Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo

ANH ĐÔNG 06/12/2016 08:15

Rời quân ngũ trở về đời thường, nhiều cán bộ, hội viên cựu chiến binh (CCB) không chỉ gương mẫu trong đời sống mà còn “dám nghĩ dám làm” trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Đầu tư chăn nuôi tập trung

Ở phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn), những năm gần đây có nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả, tạo thu nhập cao cho nông dân. Trong số những mô hình hiệu quả, có trang trại nuôi heo của gia đình CCB Nguyễn Sáu (ở khối phố Hà My Tây). Sau nhiều năm làm nhân viên quản lý điện ở địa phương, đến năm 2005, ông quyết định đầu tư 500 triệu đồng, trong đó vay Ngân hàng NN&PTNT 200 triệu đồng để xây dựng trại heo quy mô 450 con theo mô hình chăn nuôi tập trung. Số tiền đầu tư không hề nhỏ, nhưng ông quả quyết: “Muốn khấm khá lên thì mình phải liều thôi. Ở quê nghèo lắm, mình không mạnh dạn thì không thay đổi được. Còn 3 đứa con nữa, lớn cả rồi, lại đang tuổi ăn học nên tốn kém lắm, mình không tìm cách làm ăn thì lấy gì nuôi chúng. Nói rứa chứ liều gì thì cũng phải tính kỹ”.

Sau thành công của trang trại đầu tiên, đến năm 2014, gia đình ông Sáu tiếp tục đầu tư thêm trang trại mới với quy mô 700 con heo, kinh phí gần một tỷ đồng và đang tiếp tục mở rộng thêm một trại nữa với quy mô 400 con. Như vậy, tính cả 3 trại heo thì hiện gia đình ông Sáu đã xây dựng được trang trại có quy mô hơn 1.500 con heo. Ông Sáu cho biết, trung bình khoảng 6 tháng có thể xuất bán một lứa heo. Toàn bộ được công ty thu mua hết, giá cả ổn định. Sau khi trừ các chi phí thì trung bình hiện nay mỗi tháng trại heo cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng.

CCB Nguyễn Sáu (ngoài cùng bên phải) giới thiệu về trại heo hàng nghìn con. Ảnh: VINH ANH
CCB Nguyễn Sáu (ngoài cùng bên phải) giới thiệu về trại heo hàng nghìn con. Ảnh: VINH ANH

Theo Hội CCB phường Điện Dương, hiện nay trong hội viên CCB có nhiều người áp dụng mô hình chăn nuôi heo, gà như CCB Nguyễn Sáu mang lại hiệu quả. Chỉ tính nuôi heo liên kết với doanh nghiệp đã có đến 3 hội viên có trang trại với quy mô hàng trăm đến hàng ngàn con heo. Riêng CCB Nguyễn Sáu thì không chỉ giỏi làm ăn mà còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của CCB. Trước, ông Sáu từng làm Chi hội trưởng Chi hội CCB khối phố Hà My Tây, nay dù là một hội viên nhưng ông rất tích cực, thường xuyên tạo điều kiện cho anh em hội viên đến học hỏi cách làm ăn và hướng dẫn, góp ý cho họ để xây dựng mô hình hiệu quả.

Giúp nhau giảm nghèo

Báo cáo tổng kết 5 năm (2011 - 2016) về phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi” của Hội CCB tỉnh đã giới thiệu nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả của CCB trong tỉnh. Tại hội nghị tổng kết phong trào này vừa qua ở Trung ương Hội CCB Việt Nam, Quảng Nam vinh dự có 5 cá nhân xuất sắc được Thủ tướng Chính phủ và Trung ương Hội CCB Việt Năm tặng Bằng khen. Trong đó điển hình như tấm gương của CCB Phạm Ngọc Thành (ở xã Đại Quang, Đại Lộc) đã thành lập được công ty chuyên về khai thác, chế biến nguyên vật liệu xây dựng, thi công các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi; một công ty khai thác nông lâm sản, gia công mộc dân dụng, trang trí nội thất và một trang trại chăn nuôi, trồng rừng với 8,5ha, nuôi gần 10 nghìn con gà siêu trứng, 5.000 con cá trê lai, với tổng doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Cá nhân CCB Phạm Ngọc Thành được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen không chỉ bởi làm kinh tế giỏi mà còn là một CCB tích cực trong công tác an sinh xã hội. vừa làm kinh tế giỏi, CCB Phạm Ngọc Thành còn dành khoảng 500 triệu đồng để giúp đỡ hội viên CCB thoát nghèo và làm phúc lợi địa phương. Ngoài ra còn trích khoảng 2 tỷ đồng cho anh em hội viên CCB khó khăn mượn để kinh doanh, xây dựng nhà cửa, mua phương tiện trong sinh hoạt đời sống gia đình…

Theo báo cáo của Hội CCB tỉnh, đến tháng 6.2016, toàn tỉnh có 111 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 6 hợp tác xã, 35 tổ hợp tác, 109 trang trại và 1.241 gia trại do CCB làm chủ; hơn 13 nghìn hộ CCB đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, 3.688 hộ CCB đạt danh hiệu cấp huyện, 661 hộ CCB đạt danh hiệu cấp tỉnh và 12 hộ CCB đạt danh hiệu cấp trung ương.

Ông Châu Khắc Tạo - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết, việc chăm lo đời sống hội viên, xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của hội CCB các cấp. Đồng thời là chất “keo” gắn kết giữa hội viên với tổ chức hội và là nghĩa cử cao đẹp, là bản chất của “Bộ đội Cụ Hồ”. Hàng năm, các cấp hội tiến hành rà soát, nắm bắt đời sống hội viên để xác định được nguyên nhân nghèo của hội viên, từ đó tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng, khả năng của từng hộ để có phương pháp hỗ trợ, giúp đỡ thoát nghèo.

Theo báo cáo tổng kết trong 5 năm (từ năm 2011 - 2016), hội CCB các cấp trong tỉnh đã giảm được 2.464 hộ CCB nghèo và 1.624 hộ CCB cận nghèo. Trong đó, tính đến tháng 6.2016 đã có 121/244 hội cơ sở không còn hội viên CCB nghèo và 4/18 huyện, thị xã, thành phố hết CCB nghèo là Tam Kỳ, Hội An, Duy Xuyên và Đại Lộc. Ông Tạo cho biết, qua phong trào, Hội CCB tỉnh đã rút ra những kinh nghiệm và bài học để tiếp tục thực hiện phong trào có hiệu quả trong thời gian đến. Đó là cần lấy việc phát triển kinh tế hộ làm hướng cơ bản giúp nhau thoát nghèo; khuyến khích hộ khá, giàu phát triển các loại hình kinh tế, kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, doanh nghiệp, dịch vụ… Phát huy có hiệu quả nguồn vốn tự có, vốn nội bộ, cả công sức, kinh nghiệm, kỹ thuật và tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài như vốn vay giải quyết việc làm, vay ủy thác Ngân hàng Chinh sách xã hội…; đồng thời gắn hoạt động của hội với việc tham gia thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

ANH ĐÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO