Trở về sau chiến tranh với thân thể không lành lặn, cựu chiến binh Lê Quang Châu (tổ 21, thôn Châu Lâm, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình) vẫn hăng hái tham gia các hoạt động tại địa phương. Ông là người luôn đi đầu và vận động người dân xung quanh trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Năm nay đã gần 70 tuổi nhưng ông Châu vẫn luôn tất bật với công việc đồng áng của gia đình. Trời nắng gay gắt, ông vẫn đứng trần ngoài sân lật từng cây mè vừa nhổ để kịp phơi bán cho thương lái. Ở xứ này, năm nào vào vụ hè thu ruộng đồng cũng thiếu nước, nhiều người bỏ đất hoang nhưng gia đình ông vẫn nỗ lực trồng được 3 sào mè tươi tốt. Vừa đập đập mấy bó mè, ông Châu khoe: “Đất này không cho cây lúa vụ này lên thì mình chuyển sang trồng mè. Ba sào mè nhà tôi vẫn cho thu nhập 15 triệu đồng/vụ, hơn trồng lúa gấp nhiều lần”.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, mới 17 tuổi ông Châu đã hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Trong một trận đánh vào tháng 5.1972 tại ấp Tú Trà (xã Bình Tú, Thăng Bình), ông cùng đồng đội đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ cơ sở cách mạng. Và trận đánh ấy toàn thắng, nhưng ông đã phải mất một cánh tay. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông trở về địa phương với cơ thể đầy thương tích. Năm 1984, ông được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Với cương vị là đảng viên, ông luôn ý thức trách nhiệm của mình là phải đi đầu trong các phong trào. Ông liên tục giữ nhiều chức vụ quan trọng của xã và luôn tham mưu tốt cho địa phương thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Ông tâm niệm, mình không làm gì to tát, chỉ cần bản thân mình tiên phong trong mọi hoạt động thì mọi người xung quanh, nhất là hàng xóm của mình thấy được sự đổi thay đó.
Những năm qua, hộ ông Châu là một trong những gia đình tiêu biểu để bà con lối xóm nêu gương. Khi địa phương phát động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, bản thân ông gương mẫu đi đầu trong việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống chuồng trại tại gia đình cũng như xây dựng tường rào cổng ngõ, chỉnh trang vườn theo tiêu chí nông thôn mới. Ngoài ra, ông còn vận động bà con, lối xóm xung quanh thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. “Không phải cứ đổ gạch, đá rầm rầm rồi xây cái tường cao to, bề thế. Mình phải tận dụng cái gì sẵn có, như tường rào đâu phải xây bằng xi măng thì tốt, gia đình nào có bờ cây xanh xung quanh thì mình nói họ cắt tỉa cho gọn trở thành một bờ rào là đủ. Đối với chuồng trại, người dân mình vẫn quen “con trâu là đầu cơ nghiệp” nên họ khó thay đổi thì trước tiên mình vận động họ phải đảm bảo vệ sinh trước rồi từ từ khuyên nhủ, dần dà họ thấy vấn đề thì tự khắc họ sẽ thay đổi thôi...” – ông Châu nói.
GIANG BIÊN