Người cựu tù Côn Đảo, người chiến sĩ cách mạng tiền bối Trần Văn Truyền là một chứng nhân lịch sử của quê hương, suốt đời cống hiến hy sinh như tinh thần trong một câu thơ ông đã viết nơi ngục tù Côn Đảo: “Cần chi lo nghĩ còn hay mất/ chỉ sợ chưa tròn sự nghiệp chung”.
Sinh năm 1923, ông Trần Văn Truyền - một lão thành cách mạng ngụ khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ năm nay đã 100 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng. Lớp thế hệ những chiến sĩ cách mạng tiền bối như ông giờ đây hầu như đã qua đời.
Đến thăm ông trong những ngày tháng Bảy này lòng chợt chạnh buồn, khi thấy ông như ngọn đèn trước gió. Nhớ những lúc còn khỏe, được ngồi bên ông để nghe về những năm tháng cuộc đời, ông từng tâm sự: hơn 8 năm bị địch đày ải nơi ngục tù Côn Đảo (1957 - 1964), mới thấm thía câu nói: Có nơi đâu trên trái đất này, ngục tù là mái trường tôi luyện phẩm chất và khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.
Hồi ức của người cách mạng
Ông Trần Văn Truyền kể câu chuyện đau buồn của gia đình: “Mẹ mất sớm, người em thứ 5 của tôi mới ra đời, trong tình cảnh đó tôi phải bồng em xin sữa để có cái bú mớn, chăm bẵm bằng tình thương của người anh khi ba đi lính lệ cho Pháp luôn phải xa nhà.
Mẹ mất rồi các em kế cũng nheo nhóc lo cái ăn cầm bữa. Thế rồi được sáu tháng thì em mất, hai người em kế do đói khát cũng sinh bệnh tật qua đời sau đó không lâu. Tủi hận, khổ không nói hết”.
Trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo như vậy, ông Truyền vẫn quyết tâm học cả chữ quốc ngữ lẫn chữ Nho để có thể mở được lớp học tại nhà cho con em người dân trong làng không có điều kiện học hành.
Tháng 3/1945, ông được giao nhiệm vụ Tổ trưởng tự vệ cứu quốc ở làng Hương Trà. Thế rồi chàng trai trẻ quê đất Tam Kỳ, xứ Quảng ngày ấy đón chờ và đi theo cách mạng bằng cả nhiệt huyết, được lý tưởng của Đảng dẫn đường.
Kề sát ngôi nhà của ông Truyền hiện nay là đình Hương Trà - một di tích lịch sử cấp tỉnh. Giai đoạn 1930 - 1945, ngôi đình là nơi gặp gỡ, hội họp của các chiến sĩ cách mạng tiền bối tên tuổi như Võ Chí Công, Khưu Thúc Cự, Lê Võ Tố, Hồ Ngọc Thành, Nguyễn Mại… Kỷ niệm gắn bó đời ông Truyền với ngôi đình bắt đầu từ hồi Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ông Truyền là người mở cửa đình gióng lên hồi trống đầu tiên ở Tam Kỳ để tập hợp dân chúng nổi dậy. Cách mạng tháng Tám thành công, đình Hương Trà được Liên khu 5 chọn làm nơi mở lớp huấn luyện quân đội, làm trụ sở tạm thời của Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Nam.
Cũng theo ông Truyền, thời Pháp thuộc đình Hương Trà còn được gọi là Hương đình tụ nghĩa. Bởi nơi đây vào những năm đầu thế kỷ 20, nhiều vị chức sắc của làng tham gia phong trào Việt Nam quang phục hội như cụ Trần Quang Xáng - hiệu Đông Anh, cụ Trần Can là lý trưởng đương thời của xã Tam Kỳ cũ, thường gọi là xã Mãi; cụ Võ Hàm là Tư văn của làng đã lấy ngôi đình làm nơi hội họp bàn thảo việc canh tân, chống sưu thuế. Sau này, cụ Trần Can bị địch bắt đày Lao Bảo rồi mất, cụ Trần Quang Xáng bị địch bắt rồi tra tấn đến chết ở Tam Kỳ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, đình Hương Trà là nơi chứng kiến tội ác tày trời của đế quốc Mỹ và bọn tay sai trong các chiến dịch tố Cộng, diệt Cộng những ngày tháng đen tối của chiến tranh.
Đó là những buổi dân chúng bị lùa ra đình, những vụ đàn áp dã man của quân thù ngay giữa sân đình. Vợ ông Truyền là bà Nguyễn Thị Biểu cũng bị địch tra đèn trước tượng Quan Công - biểu tượng tướng thần trung liệt được nhân dân thờ phượng tại đình.
Năm 1957, ông Truyền bị địch bắt. Biết ông không những tham gia mà còn lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, bọn địch đã tra tấn hết sức dã man tại hai nhà giam là An Trí và Chợ Cồn rồi sau đó mới đày ra Côn Đảo.
Tù Côn Đảo ở giai đoạn đặc biệt
Ông Trần Văn Truyền bị đày ra Côn Đảo ở giai đoạn chuyển tiếp về sự cai quản hệ thống nhà tù từ thực dân Pháp sang đế quốc Mỹ. Bởi sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, tù chính trị ở Côn Đảo gần như không còn, chỉ còn trên danh nghĩa một số thường phạm.
