Đi, là biết, phía trước chỉ có gian khó và cơ cực, là một tỉnh lỵ chưa rõ hình hài, bộn bề khó khăn. Hai mươi năm, họ đã cùng bước qua chặng dài đầy gập ghềnh trong hành trình phát triển. Để rồi hôm nay nhìn lại, họ có thể nhẹ lòng vì đã trọn phần chức việc của những con dân xứ Quảng.
Đường phố Phan Châu Trinh, thị xã Tam Kỳ trước ngày tách tỉnh (năm 1995). Ảnh: HUỲNH TRƯƠNG PHÁT |
TỈNH lỵ Tam Kỳ những năm 1997, trong ký ức của những chứng nhân mà tôi gặp, chỉ là vài ba đường nét phác thảo đầu tiên nhất của một bức tranh phố thị chưa nhìn rõ hình hài. Chỉ duy nhất quốc lộ, nay là trục đường Phan Bội Châu - Phan Châu Trinh được trải nhựa. Còn lại, là bụi đất đá cấp phối mù đường, là dăm ba hàng quán chỉ mở cửa vào buổi sáng, trừ Chủ nhật, và chuỗi dài sống tá túc trong nhà dân, trụ sở.
Phía cát bay…
“Tam Kỳ không có ngã ba, tìm không ra đèn xanh đèn đỏ”, ông Huỳnh Đây - nguyên Giám đốc Xí nghiệp in Báo Quảng Nam những ngày đầu (nay là Công ty CP In - Phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Nam) - nói với tôi như thế. Quyết định vào Quảng Nam lúc ấy, với nhiều người, là không ít đắn đo. Ông Đây, với 80 cán bộ công nhân, là 80 mảnh đời gắn với mình, những trăn trở có lẽ còn nhiều hơn gấp bội. Vậy mà đi. Đi, ngay khi biết chờ đợi mình ở nơi mới, chỉ là một nhà xưởng trống rỗng, đường đá cấp phối, mùa mưa bùn ngập lút chân, xung quanh là những lau lách um tùm, không một thiết bị máy móc… Và đợi mình ở đó là phía thị xã mờ mịt cát bay như lời thơ thảng hoặc gợi lên trong trí nhớ. “Ngày đem máy vào lắp ráp ở nhà in, anh em không khỏi chạnh lòng. Vì khác quá. Bao nhiêu năm ổn định ở Đà Nẵng, vợ con, nhà cửa, nay khăn gói vào một nơi xa lạ, thiếu thốn đủ thứ, phải chen chúc trong những căn nhà thuê của dân, hoặc ở lại nhà xưởng làm việc. Trong khi đó, thu nhập cán bộ, nhân viên thấp hơn hẳn so với trước, do mọi đơn hàng đều trả lại xí nghiệp cũ. Nhìn đâu cũng thấy khổ, thấy khó” - ông Đây nhớ lại.
Bộn bề những công việc ngày chia tách tỉnh, những người ra đi, trong đó có ông Hồ Xuân Tịnh (nay là Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL) phải tự xoay xở với bao vất vả ban đầu. “Khó, khổ thời ấy, như một mặc định mà mình phải chấp nhận, nếu đồng ý ra đi. Cả tỉnh ngày ấy, không có lấy một hiện vật cho bảo tàng. Tôi cùng anh em Sở VHTT thuê nhà dân ở, rồi làm việc nhờ trong trụ sở của Trung tâm Văn hóa thị xã Tam Kỳ. Cán bộ công chức chỉ nghỉ được mỗi Chủ nhật. Hết giờ làm chiều thứ Bảy, là chen chúc nhau trên xe về với vợ con” - ông Tịnh nhớ lại. Hồi ức của ông về Tam Kỳ, là những cũ kỹ ở khắp nơi. Quán cà phê ông hay ngồi, chủ nhà xây từ hồi mới giải phóng, đến khi tách tỉnh vẫn không buồn sửa sang, vì… thưa khách. Cơm bà Luận, cơm bà Tề, cháo lòng An Thổ, cháo lòng Trần Văn Dư… ông Tịnh nhớ vanh vách những quán ăn mà cán bộ, công chức ngày đó thường lui tới, vì vỏn vẹn cũng chỉ có chừng đó quán xá ở thị xã nhỏ bé này. Suốt mười năm, Tam Kỳ chỉ bước những bước rất ngắn. Vẫn tấm áo cũ kỹ, chật chội, không quy hoạch, đường sá tạm bợ, như một người ngái ngủ, đứng bên ngoài những chộn rộn phát triển của vùng. Mà không chỉ Tam Kỳ. Mỗi bận “đi huyện” - về cơ sở, là những lần ám ảnh gian khó dày thêm. Những bức bối ấy, càng đầy thêm trong tâm tư những người đã chọn đi về phía Quảng ngày đó…
