Đa dạng hình thức tuyên truyền

VINH ANH - TÂM LÊ 20/05/2016 08:12

Công tác thông tin, tuyên truyền hướng về bầu cử đã được các đơn vị, địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, mang lại không khí sôi nổi cho ngày hội lớn.

Hiệu quả thiết thực

Xã nghèo ứng phó

Xã Phước Ninh là địa bàn vùng cao của huyện Nông Sơn, có 5 thôn với 2.306 cử tri, chia thành 6 tổ bầu cử. Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, Ủy ban Bầu cử xã Phước Ninh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử và các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng. Ông Phạm Công Thạnh - Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền bầu cử đến bà con nhân dân.  Đến nay, Tiểu ban thông tin tuyên truyền xã đã dựng 3 cụm pa nô lớn, treo 17 băng rôn qua đường, 25 tấm pa nô, cờ đuôi cá dọc đường, trang trí  2 cổng tổ, 29 lượt tuyên truyền lưu động, phối hợp tổ chức đêm văn nghệ tuyên truyền bầu cử.

Người dân vùng cao Nam Giang đến xem một buổi chiếu bóng lưu động tuyên truyền bầu cử . (Ảnh do Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam cung cấp).
Người dân vùng cao Nam Giang đến xem một buổi chiếu bóng lưu động tuyên truyền bầu cử . (Ảnh do Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam cung cấp).

Đặc biệt, do có địa hình phức tạp, các thôn chia nhỏ, trải dài theo sông Thu Bồn, nên Phước Ninh đã chọn xe máy làm phương tiện để mang thông tin bầu cử đến với người dân. Từ đầu tháng 4 đến nay, tổ tuyên truyền bầu cử lưu động xã chia nhau mỗi ngày hai người đi đến từng thôn xóm để tuyên truyền các nội dung về bầu cử. Ông Nguyễn Hồng Danh - Tổ trưởng tổ tuyên truyền bầu cử lưu động xã Phước Ninh cho biết: “Do chưa có trạm truyền thanh cơ sở nên ngay từ khi bắt đầu tuyên truyền bầu cử, xã đã thành lập tổ tuyên truyền lưu động, hỗ trợ 3 triệu đồng mua 2 máy phát thanh, loa và các dụng cụ cần thiết để tổ chức tuyên truyền. Anh em trong tổ sử dụng xe máy cá nhân để đi đến tận thôn, tổ tuyên truyền, dù khá vất vả nhưng ai cũng nhiệt tình, hăng hái tham gia với tinh thần trách nhiệm cao”. Sự cố gắng, nỗ lực vượt khó của thành viên tổ tuyên truyền đã góp phần đưa cuộc bầu cử đến gần với người dân. Bà Võ Thị Ảnh (thôn Bình Yên) chia sẻ: “Lúc ở nhà hay đi làm bà con chúng tôi cũng nghe được tiếng loa tuyên truyền bầu cử. Nhờ đội tuyên truyền đi vào tận nơi nên ai cũng nghe được thông tin, hăng hái và phấn khởi hơn để hướng đến ngày được cầm lá phiếu đi bầu cử”.

Đa dạng, phong phú

Nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, từ giữa tháng 3.2016 đến nay, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam đã lên kế hoạch và tổ chức triển khai 2 đợt tuyên truyền cao điểm về bầu cử. Ông Nguyễn Tấn Sinh - Giám đốc trung tâm cho biết, toàn đơn vị có 9 đội chiếu bóng lưu động, trong đó 8 đội “cắm chốt” tại 8 huyện miền núi thời gian qua đã tập trung toàn lực cho việc tuyên truyền bầu cử. Từ giữa tháng 3 đến nay đã tổ chức 2 đợt chiếu bóng cao điểm về bầu cử, đợt 1 từ giữa tháng 3 đến 15.4 và đợt 2 từ 16 đến 20.4. Tại các điểm chiếu bóng, công tác chuẩn bị được thực hiện chu đáo gồm treo băng rôn thông báo đợt phim chào mừng bầu cử, đồng thời sử dụng ô tô, xe gắn máy và loa phát thanh đi vào các ngả đường của địa phương nơi tổ chức chiếu bóng để tuyên truyền. Trước đó, anh em trong đội chiếu bóng đã liên hệ với địa phương để lấy thông tin về công tác bầu cử trên địa bàn, thông tin về các ứng cử viên… để người dân theo dõi. “Việc kết hợp giữa tuyên truyền, cổ động bằng xe lưu động và tổ chức chiếu phim vào ban đêm đã thu hút được người dân. Ban ngày họ được nghe thông tin về bầu cử, về người ứng cử tại nơi họ ở, sau đó họ được đến với buổi chiếu phim tư liệu, phim truyện về bầu cử, về Đảng, Bác Hồ… Người dân rất phấn khởi” - ông Sinh nói.