Đến đầu năm 1957, trên đảo có hơn 600 tù thường phạm bị lưu đày từ thời Pháp. Ông Truyền thuộc lớp tù chính trị đầu tiên cho một kế hoạch tái lập nhà tù Côn Đảo của chế độ Mỹ ngụy Sài Gòn. Và chỉ trong năm 1957, với 10 chuyến tàu bọn địch đã đưa ra đảo lưu đày 3.075 tù nhân.
Một điều không thể quên về một địa điểm ở Côn Đảo đó là khám 6, trại Phú Hải - nơi từng giam giữ các chí sĩ yêu nước quê Quảng Nam như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... Cũng tại nơi đây, trên bãi đất trống có một tấm bia khắc bài thơ nổi tiếng “Đập đá ở Côn Lôn” của Phan Châu Trinh.
Chỉ điều này thôi, dù phải chịu cảnh ngục tù nhưng người chiến sĩ cách mạng ấy vẫn quyết một lòng son sắt trong bài thơ viết nơi Côn Đảo: “Con xin gởi trọn lời thề/ Đá mòn mặc đá lời thề không phai” (Đất mẹ quê hương).
Cũng như nhiều bạn tù chính trị, ông Truyền đã đã bị nhốt ở xà lim, chuồng cọp nhiều lần và bị tra tấn rất dã man. Chủ trương của địch là đánh đập, hành hạ nhưng không cho người tù chết ngay, mà phải chết dần, chết mòn, phải chấp nhận yêu cầu của chúng là ly khai Cộng sản dù dưới hình thức một chữ ký hay một cái gật đầu. Hàng trăm anh em tù chính trị đã dũng cảm hy sinh trong các đợt đàn áp khốc liệt kéo dài từ năm 1957 - 1961.
Đơn cử như trường hợp ông Hoàng Dư Khương - nguyên Phó Bí thư xứ ủy Nam kỳ trong một đêm bị tra tấn gãy mất 7 xương sườn. Anh Huỳnh Văn Khi bị đánh trong đêm 27/2/1961 gãy 9 xương sườn, 2 xương quai xanh, chấn thương cột sống phải liệt một chỗ và qua đời 16 năm sau đó.
Trường hợp anh Nguyễn Vinh quê Bình Định là một trong số 18 anh em trong chuồng cọp cảm thấy không thể thoát khỏi cảnh chết chóc nên quyết định chọn cho mình cái chết sớm hơn.
Anh bẻ chiếc nẹp thiết thùng cầu mài sắc cắt đứt thanh quản, máu tuôn xối xả. Lúc này địch mới mang thuốc cầm máu vào, trước khi chích chúng hỏi anh có chấp nhận ly khai không. Anh lắc đầu thế là chúng bơm thuốc thẳng vào tường xà lim… 17 anh em còn lại lần lượt hy sinh hết 11.
Người hy sinh cuối cùng là anh Lưu Chí Hiếu, quê Nam Định - một công nhân, đảng viên công tác ở Sài Gòn. Tên anh sau này được đặt tên cho Đảng bộ nhà tù: Đảng bộ Lưu Chí Hiếu. Chỉ nhắc qua những điều này thôi cũng đủ thấy sự dã man, ác liệt như thế nào nơi ngục tù Côn Đảo.
Trọn đời cống hiến hy sinh
Ông Trần Văn Truyền cho biết, cuộc sống tù ngục của ông chính thức chấm dứt sau hơn 8 năm bị giam cầm nơi “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Tháng 10/1964, địch giở chiêu bài mới đó là dẫn độ ông cùng với khoảng 10 tù nhân khác về Quảng Ngãi để xử án. Cùng đi với ông trong chuyến dẫn độ này có một nhà sư ở chùa Từ Đàm (Huế). Vì cùng nhốt chung trên một toa tàu nên ông và vị sư đã có đôi lời, bắt chuyện qua lại.
Và vị sư ở chùa Từ Đàm này đã nêu phương châm sống: “Đạo Phật là từ bi… nhưng lẽ nào từ bi thì bó tay cho quỷ Sa Tăng ăn thịt”. Chính câu nói này đã thôi thúc ông Truyền quyết định nhảy tàu đoạn gần ga Tư Nghĩa. Đoạn này xung quanh nhiều đồi núi, có những khúc quanh… để trốn thoát, sau đó lần theo đường sắt về lại Quảng Nam móc nối cơ sở, hoạt động cách mạng trở lại.
Những năm 1970 - 1972, ông Truyền được đưa ra Bắc để chữa bệnh và học tập. Trải qua bao nhiêu gian khổ, hy sinh và một lòng sắt son với Đảng với nhân dân, sau ngày đất nước thống nhất, ông Truyền được giao nhiệm vụ về lại quê hương để làm Chủ tịch UBND thị xã Tam Kỳ trong gần 10 năm, giai đoạn 1976 - 1984, với nhiều đóng góp đáng trân trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê nhà, sau những năm chiến tranh tàn phá ác liệt.