Ở tuổi 70, ông Đỗ Ngọc Xướng (tổ 1, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) vẫn tìm cách để tạo điều kiện tốt nhất cho thân nhân gia đình liệt sĩ tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ.
Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn in hằn trong ký ức những người từng tham gia kháng chiến. Đó là nỗi đau mất đi những đồng đội thân yêu, vào sinh ra tử; nỗi đau của những gia đình có người thân hy sinh nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt… Có người ra đi, có người may mắn sống sót. Như ông Đỗ Ngọc Xướng, tham gia chiến đấu 18 năm tại chiến trường miền Nam và nước bạn Campuchia may mắn sống sót và giữ chức vụ Phó Tham mưu trưởng tại Sư đoàn 2, Quân khu 5. Năm 1988, ông nghỉ hưu và trở về tham gia các công tác tại địa phương. Với tư cách là người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) thị trấn Hà Lam và sau là Chủ tịch Hội CCB huyện Thăng Bình, ông luôn xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ thân nhân sớm tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ.
Nhận thấy các gia đình liệt sĩ không hiểu được tình hình chiến trường và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin liệt sĩ, ông Xướng đã phối hợp với phòng chính sách các huyện Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành… nắm danh sách các liệt sĩ đã được quy tập vào nghĩa trang để thông tin đến thân nhân. Để có thể giúp đỡ cho thân nhân còn đang mập mờ trong việc xác định thông tin ban đầu (tên liệt sĩ, quê quán, đơn vị công tác, cấp bậc, ngày hy sinh, nguyên nhân hy sinh), ông Xướng đã liên lạc với đồng đội ở phía Bắc để mượn chiếc đĩa CD lưu trữ thông tin ban đầu của toàn bộ 28.700 liệt sĩ hy sinh trên khắp chiến trường. Ông cũng đã cung cấp danh sách liệt sĩ đến các tỉnh thuộc Sư đoàn 2 Quân khu 5 và tích cực phối hợp cùng ban liên lạc CCB nhiều tỉnh thành trên cả nước để thông báo cho gia đình liệt sĩ biết.
Hơn cả trách nhiệm đó là tấm lòng, là tâm huyết của người CCB dành cho những đồng đội đã ngã xuống. Từ những cuộc điện thoại gọi đến của người thân các gia đình liệt sĩ nhờ xác minh thông tin ban đầu, ông sẵn sàng đồng hành với họ trong việc tìm kiếm và cất bốc hài cốt tại các xã, thị trấn thuộc huyện Thăng Bình. Ông nói: “Để tìm kiếm được nơi chôn cất liệt sĩ cũng khá khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải có lòng kiên trì, nhẫn nại bởi có rất nhiều trường hợp sai họ tên, tên lót, quê quán… Thêm vào đó là bây giờ nhiều địa danh đã thay đổi nên chỉ những người tham gia chiến đấu hay những người bám trụ ở đó mới có thể xác định được các liệt sĩ được chôn cất ở đâu”. Những trường hợp có tên, có phần mộ trong và ngoài nghĩa trang đã khó tìm, những phần mộ vô danh lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng, nhiều năm qua ông vẫn không ngại khó, ngại khổ, tận tình giúp đỡ, hướng dẫn các thân nhân ở nhiều tỉnh phía Bắc khi vào đây tìm hài cốt liệt sĩ. Hàng năm có đến vài ba chục thân nhân tìm đến, xin ăn ở tại nhà ông và một số cán bộ khác. “Nhiều gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng họ vẫn lặn lội hàng nghìn cây số vào đây để tìm cho bằng được hài cốt người thân. Nếu nhanh thì khoảng 4 - 5 ngày, lâu thì cũng phải nửa tháng họ mới tìm được nên vợ chồng tôi cùng một số anh chị em đồng đội cũ luôn cố gắng tìm mọi cách để hỗ trợ tốt nhất về nơi ăn, chốn ở, đi lại cho họ” - ông Xướng nói thêm.
NGUYỄN ANH