Cứu bờ biển từ cửa sông

TRẦN HỮU 23/09/2017 10:04

Biến đổi khí hậu cộng với sự can thiệp thô bạo của con người đã khiến thiên nhiên nổi giận. Hệ lụy là bão lũ, sạt lở... ngày càng bất thường, gây thiệt hại nặng nề. Nhiều cuộc hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia và quốc tế về cửa sông ven bờ biển Cửa Đại suốt 5 năm qua cũng chỉ mới dừng lại ở khâu“nội soi”. Liệu các nhà khoa học trong nước và quốc tế có thể đưa ra phương án hiệu quả để chống đỡ với thiên tai và nhân tai? Khung pháp lý nào cần bổ sung, hoàn chỉnh để tài nguyên sông, biển được bảo vệ nghiêm ngặt?

Khai thác cát quá mức ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn làm thâm hụt đáng kể lượng bùn cát, đe dọa sạt lở bờ sông.Ảnh: TRẦN HỮU
Khai thác cát quá mức ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn làm thâm hụt đáng kể lượng bùn cát, đe dọa sạt lở bờ sông.Ảnh: TRẦN HỮU

SÔNG OẰN MÌNH CHỐNG CHỊU

Sự suy giảm bùn cát từ lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn kèm theo thay đổi dòng chảy tự nhiên đã dẫn đến quy luật tất yếu “tức nước vỡ bờ” biển Cửa Đại.

Thâm hụt lượng cát

Bờ biển Cửa Đại bị xé nát, liếm sâu vào đất liền mỗi năm. Lở - bồi của đất là chuyện của ngàn năm, cớ sao phải sốt sắng? Câu trả lời là, bảo vệ vùng ven biển Cửa Đại, không chỉ riêng cho Hội An, mà cả nhiều địa phương khác của tỉnh. Nói rộng ra, là bảo vệ di sản thế giới. Để cứu bờ biển, giới khoa học phải dành nhiều thời gian nghiên cứu cả hệ thống sông - biển, từ quá trình vận chuyển bùn cát từ dòng sông, đo tần số sóng v.v. Trăm con sông đều xuôi về biển. Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn ngắn và địa hình dốc trong khi lũ chảy thẳng từ vùng thượng nguồn về đồng bằng, không qua trung du. Vùng hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn bằng phẳng, thấp, cấu trúc địa hình không đồng nhất gây trở ngại cho thoát lũ. Vì vậy mà lũ lên nhanh song lại rút chậm ở hạ lưu.

Biến đổi thất thường của thời tiết, cộng hưởng với các hoạt động phát triển kinh tế ở lưu vực đã làm cho dòng chảy của sông lệch hướng. Nhiều diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực Vu Gia – Thu Bồn bị san bằng nhường chỗ cho các nhà máy thủy điện đang làm mất khả năng điều tiết nước khi mưa lớn. Quá trình sạt lở từ các bờ sông trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn đến bờ biển Cửa Đại do tác động gay gắt của biến đổi khí hậu và hệ lụy phát triển thủy điện bậc thang trên hệ thống lưu vực sông. Bờ sông đi qua các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn tiếp tục đối mặt với nguy cơ lở nặng được xác định do giảm lượng phù sa bồi lắng ở sông. Toàn bộ lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tính từ thượng nguồn đến cửa sông có diện tích là rộng 10.350km2. Phần hạ lưu, 2 sông là Quảng Huế và Vĩnh Điện có sự trao đổi nước với nhau rất phức tạp với Vu Gia, Thu Bồn. Diễn biến của các cửa sông khá phức tạp, thể hiện ở sự dịch chuyển cửa ra biển và sự bồi lấp, thoái hóa các phân lưu cũ. Lượng cát đổ về các cửa sông bị thâm hụt do mỗi năm các đơn vị khai thác cát lấy đi hàng trăm triệu mét khối cát.

