp); hoặc chỉ một tác động tai hại (bão lụt cướp sạch, bệnh tật cướp mạng sống); chỉ hành động tranh lấy cái gì đấy một cách trắng trợn). Trong phạm vi ý nghĩa của những lễ hội vừa kể, chuyện cướp lộc một cách cuồng bạo sẽ khó mà biện minh cho ý nghĩa đích thực về các giá trị văn hóa phi vật thể. Bởi vì, cội nguồn xưa, nhà Trần tổ chức lễ khai ấn là để đóng dấu giấy tờ công vụ có ích cho dân cho nước vào dịp đầu năm, nên ngày nay đến Đền Trần là để nhớ ơn tổ tiên (chứ để tranh lộc mà làm quan được thì cần gì phải học hành, cần gì có ngành tổ chức cán bộ?). Cũng như lễ hội ở Hiền Quan là để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của nữ tướng Thiều Hoa công chúa - Đức Thánh mẫu đại vương, người giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước, chứ nào để giành nhau quả phết đến sứt đầu mẻ trán mà có lộc. Trong không gian thiêng của lễ hội, con người biểu hiện sự tôn kính với những bậc tiền nhân có công làm cho quốc thái dân an, phản ánh ước mơ chính đáng của mình, đồng thời là dịp để tổ chức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật... của cộng đồng, nào đâu phải chỗ để tranh cướp.
Mỗi năm, nước Việt ta có khoảng 8 nghìn lễ hội ở khắp vùng miền, trong đó chủ yếu tổ chức vào mùa xuân. Để mọi lễ hội đều đẹp đẽ, chu đáo là không dễ. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng, chính quyền cùng người dân đều không tích cực hướng đến việc quản lý, tổ chức, tham gia lễ hội cho đàng hoàng thì làm sao khỏi loạn, khỏi phản cảm. Đó là chưa nói việc phục dựng lễ hội tràn lan nhằm kêu gọi quyên góp, quảng cáo kinh doanh loạn xà ngầu là một biến thái đáng cảnh báo.
Giá trị gì nên bảo tồn, phát huy; cái gì tiêu cực, lạc hậu nên bỏ cũng là chuyện đặt ra với lễ hội. Có nhiều giá trị của lễ hội cần giữ gìn, thậm chí cần phát huy, như lễ Minh thề ở Kiến Thụy, Hải Phòng. Lễ này yêu cầu ai dự hội cũng phải đọc lời thề trước đất trời, tiên tổ, rằng: “Ai lấy của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ; ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử; làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”. Hay, như vùng đất Quảng, lễ hội Cộ Chợ Được, lễ hội Bà Thu Bồn, lễ Cầu Bông làng rau Trà Quế... chỉ thấy sự nhẹ nhàng, lành hiền. Về cách tổ chức lễ hội, có lẽ đáng xiển dương người dân Bình Dương đón hơn 2 triệu khách đến chùa Bà với những thùng nước chanh, trà đá, bánh mì, hay suất ăn miễn phí...
Cái đẹp của lễ hội thể hiện ở tình cảm nhân văn, thấm đẫm trong không gian thiêng, đâu phải cần chuyện “cướp có văn hóa”!
NGUYỄN ĐIỆN NAM