Khắp nơi trong tỉnh, nhiều hội viên cựu chiến binh (CCB) đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường thi đua phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Mạnh dạn làm giàu
Có dịp đến thăm trang trại nuôi heo của gia đình CCB Nguyễn Sáu (khối phố Hà My Tây, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) với quy mô lên đến hàng nghìn con, chúng tôi không khỏi thán phục. Ông là một trong những hội viên CCB, nông dân tiêu biểu ở Điện Dương đã mạnh dạn, đi đầu phát triển chăn nuôi heo theo mô hình trang trại tập trung. Sự mạnh dạn, liều lĩnh nằm ở chỗ, cách đây gần 15 năm ông đã dám đầu tư gần 500 triệu đồng (trong đó có 200 triệu đồng vay từ Ngân hàng NN&PTNT) để xây dựng trang trại. Ông bảo: “Muốn khấm khá thì phải liều thôi!”.
Từ sự liều lĩnh đó mà ông đã xây dựng được 3 trang trại chăn nuôi heo tập trung theo mô hình liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định. Điều đáng nói, hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi đang lây lan khắp nơi thì trang trại heo của ông Sáu không hề bị ảnh hưởng, nhờ mô hình chăn nuôi khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh chuồng trại.
Ở xã Trà Giang (Bắc Trà My), CCB Hồ Thanh Hà là điển hình tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế giỏi. Mô hình VCA kết hợp giữa trồng keo, quế, cây ăn quả với nuôi cá, heo, dê… của gia đình CCB Hồ Thanh Hà đã trở thành điểm sáng để người dân địa phương đến học hỏi cách làm ăn. Ông Hà còn được ví là “ông trùm” về nuôi ong lấy mật, khi có trong tay 2.000 đàn ong nuôi, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động của địa phương.
Ông Hà cho biết, thu nhập từ nuôi cá, heo đen, heo rừng, dê và mật ong bình quân mỗi năm 200 - 300 triệu đồng. Đó là chưa kể nguồn thu từ trồng keo, quế và cây ăn quả. Gia đình ông đã xây dựng nhà cửa khang trang và chăm lo chu đáo cho 2 con học đại học...
Hay như ở vùng đất cát Bình Sa (Thăng Bình), CCB Trần Văn phát đã đi đầu trong việc biến vùng đất bạc màu ở quê trở thành vựa rau cung cấp cho thị trường, với đầu ra và thu nhập ổn định. Khác với nhiều người, chủ yếu trồng rau vào vụ đông, ông Phát mạnh dạn thuê 3ha đất để trồng rau an toàn vụ hè. Với bản chất người lính cần cù, chịu khó, ông Phát đã thành công với hướng đi của mình, khi giá rau vụ hè thường tăng 2 - 3 lần so với vụ đông. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư nuôi trâu, gà thả vườn, mua máy gặt liên hợp…, mỗi năm tạo nguồn thu hơn 200 triệu đồng.
Giúp nhau vượt khó
151 địa phương cấp xã không còn hộ cựu chiến binh nghèo
Trong 5 năm qua, toàn hội góp vốn quay vòng cho hội viên vay không tính lãi tổng số tiền 367 tỷ đồng; các cấp Hội CCB trong tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa, nâng cấp 617 nhà cho hội viên CCB với số tiền hơn 59 tỷ đồng; xây dựng quỹ hội với số tiền hơn 84 tỷ đồng. Với nhiều cố gắng, nỗ lực, trong giai đoạn 2014 - 2019, toàn tỉnh giảm được 1.903 hộ CCB nghèo và 2.280 hộ CCB cận nghèo. Đến nay, 6/18 huyện, thị xã, thành phố và 151/244 xã, phường, thị trấn không còn hộ CCB nghèo.
Khi về với đời thường, không ít hội viên CCB còn gặp khó khăn trong cuộc sống, và từ đó đã ra đời phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Phong trào không chỉ đã khơi dậy tình đồng chí, đồng đội, tình bạn chiến đấu, tinh thần tự lực, tự cường mà còn giúp CCB có hoàn cảnh khó khăn từng bước nâng cao đời sống và vương lên làm giàu chính đáng. Họ đã giúp nhau bằng những việc làm nghĩa tình như góp vốn quay vòng cho hội viên vay không tính lãi, xây dựng quỹ hội, quỹ đồng đội để giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, nhiều CCB có cuộc sống đời thường giản dị, biết yêu thương, đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ nhiều đồng đội cùng vươn lên. CCB Nguyễn Ngọc Sáu (khối phố Xuyên Tây 1, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) là một trong những điển hình như vậy.
Bên cạnh là ông chủ một công ty sản xuất gạch, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục công nhân, lao động địa phương, ông Sáu còn đảm nhận vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng CCB khối phố. Bản thân ông đã hỗ trợ kinh phí giúp xây dựng 4 căn nhà cho đồng đội là thương binh, vợ con liệt sĩ; tích cực cùng Ban liên lạc CCB E96 tìm kiếm được nhiều hài cốt liệt sĩ; hàng năm đồng hành với Hội CCB và Hội Chữ thập đỏ tặng quà cho CCB, người dân có hoàn cảnh khó khăn…
Ở thị trấn Nam Phước, mô hình góp vốn quay vòng không những giúp CCB trong phát triển kinh tế mà cũng là cầu nối gắn kết hội viên Ông Văn Bá Ảnh - Chủ tịch Hội CBC thị trấn Nam Phước cho biết, đến nay toàn hội có 39 tổ góp vốn quay vòng, thu hút 379 hội viên tham gia với tổng số tiền góp vốn trong 5 năm qua đạt hơn 20,5 tỷ đồng. Cùng với nguồn vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trong giai đoạn 2014 - 2019, hội viên CCB thị trấn đã mua sắm được nhiều đồ dùng có giá trị phục vụ sinh hoạt, nâng cấp sửa chữa 12 căn nhà, mua sắm 3 máy gặt đập liên hợp, 5 máy cày và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nguồn vốn quay vòng cũng đã góp phần hỗ trợ rất lớn cho 52 con em đang theo học cao đẳng, đại học.
Ông Ảnh nói: “Hiệu quả của mô hình góp vốn quay vòng đã tạo sức bật cho hoạt động hội, cải thiện đời sống hội viên, góp phần giảm nghèo bền vững. Đến nay Nam Phước không còn hội viên CCB thuộc diện hộ nghèo”.