Đến nay, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam đã tiến hành khoảng 500 buổi chiếu phim lưu động tại các địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức cho xe tuyên truyền lưu động dọc tuyến quốc lộ, huyện lộ với tổng chiều dài khoảng 800km để phục vụ người dân. Nhiệm vụ tuyên truyền về bầu cử đặt lên hàng đầu nên anh em cán bộ, nhân viên phục vụ chiếu bóng đã vượt qua để hoàn thành. Ông Sinh chia sẻ: “Ở nhiều điểm chiếu bóng vùng cao, anh em trong đội phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới đến, trong khi đó vật dụng khá cồng kềnh. Tuy nhiên, dù khó khăn cũng phải cố gắng, miễn sao hoàn thành được nhiệm vụ chính trị và phục vụ tốt nhất cho người dân. Khi những điểm chiếu phim có chật kín người đến xem thì anh em chúng tôi quên hết mệt nhọc…”.

VINH ANH - TÂM LÊ

Cách làm của người trẻ

Tổ chức chương trình truyền thông lưu động, giao lưu sinh hoạt văn nghệ là cách Thị đoàn Điện Bàn đưa thông tin bầu cử đến với hàng trăm bạn trẻ là đoàn viên, thanh niên công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Chương trình được thực hiện với sự phối hợp của Ban Thanh niên nông thôn - công nhân và đô thị Tỉnh đoàn, Trung tâm VH-TT thị xã Điện Bàn. Phó Bí thư Thị đoàn Điện Bàn - Đặng Hữu Tú cho biết, chương trình với nhiều nội dung được thiết kế trẻ trung, phù hợp các bạn trẻ, trong đó có không ít bạn lần đầu tiên tham gia bầu cử. Thông qua chương trình, chúng tôi muốn chuyển đến đoàn viên thanh niên công nhân những thông điệp gần gũi, dễ nhớ nhất về pháp luật bầu cử, để các bạn thực hiện đúng quyền công dân của mình. Đến với ngày hội, các bạn trẻ không chỉ hiểu thêm kiến thức pháp luật về bầu cử mà còn được giao lưu, sinh hoạt thông qua các hình thức hội thi, văn nghệ, sân chơi vận động…

 Thanh niên công nhân tham gia trả lời câu hỏi tìm hiểu kiến thức về bầu cử.  Ảnh: THIÊN NGÂN
Thanh niên công nhân tham gia trả lời câu hỏi tìm hiểu kiến thức về bầu cử. Ảnh: THIÊN NGÂN

Vừa tham gia trả lời đúng phần hỏi - đáp có thưởng về nội dung bầu cử, bạn Trần Thị Ngọc Lan - công nhân Công ty Giày Rieker vui vẻ cho biết: “Hình thức tuyên truyền này rất thú vị, dễ nhớ, dễ hiểu. Tham gia chương trình, công nhân chúng tôi vừa hiểu thêm về bầu cử, ngày bầu cử, quyền bầu cử của cử tri, cách bỏ phiếu…, được tham gia sinh hoạt, vừa như xem chương trình văn nghệ bởi nội dung tuyên truyền được chuyển tải qua các hình thức ca hát, tiểu phẩm dân ca”. Nội dung vui tươi đã thu hút Ngọc Lan cũng như hàng trăm công nhân khác theo dõi từ đầu đến cuối chương trình và nhiệt tình tham gia trò chơi, hỏi - đáp có thưởng xen giữa các tiết mục văn nghệ... Bạn Đặng Ngọc Sáng - công nhân Công ty Đồng Tâm cho biết, đã tiếp thu thêm nhiều kiến thức để ngày 22.5 tới thực hiện quyền công dân của mình qua những lá phiếu, chọn những đại biểu xứng đáng và tin rằng họ sẽ tạo nên sự thay đổi cho quê hương.