Đốt “lửa lòng”
Có những người rời đi. Rời hẳn, tức là chấp nhận bỏ việc, để về Đà Nẵng, nơi cơ hội và điều kiện sống tốt hơn, chỉ sau một, hoặc vài tháng sống ở Tam Kỳ. Nhưng ông Tịnh, và nhiều người khác khi đó, vẫn ở lại. Gian khó, thì chỉ mới bắt đầu. Phía trước, trập trùng những thử thách của công việc, của chuyện gia đình, của điều kiện ăn ở… “Ngày chia tách, biết tin đơn vị sẽ điều chuyển một số cán bộ vào Quảng Nam, trong đó có tôi, một công ty du lịch ở Đà Nẵng ngỏ ý mời tôi ở lại làm việc. Đơn vị này tôi quen, vì đã từng đến tập huấn cho hướng dẫn viên của họ. Mức lương, rõ ràng là hấp dẫn hơn. Nhưng tôi từ chối. Vì nghiệp của mình, là làm văn hóa, mà cụ thể hơn là khảo cổ. Tôi không đành từ bỏ 15 năm gắn bó với ngành bảo tàng mà mình đã trải. Nên đi…” - ông Tịnh kể. Vậy là kiên gan với nghề. Để lại thành phố, là gia đình, mà người vợ ông phải chăm lo mọi việc, trong suốt 20 năm ròng công tác. Hai mươi năm công tác, công việc như một ngọn đuốc, cứ dẫn ông mải miết theo những địa chỉ khảo cổ, công trình nghiên cứu. Bảo tàng tỉnh, từ con số không, nay đã là hàng chục nghìn hiện vật, trong đó có nhiều bộ sưu tập quý, thuộc loại “độc bản”. Cùng với hành trình đó, ông trở thành một công dân của vùng đất này, khi những địa danh dần quen thuộc. “Có những chiều, lúc mới vào Tam Kỳ, tôi hay một mình đi dạo quanh thị xã. Vườn Cừa, La Tháp, Chiên Đàn..., tôi cứ lang thang đi chơi, chụp ảnh. Dần thành một thứ tình, da diết lắm, với đất này. Dẫu sao, cả tuổi trẻ, phần lớn công sức và cuộc đời mình, đã dành cho đất này rồi” - ông cười, nhớ lại.
Tôi tìm gặp ông Vũ Văn Thẩm, một “chứng nhân của 20 năm” khác, còn ở lại đất này. Ông Thẩm, nay là Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, không kể nhiều về những gian khó ngày xưa. Nhưng, tôi thấy rõ sự xúc động trong mắt ông, trong những lần ngắt quãng rất ngắn giữa cuộc trò chuyện. Ông Thẩm, cũng một thời ăn nhờ ở đậu công tác, cũng “đi về gió bụi” cùng xe buýt suốt nhiều năm dài, sống với Tam Kỳ từ khi chưa có nổi một chút hình hài phố thị. Trong bước đi dài cùng phố suốt hai thập kỷ, đã lắm lúc ông phải căng mình giữa chuyện cơ quan, công vụ, vừa lo lắng, giải quyết những biến cố không may ập đến gia đình. “Những áp lực của công việc, lại là một thứ sức mạnh vô hình giúp mình đi qua những ngày tháng đó. Tuổi trẻ, không nghĩ nhiều về những khó khăn, chỉ biết dốc sức mình. Vì trong mình “có lửa”. Làm công tác thanh niên mà, không máu lửa sao được. Khó, khổ thì có chớ nhưng mình và nhiều anh em thời đó, sống tình cảm, vô tư trong cái khổ, thành ra không nhớ nhiều về nó nữa. Đi qua rồi, chỉ thấy tự hào, vì vóc dáng hôm nay, ít ra, cũng có một chút công sức của mình, của tuổi trẻ, đã dành lại” - ông Thẩm nói. Trong một khoảnh khắc, tôi nghe giọng ông nghèn nghẹn…
Tỉnh lỵ Tam Kỳ hôm nay đã thoát khỏi chật chội ngày nào, để tươi mới tràn lên từng góc phố. Hai mươi năm, họ lặng lẽ cống hiến cho vóc dáng ấy, làm nên nhiều đổi khác. Gian khó ngày đầu chỉ còn đâu đó trong “hồi ức 97”, để họ, người cùng thời, kể lại với nhau trong những lần hạnh ngộ. Như những người thắp lửa, bằng trái tim, bằng nhiệt huyết và lòng cống hiến, họ đã bước những bước đồng hành với xứ Quảng, đến tận bây giờ…
THÀNH CÔNG