Tác hại của chuyển dòng

Theo giới nghiên cứu thủy lợi, quá trình xói lở bờ biển Cửa Đại do kết hợp giữa dòng vận chuyển cát theo hướng vuông góc với bờ và dòng chuyển cát dọc bờ. Thông thường tại vùng biển này, xói lở nặng xảy ra vào mùa đông, khi đó trường sóng mạnh trong gió mùa đông bắc kết hợp với nước biển dâng ven bờ. PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu thuộc Trường Đại học Cần Thơ - cho rằng, nguyên nhân hàng đầu chính là do việc khai thác cát lòng sông quá mức phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng, san lấp các công trình trọng điểm. Hệ lụy là các lòng dẫn của nước bị đào sâu xuống một cách trầm trọng. Thêm vào đó, phía thượng nguồn hình thành chuỗi đập thủy điện, đã giữ lại lượng lớn phù sa tại hồ chứa. Trước kia, dòng sông mang nặng phù sa nên tốc độ dòng chảy chậm, ôn hòa, nay do ít vật liệu truyền dẫn hơn khiến gia tăng hiện tượng “nước đói phù sa”, dòng chảy trở nên mạnh hơn. Khi nước “đói” sẽ lấn sâu vào đất hai bên bờ sông.

Trước đây trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, phát triển ồ ạt thủy điện  không tuân thủ quy hoạch, tạo ra tác động xấu về chuyển dòng đi của nước. Đơn cử, thuỷ điện Đắc Mi 4 chuyển dòng từ Vu Gia về Thu Bồn đã tạo ra dòng sông chết kéo dài 20km sau cửa xả của nhà máy. Theo chuyên gia Huỳnh Vạn Thắng - nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng, việc xây dựng dự án chuyển nước từ lưu vực sông này sang sông khác phải căn cứ vào chiến lược quốc gia về tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông liên quan, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong lưu vực sông có liên quan và phải tính toán đầy đủ khả năng của các nguồn nước, nhu cầu dùng nước và tác động môi trường. Trước khi phê duyệt quy hoạch bậc thang thủy điện sông Vu Gia – Thu Bồn và các dự án thủy điện khác, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam đều không lấy ý kiến của TP.Đà Nẵng - nơi có nhiều hộ dân dùng nước của sông Vu Gia. Việc chuyển dòng từ thủy điện Đắc Mi 4 đã làm cho hạ du sông Vu Gia mỗi năm thiếu trên 600 triệu mét khối nước. Những khó khăn thiếu nước sông Vu Gia được cải thiện khi nhà máy thủy điện Sông Bung 4 và Sông Bung 2 đưa vào khai thác. “Việc chuyển dòng của các nhà máy thủy điện gây ra những tác hại không hề nhỏ đối với vùng hạ du” - ông Thắng cảnh báo.

“CHA CHUNG KHÔNG AI KHÓC”

Tuy đã có khung pháp lý thực thi nhưng cách thức quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên ở cửa sông, vùng bờ biển bộc lộ nhiều bất cập, thiếu cơ chế điều phối chung.

Kè mềm ở bờ biển Cửa Đại.
Kè mềm ở bờ biển Cửa Đại.

