Mở rộng không gian du lịch, giảm áp lực phố cổ, tạo sự đa dạng điểm đến luôn là mục tiêu quan trọng của Đảng bộ, chính quyền TP. Hội An nhằm hướng tới xây dựng thành phố văn hóa sinh thái.
Từ du lịch sinh thái làng nghề…
Hơn 20 năm trở lại đây, nhất là khi phố cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, nhưng áp lực từ du lịch lên hạ tầng, xã hội đã trở nên gay gắt. Cùng với lượng khách gia tăng, xu thế đô thị hóa kéo theo những biến động về cơ cấu dân cư, mật độ dân số, nghề nghiệp, môi trường sống, tâm lý xã hội... đã tác động mạnh mẽ, liên tục cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực đến những giá trị nhân văn, sinh thái, cảnh quan, môi trường. Sức ép từ bảo tồn di tích, bảo vệ môi trường, nhu cầu về đất đai, nhà cửa, đi lại... đặt ra cho Hội An nhiều thách thức. Chính vì vậy, việc quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của Hội An theo định hướng phát triển du lịch văn hóa - sinh thái đã trở thành mục tiêu chủ đạo trong suốt nhiều năm qua nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Thực tế, trước những áp lực lên phố cổ, không gian du lịch Hội An đã được mở rộng về các vùng nông thôn, làng nghề, biển đảo. Đầu tiên, có thể kể đến việc đưa làng gốm Thanh Hà vào khai thác du lịch (năm 2001) đã mở ra hướng đi mới tạo thêm một sản phẩm khác lạ trong dòng sản phẩm du lịch truyền thống, góp phần giúp các làng nghề được bảo tồn và phát huy tốt hơn. Sau gốm Thanh Hà, hàng loạt sản phẩm làng nghề khác cũng lần lượt ra đời gắn với các làng quê như mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, làng An Mỹ, dừa nước Cẩm Thanh…, qua đó tạo nên sự đa dạng, giúp mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm, chọn lựa.
Du lịch sinh thái trở thành hướng đi chính của Hội An nhằm hướng đến xây dựng Hội An - thành phố du lịch sinh thái. Ảnh: G.K |
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, để xây dựng thành công thành phố sinh thái, thời gian qua địa phương phải làm rất nhiều việc trên các lĩnh vực. Riêng trong phát triển du lịch, thành phố đã tập trung xây dựng, hình thành các tour du lịch ra khu vực bên ngoài phố cổ. Không chỉ hướng đến các làng nghề, tour khám phá khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và các vùng phụ cận cũng mang đến nhiều hấp dẫn cho khách nhằm khai thác thế mạnh về biển đảo trên cơ sở vừa bảo tồn cảnh quan, sinh thái và đa dạng sinh học của Cù Lao Chàm, đồng thời giúp tạo ra sinh kế phát triển cho người dân. Ngoài ra, thành phố cũng đã thực hiện các tour làm nông nghiệp sạch ở các vùng nông thôn Hội An, điển hình như Cẩm Kim, Cẩm Thanh…. “Hiện nay diện tích của thành phố rất nhỏ, khoảng 60km2, trong đó hơn 400ha là đất nông nghiệp nhưng nhiều năm qua vẫn kiên trì giữ vững diện tích này để tạo điều kiện giữ gìn môi trường sinh thái. Hoạt động nông nghiệp hiện nay đều cố gắng hướng tới phục vụ du lịch bằng cách kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của người dân nhưng đồng thời cũng là sản phẩm phục vụ cho du lịch. Bằng hướng đó chúng tôi sẽ giải quyết được vấn đề sinh kế của người dân nhưng đồng thời cũng giữ vững cảnh quan sinh thái của Hội An, phục vụ cho định hướng thành phố sinh thái” - ông Sơn chia sẻ.
… đến tour “Về Hội An đi xe đạp”
Hội An phát động cuộc thi “Vẻ đẹp hàng rào xanh quê tôi” Từ tháng 6 đến 11 năm nay, lần đầu tiên các hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình liền kề và các cơ sở lưu trú homestay trên địa bàn Hội An sẽ được tham gia cuộc thi “Vẻ đẹp hàng rào xanh quê tôi 2016” do UBND thành phố phát động. Theo đó, các hộ chỉnh trang, cải tạo hoặc làm mới hàng rào hiện có bằng cây xanh, các vật liệu thân thiện với môi trường hoặc hàng rào xây kiên cố được bao phủ bởi cây xanh. UBND các xã, phường sẽ thông báo thể lệ, hướng dẫn, vận động các hộ, nhóm hộ đăng ký, gửi ảnh và bài thuyết minh dự thi. Riêng các cơ sở lưu trú sẽ do Phòng Thương mại - du lịch vận động và nhận bài. UBND TP. Hội An sẽ tổ chức lễ trao giải và công bố kết quả vào cuối tháng 12 năm nay.(LÊ HIỀN) |
Có thể nói, phát triển du lịch văn hóa sinh thái đã trở thành hướng đi chủ đạo mang lại lợi ích cho nhiều phía và phù hợp với xu hướng hiện nay. Tại Hội An, sau thành công của những chương trình du lịch sinh thái, làng nghề, việc hình thành các tour mới lạ đã luôn được chính quyền địa phương quan tâm và đầu tư. Mới đây nhất, việc khai trương tour “Về Hội An đi xe đạp” đã thực sự mang đến nhiều điều thú vị cho du khách. Xuất phát từ làng rau Trà Quế (Cẩm Hà), du khách bắt đầu cuộc hành trình bằng xe đạp dạo qua những di tích, cảnh đẹp, làng quê Hội An như mộ của thương gia Tani Yajirobei (Nhật Bản); viếng thăm đình làng An Mỹ; trải nghiệm cuộc sống người dân, xem trình diễn cách tráng mỳ và thưởng thức các món ăn dân dã của người dân nơi đây như mỳ lá chấm, chè đậu ván...; thăm hồ Dừa Đoan, ngắm sông Đế Võng (Cẩm Châu); thăm cơ sở thủ công mỹ nghệ bằng tre nổi tiếng của ông Mười Phố; tham quan rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh) bằng thuyền thúng, nghe hát hò khoan và nghỉ trưa tại khu du lịch Tuấn Liên.
Theo ông Lê Văn Bình - Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An, tour đi xe đạp không phải là mới mẻ tại Hội An, tuy nhiên từ trước đến nay chủ yếu do doanh nghiệp tổ chức mang tính tự phát, người dân không được hưởng lợi gì. Việc thành phố xây dựng tour “Về Hội An đi xe đạp” ngoài giới thiệu thêm một sản phẩm du lịch sinh thái cho du khách còn giúp khách hiểu hơn về văn hóa, đời sống của người dân, nhất là được trải nghiệm không gian làng quê gắn với đời sống sinh hoạt của người dân. “Thật ra cái này các doanh nghiệp đã tự tổ chức rồi, không những là các làng quê mà cả trong khu phố cổ. Việc mình làm chính là công bố một chương trình mang tính bài bản chuyên nghiệp. Tham gia tour này khách sẽ trải nghiệm những địa điểm cụ thể nên việc đầu tư những điểm đến cũng được trau chuốt hơn, kể cả cơ sở vật chất và dịch vụ cũng chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, người dân sẽ được hưởng lợi từ chương trình này” - ông Bình cho biết.
Đồng tình ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Sơn cho hay, từ trước đến nay trong quá trình định hình phát triển, thành phố luôn xác định theo hướng văn hóa, sinh thái để thực hiện và kiên trì trong công việc thực hiện giữ vững quy hoạch. Trong đó, thành phố chọn lựa các dự án không làm phá vỡ các cảnh quan sinh thái, môi trường để lựa chọn những dự án đảm bảo cho định hướng phát triển bền vững. Vì vậy, việc đưa khai trương tour “Về Hội An đi xe đạp” là bước đi cụ thể của chủ trương trên. Đồng thời kỳ vọng sẽ mở ra một sản phẩm riêng biệt cho du lịch Hội An thời gian tới. “Với mong muốn Hội An trở thành thành phố du lịch, sinh thái, chúng tôi luôn khuyến khích du khách trải nghiệm Hội An bằng xe đạp, đây cũng là cách cùng chung tay giúp Hội An xây dựng thành công thành phố du lịch sinh thái như mục tiêu đã đề ra” - ông Sơn kêu gọi.
GIA KHANG