Cứu đuối chuỗi cung ứng

ĐĂNG QUANG 01/08/2021 06:32

Nhiều ngày qua và dự báo sắp tới, hai chuỗi cung ứng hàng hóa cho doanh nghiệp cũng như cho sinh hoạt đời sống đều gặp vấn đề rắc rối, thậm chí có lúc có nơi đứt gãy, đuối sức.

Trạng thái buồn bực bao trùm không khí sinh hoạt đời sống ở nhiều cộng đồng bị phong tỏa, khi hàng hóa ách tắc lưu thông. Chuyện hàng có thiết yếu hay không làm nổ ra những cuộc tranh cãi vô tiền khoáng hậu.

Không đơn giản là ổ bánh mì hay bó rau, mà còn rất nhiều thứ gây đau đầu để phân tích gọi là cần thiết cho người này, trường hợp này nhưng không thiết yếu cho người khác, trường hợp khác. Độ vênh trong sai lạc về cách hiểu hàng hóa thiết yếu giữa những người “gác cổng kiểm soát” với người dân, dẫn đến nhiều tình huống khóc dở, mếu dở.

Thêm nữa, người thực thi công vụ và người dân sẽ còn va chạm nhau ở khu vực kiểm soát lưu thông khi mỗi ngành chức năng và mỗi địa phương lại sa vào chuyện ban hành văn bản giải thích, liệt kê, kể lể các loại hàng hóa có thể được chấp nhận nơi này mà từ chối ở chỗ khác.

Bộ Công Thương nhận định là khi một số tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã xuất hiện tình trạng lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa. Dù nhận định đúng như vậy nhưng ngày 27.7 Bộ Công Thương lại có văn bản hỏa tốc đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông. Dự báo nếu các địa phương thực hiện theo đề xuất này sẽ lại đuối đơ vì phải giải thích thế nào là hàng cấm? Tại sao cấm hàng này mà không cấm hàng kia? Luật nào cho cấm?v.v.

Chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ sinh hoạt đời sống thực tế đã đứt gãy cục bộ nhiều nơi khi lực lượng vận chuyển giao hàng (shipper) cũng phải chạy rát mặt bở tai vì nhiều thứ giấy tờ, thủ tục qua chốt kiểm soát. Mới đây lại có đề nghị giải quyết cho lực lượng này được vận hành, tuy nhiên nhiều nơi còn vướng, nhất là quá nhiều người không được ưu tiên tiêm vắc xin từ sớm, thiếu điều kiện phòng dịch an toàn.   

Điều đáng lo hơn là chuỗi cung ứng hàng hóa đầu vào và đầu ra cho doanh nghiệp. Nhiều nhà phân tích đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ đứt chuỗi vận tải vì các quy định test Covid-19 kéo dài, vì giấy phép chồng chéo và vì các quy định về hàng hóa thiết yếu mỗi nơi mỗi kiểu làm kiệt sức doanh nghiệp

Đáng ngại là lượng văn bản mà địa phương, bộ ngành ban hành quá nhiều đến mức doanh nghiệp không nhớ nổi và lại vênh nhau. Đơn cử như văn bản Chính phủ chỉ đạo các chốt kiểm soát không chặn xe chở hàng hóa thiết yếu, nguyên liệu sản xuất kể cả chưa có QR code…, nhưng nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng Hải Phòng vẫn chặn các xe lại, kiểm tra đầy đủ QR code và giấy xét nghiệm RT-PCR mới cho qua.

Tình hình còn phức tạp thêm khi tưởng rằng phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” sẽ là cây gậy thần cho phép doanh nghiệp duy trì được chuỗi cung ứng và sản xuất, tuy nhiên ngày 29.7 rủi ro đã xuất hiện ở nhiều nơi, đặc biệt là Tiền Giang.

Tại địa phương này có nhiều doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, tức sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ trong các khu, cụm công nghiệp, vẫn bị phát sinh ca nhiễm, và chính quyền buộc phải quyết định tạm dừng hoạt động.

Hiện tại, việc ưu tiên vẫn là phòng chống dịch nhưng nếu để chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy đến mức đuối luôn, doanh nghiệp phá sản thì mục tiêu kép làm sao đạt được?

Nhìn từ Tiền Giang, thấy Quảng Nam cũng có điểm tương đồng khi có nhiều khu, cụm công nghiệp, có doanh nghiệp từ vài ngàn đến cả vạn công nhân, nên cần phải có phương án cứu đuối chuỗi cung ứng để duy trì sản xuất, kinh doanh. Và chính quyền cần xắn tay áo vào cuộc bằng giải pháp cụ thể chứ không phải hô hào suông!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cứu đuối chuỗi cung ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO