Giới doanh nghiệp (DN) đón nhận thông tin việc ký kết của 7 ngân hàng và 14 DN mới đây trong việc mở rộng tăng trưởng tín dụng với những ý kiến trái ngược nhau. Nhiều người cho rằng đây là “hình ảnh lạ” khi việc cấp tín dụng cho DN là hoạt động bình thường của ngân hàng thì cần gì phải tổ chức lễ công bố; không ít người cho rằng sự kiện này cho thấy giới ngân hàng đã bắt đầu hé mở một con đường cho họ tiếp cận vốn khi bắt đầu nhìn vào tính khả thi của dự án để quyết định cho vay, nhưng thực tế không mấy DN có được khả năng tiếp cận nguồn vốn. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, ưu tiên chính sách hiện nay là giải quyết khó khăn của DN, của khu vực sản xuất vẫn là đắc sách hơn thay vì giải quyết nợ xấu. Lý do khiến nguồn tín dụng bị nghẽn chính là nợ xấu và hàng hóa ứ đọng. Vấn đề là phải tìm cho ra căn nguyên nợ xấu và những vấn đề cần giải quyết theo trật tự ưu tiên.
Đối với DN và ngân hàng, nợ xấu chỉ đến từ kinh doanh thua lỗ và hàng hóa ứ đọng. Nguồn gốc phát sinh nợ xấu là từ những yếu kém, sai lầm trong quản lý kinh tế. Trong những yếu kém chủ quan này có lẽ cần nhấn mạnh yếu kém trong công tác tín dụng ngân hàng, thể hiện trong cung cách làm việc máy móc lệ thuộc vào nguyên tắc cho vay “có vật chất đảm bảo” mà không thấy được rằng điều kiện bảo đảm hàng đầu cho tiền vay chính là tính khả thi và hiệu quả của dự án vay vốn. Tài sản thế chấp nhiều khi không bảo đảm thu hồi được tiền cho vay bởi bản thân các tài sản này chuyển hóa thành tiền cũng không dễ dàng gì. Có thể hiểu rằng chất lượng tín dụng là quan trọng. Nếu đồng vốn chảy vào những kênh đầu tư an toàn và hiệu quả thì tăng trưởng tín dụng cao chẳng có gì lo ngại, nhưng nếu tăng trưởng ít mà tăng vào các dự án kém hiệu quả thì sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng phải rõ một điều rằng, trên thương trường, những rủi ro kinh tế (khủng hoảng, lạm phát, biến động tỷ giá, điều chỉnh chính sách, thay đổi pháp luật…) là điều khó tránh, được kinh tế thị trường và pháp luật chấp nhận. Biểu hiện rõ nhất là pháp luật thuế cho phép trích lập dự phòng rủi ro vào kết quả kinh doanh.
Nếu thực tâm đẩy vốn ra nền kinh tế, ngân hàng có thể tìm cách hỗ trợ DN có nợ xấu bằng cách miễn, giảm lãi suất so với lãi ký kết trong hợp đồng tín dụng để DN có thể trả gốc, lãi. Có thể cơ cấu lại nợ, tức là kéo dài thời gian trả nợ, giúp DN giảm được số tiền gốc phải trả cho mỗi lần. Hoặc với lãi vay, thay vì phải trả hàng tháng thì cho phép DN trả theo quý, sáu tháng hay một năm (nhưng không được chuyển sang nợ quá hạn) và ngân hàng ngồi lại với DN để tính toán, xem xét cho vay các thương vụ khác có thể tạo ra nguồn thu nhập mới. Như vậy DN mới có tiền trả nợ quá hạn và tiếp tục kinh doanh. Ngân hàng thương mại cần nới lỏng điều kiện cho vay, tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ và sử dụng các biện pháp khác để hỗ trợ DN. Thậm chí khi nền kinh tế khó khăn, việc đảo nợ dù là một hiện tượng xấu, nhưng một khi nó còn có tác dụng như một phao cứu sinh cho DN và trở nên phổ biến thì giới ngân hàng cũng cần xem xét nguyên nhân và vai trò của hoạt động đảo nợ (nhất là với các DN lành mạnh tài chính nhưng bị khó khăn bất ngờ), để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.
TÙY PHONG