Thiếu dữ liệu thông tin

Thời gian qua, việc xây dựng phác đồ “chẩn đoán” biến đổi của dòng sông, cửa biển tốn rất nhiều thời gian, công sức lẫn tiền bạc. Các phỏng đoán biến đổi khí hậu thường có độ chính xác không cao do chuỗi số liệu khí tượng - thuỷ văn chưa đủ dài và mật độ trạm đo thưa, các kịch bản phát thải khí nhà kính chưa chắc chắn. Mô hình thủy văn và các thuật toán thống kê chỉ mang tính khái quát. Ở bờ biển Cửa Đại, các nhà khoa học ghi nhận tầng sóng thay đổi, tần suất xuất hiện sóng cao ngày càng nhiều, hướng sóng cũng thẳng góc với bờ biển. Sóng có biên độ lớn sẽ tạo ra dòng chảy đi ngược ra biển dưới đáy và dòng chảy đó sẽ mang cát ở trên bãi xuống và đẩy ra ngoài biển. PSG-TS. Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi - đánh giá, những thông tin “siêu âm” ban đầu về xói lở bờ biển quá sơ sài dẫn đến nhận định sai. Rõ ràng, thiếu một cơ chế phối hợp nhịp nhàng giữa 3 bên (Nhà nước, cộng đồng dân cư và nhà khoa học) nên những giải pháp thực thi chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. “Nguyên nhân gây xói lở bờ biển Cửa Đại là do có sự thay đổi về sóng, tần số sóng cao gia tăng trong những năm gần đây. Rất tiếc số liệu nghiên cứu về sóng, tần số sóng ở trong nước nói chung còn hạn chế” - PGS-TS. Nguyễn Trung Việt nhận định. Các nhà khoa học quốc tế nhìn nhận, đánh giá tính tổn thương về cửa sông bờ biển ở Việt Nam chỉ mang tính phát họa tổng quát, chưa đi vào chi tiết và định lượng rõ nét do thiếu nhiều thông tin và dữ liệu nền.

Công tác quan trắc, dự báo, kiểm kê, dữ liệu thông tin về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh còn thiếu. Có dự báo về sử dụng nước của các ngành, các địa phương và tổ chức, cá nhân nhưng còn chung chung. Trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, cắt qua địa giới hành chính của nhiều địa phương trong tỉnh, liên quan giữa Quảng Nam và Đà Nẵng nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được ủy ban quản lý lưu vực sông, chỉ mới dừng lại ở quy chế phối hợp. Vì thiếu quy hoạch tổng hợp lưu vực sông nên mới có thực tế tất cả hồ chứa xây dựng chỉ dựa trên các quy hoạch thuần túy chuyên ngành thủy nông hoặc thủy điện, mà chưa tính toán tác động lan rộng đến vùng, các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau. Lợi ích liên quan đến tài nguyên nước không được giải quyết hài hòa, như giữa chống lũ với phát điện; giữa phát điện với cấp nước tưới; giữa phát điện với cấp nước cho hạ du, nước sinh hoạt, nước để đẩy mặn cửa sông. Các địa phương nằm trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn lâu nay vẫn mạnh ai nấy khai thác, sử dụng tài nguyên sông. Chẳng hạn, chỉ một đoạn sông Thu Bồn chảy qua địa phận thị xã Điện Bàn đang có 8 điểm mỏ cát được cấp phép hoạt động; huyện Đại Lộc hiện có ít nhất 15 mỏ khai thác cát cấp phép trên sông. Trước đây, thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản cát sỏi do UBND cấp huyện. Vì lợi ích cục bộ địa phương mà mạnh ai nấy khai thác.

Thiếu đồng bộ    

PGS-TS. Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) -  cho rằng, cộng đồng dân cư đóng vai trò như chủ thể quyết định sự sinh tử của con sông. Các dự án khai thác và xả thải vào nguồn nước phải minh bạch thông tin, lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan. “Nhưng thực tế, quy trình này gần như bị xem nhẹ, mặc dù từ Trung ương đến địa phương ban hành nhiều chính sách quản lý nước theo lộ trình cụ thể. Vì thiếu hệ thống giám sát, quản lý chặt chẽ mà các lưu vực sông lớn của cả nước, trong đó có sông Vu Gia - Thu Bồn nhiều năm rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc” - PGS.TS Đào Trọng Tứ phân tích.  

