Đa dạng đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt

NGUYỄN QUANG VIỆT 23/09/2014 09:17

Lần đầu tiên cá lăng nha được nuôi thử nghiệm trên địa bàn tỉnh đã cho kết quả khả quan, góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt, khai phá tiềm năng, đem lại giá trị kinh tế cao.

Đối tượng nuôi mới

Tháng 3.2014, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Đại Lộc triển khai mô hình nuôi cá lăng nha trong lồng bè tại hồ chứa nước Trà Cân. Hai hộ tham gia mô hình này là các ông Huỳnh Châu và Lê Phan Minh (thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp, Đại Lộc) với diện tích  cá lăng nha được thả nuôi với mật độ 60 con/m3 trong lồng bè có thể tích là 150m3. Ước tính, cá sinh trưởng trong thời gian 9 tháng thì có thể bán thương phẩm. “Nhờ thực hiện đúng quy trình thả nuôi, đến thời điểm này, cá phát triển rất tốt. Cứ định kỳ 15 ngày, cán bộ kỹ thuật của tỉnh và của huyện có đến hồ kiểm tra các yếu tố môi trường và hướng dẫn thêm để chúng tôi quản lý và chăm sóc cá tốt hơn. Bởi vậy, dù là đối tượng nuôi mới nhưng chúng tôi rất tin tưởng vào thành công của mô hình” - ông Huỳnh Châu nói.

Gia đình ông Trương Văn Siêng thu lãi hơn 100 triệu đồng từ nuôi thủy sản nước ngọt tại hồ chứa nước Khe Tân. Ảnh: N.Q.V
Gia đình ông Trương Văn Siêng thu lãi hơn 100 triệu đồng từ nuôi thủy sản nước ngọt tại hồ chứa nước Khe Tân. Ảnh: N.Q.V

Triển khai mô hình này, kinh phí nhà nước hỗ trợ 2 hộ dân là 76 triệu đồng. Theo tính toán của Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Đại Lộc, đến thời điểm này, tổng chi phí của mô hình là 91 triệu đồng. Trong khi đó, tỷ lệ cá sống đạt 70% nên tổng sản lượng cá thu được ước tính đạt gần 2 tấn. Cá lăng nha thương phẩm có giá 100 nghìn đồng/kg nên sau khi trừ chi phí, mô hình thu lãi khoảng 70 triệu đồng. “Đến khi thu hoạch, trọng lượng cá có thể đạt 1kg/con, gấp hơn 3 lần so với hiện nay. Do vậy, lãi thu được của các nông hộ là rất cao. Đối tượng nuôi mới này thuộc loại hiếm nên thị trường mua với giá cao” - ông Lê Cao Khánh, cán bộ phụ trách mô hình của Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Đại Lộc cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Tươi, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Đại Lộc, do đây là mô hình mới nên công tác triển khai đến thời điểm này đều được thực hiện đúng “kịch bản”. Cụ thể, huyện đã phối hợp với cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam tiến hành khảo sát chọn địa điểm tốt nhất để triển khai là hồ Trà Cân. Các nông hộ được chọn tham gia cũng phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện nuôi... Qua giúp đỡ của ngành thủy sản tỉnh, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm Đại Lộc đã soạn thảo, in ấn quy trình kỹ thuật nuôi để các nông hộ dễ thực hiện. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật thường xuyên hỗ trợ các nông dân kiểm tra các yếu tố sinh học, giúp cá phát triển tốt. “Mô hình nuôi cá lăng nha tại hồ Trà Cân đã cho thành công bước đầu. Từ đây huyện sẽ có kế hoạch cụ thể để nhân rộng mô hình trong thời gian đến” - ông Tươi nói.

Đa dạng đối tượng nuôi

Cũng trong năm 2014, lần đầu tiên nuôi thủy sản nước ngọt theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai trên địa bàn tỉnh. Tháng 4.2014, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam triển khai mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 250m3 tại hồ Khe Tân do ông Trương Văn Siêng (thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh, Đại Lộc) làm chủ hộ nuôi. Mô hình cũng đã cho hiệu quả cao. Sau vụ nuôi đầu tiên, gia đình ông Siêng thu được 11 tấn cá, bán được hơn 450 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng. Bà Hoàng Thị Kim Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết: “Nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi các nông hộ phải tuân thủ nhiều quy định về quy trình nuôi và cả yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Điểm mạnh nhất của cách nuôi này là tính hiệu quả cao, bán được giá. Từ thành công bước đầu của mô hình, ngành thủy sản sẽ nhân rộng để các địa phương trên toàn tỉnh có thể áp dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, thời gian qua, huyện Đại Lộc chú trọng mở rộng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt và đa dạng các đối tượng nuôi để mở ra hướng phát triển mới. “Huyện Đại Lộc sở hữu nhiều diện tích nuôi thủy sản nước ngọt. Đặc biệt, các hồ chứa nước trên địa bàn đảm bảo các điều kiện tốt nhất, giúp cá phát triển tốt. Đa dạng các đối tượng nuôi sẽ giúp các nông hộ tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh. Điều này giúp nông dân khắc phục được tình trạng bị ép giá bấy lâu nay. Tuy nhiên, điều cơ bản nhất là nông dân phải tích cực đầu tư, làm chủ được quy trình nuôi với nhiều đòi hỏi mang tính khoa học để đảm bảo các đối tượng thủy sản phát triển tốt nhất” - ông Mẫn nói.

Ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam cho biết, từ thành công của mô hình nuôi cá lăng nha lần đầu tiên được thử nghiệm, việc nhân rộng mô hình sẽ được triển khai trong thời gian đến. “Các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt như cá điêu hồng, cá rô phi và mới đây nhất là cá lăng nha được triển khai trên địa bàn tỉnh đều cho hiệu quả kinh tế khá cao, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Thực tế đã cho thấy khi tham gia mô hình, các nông hộ đều tận dụng tốt cơ hội, nuôi đúng quy trình, đảm bảo cá phát triển tốt. Vừa tận dụng tiềm năng lớn mà ở cả hai khâu đầu vào và đầu ra đều đảm bảo thì việc nhân rộng là điều cần thiết” - ông Long nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đa dạng đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO