Thỉnh thoảng lại có một vụ việc xảy ra làm người ta nhận thấy sự bất cập trong các nghị định, quy định, quy chế… trong việc giải quyết các vấn đề thực tế của xã hội. Những quy định của một cấp ngành nào đó đưa ra để làm khuôn thước, thay vì tạo thuận lợi cho người dân và cơ quan chức năng trong các quan hệ hành chính, có lúc lại trở thành một rào cản đối với công dân, và trói tay trói chân các hành xử của các cấp thừa hành.
Câu chuyện ba chàng trai ở Đông Giang cứu giúp người tai nạn giao thông, bị nguy cơ phơi nhiễm HIV từ nạn nhân, khi đến Trung tâm Phòng chống HIV tỉnh điều trị, đã không được miễn phí thuốc và chi phí điều trị bởi “không thuộc diện đang làm nhiệm vụ” – người có tiền bỏ ra mua thuốc thì được uống, người không tiền đành xuôi tay ra về với nỗi lo bị phơi nhiễm. Đây là thông tin trên các báo (Công Lý online, Nguoiduatin.vn, Công Thương điện tử, Quảng Nam điện tử) cuối tuần qua.
Câu chuyện nghe quen, bởi nó tương tự như một vụ ở Kon Tum năm trước từng làm báo chí tốn bao nhiêu giấy mực. Khi đó cơ quan chức năng cũng đã lúng túng khi phải xác định ai thuộc hay không thuộc diện được điều trị miễn phí. Hình như các vụ việc này chưa đủ nghiêm trọng để ngành y tế có động thái xem lại các quy định liên quan đến việc hỗ trợ những người tình nguyện, hay có một cơ chế linh động áp dụng cho những trường hợp tương tự.
Nói theo lối ông bà ta xưa, đó là những quy định “bất cận nhân tình”. Ấy là luật lệ đặt ra để phục vụ đời sống, làm cho các quan hệ xã hội hài hòa, mang lại hạnh phúc cho cộng đồng – thì ngược lại, gây lúng túng khó xử, thậm chí làm phương hại đến quyền lợi của những người liên quan.
Tai nạn chẳng bao giờ hẹn trước lúc nào ở đâu. Thử hỏi một người trước khi đưa tay cứu nạn, cứ phải cân nhắc rằng, nạn nhân đó có bị HIV không? Lỡ bị lây nhiễm HIV thì có được cấp thuốc không? Mình có tiền mua thuốc chống phơi nhiễm không?… Chừng đó lo âu thì còn mấy ai dám/ kịp ra tay cứu nạn?
Mấy câu hỏi đặt ra để chất vấn sự bất cập trong quy định về “làm nhiệm vụ” trong các tình huống cứu nạn. Tin chắc rằng dù thế nào, những người cứu hộ bất đắc dĩ cũng sẽ ra tay mà không cần suy tính thiệt hơn. Nhưng vạn nhất gặp sự xui rủi, họ có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV (hay lây bệnh nguy hiểm bất kỳ từ nạn nhân) và cần được chữa trị, thì phải đối diện với cái quy định rằng bạn không được hỗ trợ, vì bạn không thuộc diện này diện nọ… Sự bẽ bàng đó có lẽ làm họ tổn thương hơn là vài triệu đồng phải bỏ ra để trả cho một lần làm người tốt.
Điều ấm áp là trong các trường hợp loại này được ghi nhận, các cơ sở y tế đã linh động “phá rào” để miễn phí cho những người bị phơi nhiễm vì cứu hộ nạn nhân. Tuy nhiên xét khía cạnh pháp lý, đó lại là điều không thể khuyến khích. Hãy tạo môi trường luật lệ công minh, và tuân thủ nghiêm cẩn, thì tốt hơn là tạo tiền lệ cho sự nhờn luật, dù nhân danh bất cứ điều gì.
C.B.L