(QNO) - Trở về thời bình, bệnh binh Trần Văn Vĩnh (SN 1953, trú tại tổ 1, thôn Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) chuyên tâm làm kinh tế. Đi lên từ con số không, nhờ tính dám nghĩ dám làm, nay ông đã có một trang trại quy mô, ổn định.
10ha keo của ông Vĩnh vào vụ thu hoạch được hơn 100 triệu đồng. Ảnh: PHAN VINH |
Về Trung An, hỏi ông Vĩnh ai cũng biết, kể về ông là những câu chuyện liều lĩnh trong việc làm kinh tế. Trước đây, đường lên huyện Nông Sơn rất khó khăn, để trao đổi và buôn bán hàng hóa, sông Thu Bồn tấp nập ghe xuôi ngược. Thấy được điều đó, ông Vĩnh đã vay mượn bạn bè và bà con rồi sắm một chiếc ghe để đi buôn. “Ngày đó, tôi chuyên chở rau quả từ trên này xuống rồi chở hải sản lên. Lời chủ yếu ở tiền buôn cá, mực. Ghe từ xuôi lên, bán dọc đường ở cánh Duy Xuyên, Quế Sơn là hết; còn ghe tôi chạy một mạch lên Nông Sơn, mà ngày đó không được bao nhiêu ghe lên đến Nông Sơn cả” - ông Vĩnh kể.
Khi đường sá được mở, những chuyến ghe của ông cũng thưa dần vì hải sản vận chuyển bằng đường bộ tươi hơn hẳn. Ông Vĩnh bán ghe, sắm máy xay xát lúa gạo để vợ ở nhà làm, còn ông khăn gói đi Đăk Lăk thuê đất trồng cà phê. Lúc cà phê có giá, những năm đầu ông thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhưng ông nghĩ mãi về những chuyến lên rẫy, làm việc tất bật cả ngày rồi lại về trại, dù thu nhập ổn định như xa gia đình, vợ con. Ông Vĩnh quyết trở về Nông Sơn khi được địa phương giao cho 10ha đất rừng để canh tác. Một mình ông khai phá, cải tạo lại mảnh đất hoang và phủ kín diện tích đó bằng keo lá tràm.
Trong lúc chờ keo đến vụ thu hoạch, ông Vĩnh lập trang trại tại vườn nhà rộng 400m2, nuôi 60 con heo, trong đó có 6 con heo nái; hơn 1.000 con gà; 50 con dê; 50 con vịt và 2 con bò giống. Chỉ tính riêng từ trang trạng, thu nhập của ông hơn 100 triệu/năm. Không dừng lại ở đó, ông còn trồng 1.5ha lúa và 4.5ha hoa màu các loại.
Ông luôn trăn trở về cách chăn nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật. PHAN VINH |
Nhiều công việc là vậy nhưng ông Vĩnh vẫn đảm đương hiệu quả. “Tôi hay xem tivi, ngoài những bản tin thời sự, tôi mê các chương trình liên quan đến nông nghiệp và tư vấn nhà nông. Từ đó tôi học được cách làm mang tính khoa học của nhiều người” - ông Vĩnh chia sẻ. Tất cả thức ăn cho gia súc, gia cầm của ông đều được áp dụng kỹ thuật khoa học. Theo đó, ông tìm tòi học hỏi được cách lên men ủ cám bằng vi sinh, với loại thức ăn này, năng suất heo khi xuất chuồng vừa cao lại an toàn cho người tiêu dùng.
Sắp tới ông Vĩnh sẽ đầu tư chuồng có đệm lót vi sinh cho heo và xây dựng hầm biogas cải tiến để tránh gây ô nhiễm môi trường. Ông tâm sự: “Tôi đã tính tới chuyện xây chuồng tránh lụt rồi mua thêm heo và mở rộng trại theo phương pháp khoa học kỹ thuật nhưng cái khó là ở nguồn vốn. Chờ vụ keo này thu hoạch, tôi sẽ đầu tư hết khả năng”.
Việc ông Vĩnh làm kinh tế đã giải quyết nhiều lao động nông nhàn tại địa phương. Tính đến nay, có khoảng 15 lao động thường xuyên phụ việc với ông những lúc thu hoạch keo, lúa, hoa màu. Không những vậy, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và trồng trọt cho những người muốn học hỏi. Ông Trương Hòa, thành viên trong Chi hội Cựu chiến binh thôn Trung An là người thường xuyên trao đổi phương pháp làm kinh tế với ông Vĩnh. Ông Hòa cho biết: “Học hỏi từ những kinh nghiệm của anh Vĩnh, rừng keo lá tràm của tôi đã cho năng suất cao. Sắp tới, khi tìm được nguồn vốn vay tôi cũng đầu tư nuôi heo. Anh Vĩnh sẽ hỗ trợ heo nái cho tất cả thành viên trong Hội Cựu chiến binh Trung An để lấy lứa heo đầu tiên”.
Ông Nguyễn Văn Hai - Chủ tịch xã Quế Trung cho biết: “Là Chi hội Trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Trung An, ông Trần Văn Vĩnh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao như dân vận địa phương và hỗ trợ tư vấn cho người dân làm kinh tế. Bản thân ông Vĩnh vốn là một bệnh binh nhưng xứng đáng là tấm gương sáng về làm kinh tế cho nhiều người noi theo”.
PHAN VINH