Đều trưởng thành trong quân đội, những cựu chiến binh (CCB) hôm nay lại tiếp tục cống hiến sức mình cho xã hội.
1. CCB Nguyễn Toản Nhung, Chủ tịch Hội CCB xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Bí thư Chi bộ thôn Hương Quế Trung, xã Quế Phú để lại ấn tượng với người khác bằng đức tính mẫu mực, thẳng thắn và đầy trách nhiệm. Ông Nhung cũng nói rằng đó là tâm niệm của ông khi thực hiện lời hứa trước Đảng, trước dân. Ông là người có ý tưởng và vận động được 83 triệu đồng làm kỷ yếu cho Hội CCB xã kỷ niệm 25 năm ngày thành lập. Đầu năm 2015, ông mời đoàn nghệ thuật Hội An về phục vụ cho dân 1 đêm. Lợi nhuận từ đêm diễn, ông mua 2 con bò với giá 20 triệu đồng hỗ trợ cho hội viên khó khăn, có nguyện vọng phát triển kinh tế gia đình. Ông cho rằng: “Phai nhạt lý tưởng nhất định sẽ mất mát. Cái lớn mà người CCB xem trọng trong cuộc sống là giá trị của sự mẫu mực để thể hiện xứng đáng cho thế hệ trẻ noi theo”. Bằng tất cả tâm huyết, ông đã đưa chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh trong 4 năm (2011 - 2014). Bản thân ông là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 3 năm liền và nhận được nhiều giấy khen của UBND cấp huyện, tỉnh.
Xưởng làm chổi của ông Nguyễn Nhất Tuấn. Ảnh: B.T.T.M |
2. Sau khi trở về từ Viện Kiểm sát quân sự, CCB Nguyễn Nhất Tuấn (Duy Trinh, Duy Xuyên) đã phát triển ngành ươm tơ và làm chổi đót. Ông chia sẻ: “Để phát triển và gìn giữ được nghề thì phải hiểu nghề, hiểu tâm lý người lao động và hiểu thị trường. Ngoài ra, yếu tố tận tụy trong công việc là cốt yếu để phát triển bền vững. Ông cho biết, trên quê hương của bà chúa tằm tang, ươm tơ được xem là nghề truyền thống. Rất nhiều người đến đây để học hỏi nhưng vẫn không thể làm được. Để làm tốt, người thợ cần phải nắm được yếu tố kỹ thuật. Những con kén tốt có thể làm được loại tơ tốt từ tơ 20 - 22 đến 28 - 30, 80 - 50, DU7, thao càng... Con tằm trong 3 ngày kén thì phải được ăn dâu ngon, tốt, đủ mới có thể nhả tơ tốt. Khi con tằm lên bủa phải dày lửa (bỏ tro, than cho có độ nóng) trong 3 ngày 3 đêm. Có con kén tốt, người ươm tơ phải thật tinh mắt, kéo sợi tơ cho đều, nắm được bao nhiêu con kén trên sợi tơ . Để ra sợi tơ tốt nhất 20 - 22 thì cần từ 7 - 8 con kén. Chổi đót có nhiều loại như chổi mây, chổi rén, chổi nhựa, chổi hộp, chổi hát…. Cơ sở của ông khoảng 25 người, gồm cả người già và người tàn tật. Có nhiều người đã gắn bó với ông từ những năm 90. Trong quá trình phát triển, ông mở rộng thị trường ra các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Lâm Đồng…. Với ông, người chủ là người làm cả những việc không tên. Và sự miệt mài, tinh ý, nhiệt tình, luôn luôn học hỏi là con đường dẫn đến thành công.
3. Sau bao năm bôn ba, vất vả mưu sinh, CCB Huỳnh Đăng Khôi (thôn Hội Tường, xã Bình Lâm, Hiệp Đức) chọn nơi chôn nhau cắt rốn làm điểm dừng và phát triển kinh tế với mô hình du lịch sinh thái mang tên Vạn Phúc đem lại hiệu quả kinh tế cao. Được rèn luyện từ quân ngũ, ông Huỳnh Đăng Khôi được tôi luyện tính chịu thương, chịu khó, cần cù, siêng năng và vững chí trước những khó khăn. Rời quân ngũ, ông về làm việc tại Hợp tác xã mua bán Bình Lâm và lập gia đình. Vì cuộc sống mưu sinh, ông dẫn vợ con vào Nam lập nghiệp. Ra đi với 2 bàn tay trắng, khởi nghiệp bằng nghề buôn vải rẻo; in lụa, in áo. Bốn năm sau ông đã thành lập được công ty vận tải giao thương không chỉ trong nước mà còn với cả các nước láng giềng như Lào, Campuchia… Cuộc sống bắt đầu dư dả, thế nhưng vì những nguyện vọng chưa thành, một lần nữa ông cùng gia đình từ bỏ sự nghiệp đang ăn nên làm ra về lại với quê nhà. Rời phố thị, vợ chồng ông sớm tối tất bật bên khu du lịch của gia đình. Với không gian 11ha, Khu du lịch sinh thái Vạn Phúc của ông được kết hợp hài hòa giữa hơn 4ha rừng quế, 3ha làm ao nuôi cá phục vụ cho nhu cầu câu cá du lịch và dịch vụ ăn uống tại chỗ. Diện tích còn lại, dùng để trồng cây ăn quả, xây dựng cảnh quan và các dịch vụ vui chơi, giải trí khác. Để đầu tư xây dựng khu du lịch này, gia đình ông đã bỏ ra trên 4 tỷ đồng. Được biết, trong những năm trước nơi đây chỉ là những cánh đồng bỏ hoang, sình lầy mọc đầy cỏ dại. Thế mà, từ đôi bàn tay của người lính năm xưa giờ đây đã trở thành một khu sinh thái mát lành, đầy tiềm năng. Khu du lịch sinh thái Vạn Phúc của ông hiện là địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng. “Đây là một mô hình mới, là điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế. Ngoài việc phát huy tiềm năng, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn, mô hình còn giải quyết công ăn, việc làm ổn định cho một số lao động ở địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, gia đình CCB Huỳnh Đăng Khôi tích cực đóng góp, ủng hộ các hoạt động, phong trào của địa phương” - ông Lê Tấn Quán, nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Lâm cho biết.
MINH-LINH-THỦY