Các nhà máy thủy điện, mỏ khai thác cát sỏi đua nhau rút ruột tài nguyên lòng sông Vu Gia - Thu Bồn, trong khi cả Trung ương lẫn tỉnh chưa xây dựng được một quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. Lưu vực sông, vùng bờ biển là những khu vực có mối quan hệ tương tác nhau. Vùng bờ biển rất quan trọng nằm chuyển tiếp giữa lưu vực sông và biển bên ngoài, nhưng các hệ thống này lại quản lý một cách biệt lập. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Viễn, khó khăn của địa phương trong quản lý nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu là thiếu ngân sách, cơ sở vật chất hạ tầng và nguồn nhân lực. UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chiến lược khai thác, sử dụng tài nguyên nước đảm bảo phát triển bền vững, theo hướng đảm bảo phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển xã hội. Khó khăn nằm ở chỗ các địa phương nhận thức chưa toàn diện về các giá trị kinh tế - xã hội của vùng ven biển và lưu vực sông. Điều này dẫn đến sự thiếu chặt chẽ trong phối hợp hành động của các ngành, các cấp lẫn cộng đồng dân cư. Cùng với đó là thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn về quy hoạch và quản lý sử dụng bền vững vùng bờ biển, cửa sông. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An lo lắng: “Quan tâm của địa phương bây giờ là ở vị trí điểm cuối nơi khách sạn Boutique, cần giải pháp cấp bách trong mùa mưa bão năm nay để không xói lở nữa”.

CHIA SẺ KINH NGHIỆM

Một số giải pháp đề xuất của các chuyên gia nước ngoài có thể không phù hợp với thực tiễn sông ngòi, cửa biển miền Trung nhưng lại mở ra cách tiếp cận mới trong quản lý điều hành và ứng phó có hiệu quả với thiên tai.

GS.TS. Hitoshi Tanaka thuyết trình về giải pháp cứu bờ biển Cửa Đại. Ảnh: TRẦN HỮU
GS.TS. Hitoshi Tanaka thuyết trình về giải pháp cứu bờ biển Cửa Đại. Ảnh: TRẦN HỮU

Ưu tiên xử lý bùn cát

Trong vòng 10 năm trở lại đây, các diễn đàn về “Cửa sông, bờ biển và kỹ thuật sông ngòi” đã được tổ chức tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam. Đây là một diễn đàn uy tín của các chuyên gia khoa học và nhà quản lý trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý tài nguyên. Ông Kenichiro Tachi - chuyên gia của tổ chức JICA, cố vấn quản lý thủy lợi - cho biết, sông ngòi miền Trung, đặc biệt lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có một vài đặc điểm giống với con sông cắt qua một số tỉnh thành của Nhật Bản. Tại sông Abe (tỉnh Shizuoka, Nhật Bản), ưu tiên của chính quyền là xử lý lưu lượng bùn cát. Phương pháp chống xói lở truyền thống là đưa đường lạch sâu ra ngoài hướng bờ sông để thay đổi điều kiện dòng chảy từ gây xói mòn thành mang lại bồi đắp. Tại một vài điểm còn đặt ra số liệu mục tiêu về lưu lượng bùn cát. “Cập nhật số liệu thường xuyên về lưu lượng bùn cát là căn cứ quan trọng hàng đầu để cơ quan chức năng có giải pháp đối phó hiệu quả. Qua các thông số kỹ thuật, sẽ dễ dàng nhận biết bên nào thiếu lượng bùn cát thì sẽ bổ sung kịp thời” - ông Kenichiro Tachi nói. Cũng theo vị chuyên gia này, khác biệt với cách thức quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam, đơn cử như lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, nhiều dự án phân cấp cho các cơ quan quản lý khác nhau. Ngược lại, tại Nhật Bản, con sông nào chảy qua nhiều địa phương, Chính phủ đều chỉ định tổ chức đơn vị quản lý sông ngòi; chỉ định khu vực sông và hệ thống quy hoạch trung và dài hạn. Xây đập ở phía thượng nguồn vẫn tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư dưới hạ lưu.

Theo ý kiến của chuyên gia tổ chức JICA, để đánh giá đúng thực trạng cửa sông, ven biển Cửa Đại cần thêm thông tin liên quan đến hiệu quả kinh tế và các yếu tố khác như chính sách, năng lực quản lý và cơ chế điều hành phối hợp. Nghiên cứu đánh giá định lượng tình trạng dễ bị tổn thương bằng phương pháp xây dựng chỉ số dựa vào cơ sở khoa học lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn. Chính quyền và nhà đầu tư cần có thêm cơ quan tham vấn, phản biện độc lập. Ngoài ra, các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Đức, Đài Loan cũng đã đưa ra một số giải pháp tổng thể nhằm giải quyết các tồn tại và thực trạng bất lợi cho các cửa sông ven biển miền Trung Việt Nam. GS-TS.Hitoshi Tanaka - nguyên Chủ tịch Hội Quốc tế về nghiên cứu và kỹ thuật thủy văn môi trường - Vùng châu Á Thái Bình Dương, hiện là Phó Chủ tịch Hội Xây dựng dân dụng Nhật Bản đề xuất: “Chính quyền địa phương các cấp sớm hoàn thiện khung pháp lý, thực hiện nghiêm ngặt Luật Bảo vệ tài nguyên nước và thành lập Ủy bản quản lý lưu vực sông để có cơ chế điều phối chung”.

Quản lý không gian chung

“Hội thảo lần này là cơ hội để nâng cao năng lực cho các nhà khoa học, quản lý, thiết kế, giảng dạy trong lĩnh vực nghiên cứu về cửa sông, bờ biển và kỹ thuật sông ngòi, qua đó tạo cơ hội cho các chuyên gia trong nước được tiếp cận và chia sẻ kinh nghiệm quản trị tài nguyên và kỹ thuật chống sạt lở với các chuyên gia đến từ Nhật Bản và các nước khác”
(Ông Lê Hữu Dõng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và thủy lợi miền Trung)

PGS-TS.Trần Thanh Tùng (Khoa Kỹ thuật Biển, Đại học Thủy lợi) kiến nghị, trong điều kiện ở thượng nguồn dày đặc thủy điện bậc thang, cần ưu tiên giải pháp công trình kết hợp với nuôi bãi để giảm năng lượng sóng, giảm lượng bùn cát thất thoát, tái tạo nhanh bãi biển. Nuôi bãi là sự chọn lựa khôn ngoan.   Bằng chứng là nhiều quốc gia trên thế giới đã vận dụng mô hình nuôi bãi nhân tạo thành công như Mỹ, Hà Lan, Đức, Nhật, Úc, Singapore. Tại Việt Nam, nuôi bãi, san lấp, cải tạo bãi tắm phục vụ du lịch mới triển khai ở Mũi Né và  bãi biển Bình Thuận. Còn các chuyên gia của tổ chức JICA nêu hàng loạt giải pháp cần triển khai, trong đó ưu tiên đảm bảo dòng chảy tối thiểu, bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn, bảo vệ chất lượng nước, tuân thủ nguyên tắc xả thải ra nguồn, chống các hoạt động khai thác tài nguyên trên sông có thể gây sạt lở bờ, cân nhắc chuyển dòng chảy.

Trước khi chờ đợi Bộ Tài nguyên - môi trường thu thập ý kiến để hoàn chỉnh pháp luật về quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước thì giữa tháng 8.2017, chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã ký hợp tác và thành lập ban điều phối quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhiệm vụ trọng tâm là 2 địa phương xây dựng bộ dữ liệu chung trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để phục vụ công tác quản lý đô thị, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường; các phương án nhằm tham gia điều tiết nước giữa mùa cạn và mùa lũ trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; cơ chế phối hợp liên tỉnh để giám sát các thủy điện trên thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn trong việc chấp hành quy trình vận hành liên hồ chứa. Đánh giá toàn diện hoạt động khai thác, sử dụng không gian lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng; tính toán, xác định nhu cầu sử dụng nước lưu vực sông phục vụ cho cấp nước sinh hoạt và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương. Thúc đẩy sự phối hợp liên tỉnh và với cộng đồng trong công tác giám sát việc thực hiện các nội dung có liên quan đối với các hoạt động chung giữa 2 địa phương như khai thác, sử dụng không gian, tài nguyên trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cứu bờ biển từ cửa sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO