Nhắc lại việc cưu mang nhiều học sinh địa phương có gia cảnh khó khăn và nguy cơ bỏ học giữa chừng trong suốt 15 năm liền, chị tâm sự: “Khó khăn đến mấy cũng ráng tiếp sức cho chúng nó để không dang dở cái chữ…”. Chị là Võ Thị Viết - nhân viên bảo vệ trường THCS Tam Lộc (huyện Phú Ninh).
Nếu không có chị Viết, con đường học vấn của em Lê Thành Long chỉ dừng lại ở cấp tiểu học. |
Tại phòng công vụ của trường, nơi sinh hoạt của chị Viết từ khi lên đây công tác có một chiếc bàn học nhỏ. Đây là chỗ học tập của nhiều học sinh được chị cưu mang. Tính đến nay đã có 8 em học sinh được chị Viết nuôi ăn ở tại ngôi trường trong suốt khóa học. Tiếp xúc với chúng tôi, người đàn bà dung dị này cho biết chị gắn bó với tiếng trống, sân trường đã ngót 35 năm. Gốc quê Tam Phước, hơn 55 tuổi đời, chị vẫn sống vậy, đơn chiếc. Thay vào đó, chị lại có nhiều “đứa con” để bảo bọc, bầu bạn. Chị kể, năm 1999, một cô bé tên Đỗ Thị Thu Vân mới bước vào lớp 6 và có gia cảnh rất nghèo. Sau một thời gian mẹ góa con côi, mẹ của Vân vào Nam lấy chồng. Trước khi đi, người này đem con đến gửi gắm cho chị. Không quen biết, chị vẫn gật đầu. “Lúc đó mình không giúp thì cháu nó ở với ai, lại không có họ hàng thân thích. Thôi thì hai cô cháu có rau ăn rau, có cháo thì cùng ăn cháo vậy!” - chị nhớ lại. Tiền lương tháng của chị thời điểm đó là 280 nghìn đồng. Nào may áo quần, sắm sách vở, tiền học phí cho Vân, ngoảnh lại tiền lương chẳng thấm vào đâu, thế là chị đi xoay xở. Nuôi Vân 4 năm, cô học trò này hoàn thành chương trình trung học và tiếp tục học lên nữa. Vân ra ở riêng trọ học cấp 3, thi thoảng về thăm “nhà”, chị lại dúi vào túi cô bé này vài chục nghìn đồng. “Nó là “đứa con đầu” của tui đó, bây chừ có nghề nghiệp ổn định rồi” – chị nói với ánh mắt mãn nguyện.
Tiếp đến đầu khóa học sau, chị Viết lại nhận nuôi một em nữa. Lo xong đứa này tốt nghiệp trung học, chị tiếp tục “tuyển sinh” đứa khác. Rất nhiều học sinh trường này có hoàn cảnh khó khăn, chị muốn giúp lắm nhưng không kham nổi. “Tui nhờ ban giám hiệu nhà trường xem xét gia cảnh cháu nào mồ côi, không có chỗ dựa, nguy cơ phải bỏ học để nhận đỡ đầu. Giúp được các cháu chừng nào thì hay chừng đó thôi. Có nhiều đứa nhà nghèo nhưng sáng dạ lắm!” - chị tâm sự.
Bốn năm sống dưới “mái nhà chung” này, các em được “mẹ Viết” săn sóc như chính con đẻ. Đang được “mẹ Viết” nuôi ăn học, em Lê Thành Long (lớp 7.2, trường THCS Tam Lộc) tâm sự: “Em không có ba, mẹ thì bỏ đi từ khi em mới được 8 tháng. Từ nhỏ em sống với bà ngoại, vì gia đình khó khăn nên em định xong cấp 1 là thôi học. Khi được mẹ Viết đến nhà động viên và lo cho ăn học nên em mới có điều kiện tiếp tục được đến trường”. Những em được chị Viết cho ăn học, có người học xong lớp 9 rồi ra học nghề đi làm, cũng có những em hiện đang theo học cấp 3, và đặc biệt “đứa con đầu” là Đỗ Thị Thu Vân đã tốt nghiệp đại học và đang công tác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Với chị, hạnh phúc là khi những “đứa con” quay về thăm chị, thăm “nhà”, thăm trường. Nơi này, nhiều em được chị đùm bọc, chắp cánh cái chữ.
VĂN HÀO