Nói về ý tưởng thực hiện chương trình, Bí thư Thị đoàn Điện Bàn - Đặng Thị Bảo Trinh chia sẻ, công nhân không có nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về bầu cử, do bận tăng ca thường xuyên. Việc tổ chức chương trình truyền thông lưu động tại các khu nhà trọ như thế này là hình thức thiết thực, vừa giúp công nhân nắm thông tin để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trong cuộc bầu cử sắp tới, vừa tạo cho các bạn có một sân chơi tinh thần vui tươi, bổ ích. “Mong mỗi bạn công nhân khi cầm lá phiếu trên tay thể hiện quyền công dân của mình sẽ sáng suốt lựa chọn được những đại biểu ưu tú, đủ sức đại diện tiếng nói của người dân và cho chính những cử tri trẻ” - chị Bảo Trinh nói. Được biết, chương trình truyền thông lưu động được Thị đoàn Điện Bàn phối hợp tổ chức liên tục tại 5 điểm để không chỉ đoàn viên, thanh niên công nhân mà ngay cả thanh niên và nhân dân địa phương “thấm” được các nội dung chủ yếu về bầu cử, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình.

LÊ THIÊN NGÂN

Tuyên truyền bằng tiếng Bh’noong

Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, tại Phước Sơn, từ những ngày đầu tháng 5 đã được xem là khoảng thời gian bước vào giai đoạn cao điểm tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Là huyện miền núi có hơn 70% dân số người dân tộc Bh’noong sinh sống, Phước Sơn đã tập trung cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào về ngày hội toàn dân đi bầu cử. Để việc tuyên truyền đến được với đồng bào dễ dàng và hiệu quả, Phước Sơn đã tổ chức tuyên truyền bầu cử bằng tiếng Bh’noong, và giao cho Đài Truyền thanh - truyền hình huyện tổ chức thực hiện, liên tục phát sóng.

Cán bộ kỹ thuật của Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Phước Sơn phát sóng thông tin bầu cử bằng tiếng Bh’noong. Ảnh; SỸ BÌNH
Cán bộ kỹ thuật của Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Phước Sơn phát sóng thông tin bầu cử bằng tiếng Bh’noong. Ảnh; SỸ BÌNH

Xã Phước Thành cả 6 thôn đều đã có điện lưới quốc gia, do đó hệ thống loa truyền thanh của xã cũng đã đến được các bản làng xa xôi nhất. Anh Trần Văn Tân - cán bộ trực Trạm truyền thanh xã Phước Thành chia sẻ, cách đây 5 năm, ở cuộc bầu cử năm 2011, do điều kiện còn quá khó khăn, cán bộ người Kinh ít có ai thạo tiếng đồng bào, nên việc tuyên truyền, đưa thông tin về bầu cử đến với người Bh’noong gặp nhiều khó khăn. Cuộc bầu cử lần này, với sự hỗ trợ của máy móc, bình thường đài huyện cũng đã có chương trình phát thanh bằng tiếng Bh’noong, nên việc tổ chức thông tin tuyên truyền thuận lợi hơn. Chỉ cần vài thao tác trên hệ thống máy phát thanh, thông tin tuyên truyền bầu cử bằng tiếng Bh’noong bản địa kịp thời đến với người dân. Anh Tân nói: “Hiện nay toàn thể nhân dân ở xã Phước Thành đều có thể nghe được tiếng Bh’noong trên loa phát thanh. Việc tuyên truyền như thế phát huy hiệu quả rõ rệt, bà con khi đi làm rẫy cũng có thể nghe và hiểu được”.

Thực hiện việc tuyên truyền công tác bầu cử theo chỉ đạo chung của Ủy ban Bầu cử huyện, từ đầu năm đến nay, Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Phước Sơn đều đặn mở hai chuyên mục bằng tiếng Kinh và tiếng Bh’noong trên sóng phát thanh. Đài huyện còn tổ chức các bản tin phát sóng đều đặn hàng ngày giới thiệu tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện và xã cho người dân nắm. Ông Nguyễn Tuấn Minh - Tổ trưởng tổ nội dung Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Phước Sơn cho biết: “Để đồng bào Bh’noong ở Phước Sơn hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử lần này, chúng tôi đã làm thêm bản tin tiếng Bh’noong phát sóng vào các ngày thứ Ba, Năm và thứ Bảy hàng tuần. Trong đó chú trọng tuyên truyền những thông tin mà cử tri quan tâm, đặc biệt là những thông tin về các ứng cử viên là đồng bào dân tộc thiểu số”.

Là người có uy tín của huyện Phước Sơn, từng là đại biểu Quốc hội và trải qua nhiều nhiệm kỳ đại biểu HĐND tỉnh và huyện, ông Hồ Văn Điều (trú tại khối 3, thị trấn Khâm Đức) chia sẻ: “Việc địa phương tập trung tuyên truyền với nhiều hình thức, thông tin trên phương tiện nghe nhìn bằng tiếng nói của đồng bào dân tộc bản địa thực sự là cách làm mới, thực sự có hiệu quả. Chương trình phát sóng thời gian vừa qua được người dân ủng hộ, đây là cách tuyên truyền tốt. Vừa tuyên truyền bằng phát thanh đồng thời kết hợp hình ảnh các cuộc họp, những buổi tiếp xúc cử tri của ứng cử viên nên hiệu quả càng cao”.

SỸ BÌNH

Sáng tạo ở Duy Phước

Tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên) đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.

Từ Chủ nhật tuần trước đến nay, đoàn viên thanh niên của xã Duy Phước không quản nắng nóng, diễu hành bằng xe máy dọc các tuyến đường trong xã để tuyên truyền cổ động về bầu cử. Không chỉ mang theo cờ, khẩu hiệu tuyên truyền, các bạn còn dùng loa điện tử tuyên truyền đến tận các khu dân cư. Ban Thường vụ Đoàn xã Duy Phước cho biết, tuần cuối cùng này được xác định là khoảng thời gian tập trung cao độ nhất cho công tác tuyên truyền, vận động bầu cử trong nhân dân. Anh Đặng Ngọc Trung - Bí thư Đoàn xã Duy Phước cho biết: “Không chỉ tổ chức ở xã, trong tuần, cả 8 chi đoàn thôn cũng được chỉ đạo tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan để đưa thông tin bầu cử đến với từng hộ”.

Đoàn viên thanh niên xã Duy Phước diễu hành tuyên truyền bầu cử bằng xe máy. Ảnh: T.MAI
Đoàn viên thanh niên xã Duy Phước diễu hành tuyên truyền bầu cử bằng xe máy. Ảnh: T.MAI

Ông Đặng Xuân Hồng - Phó Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã Duy Phước cho biết, trên địa bàn xã đã dựng 3 cụm pa nô lớn đặt ở trung tâm xã và Xí nghiệp May Ánh Sáng 1; 12 pa nô đặt dọc tuyến đường ĐH3, và hàng chục pa nô, phướn, khẩu hiệu treo dọc các tuyến đường chính trong xã. Trước đó, từ tháng 4, xã đã yêu cầu, chỉ đạo trang trí cờ, pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền bầu cử đúng theo quy định tại các công sở, trường học, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn và nhà sinh hoạt văn hóa thôn. Cùng với hệ thống loa truyền thanh của xã, ở 8 thôn còn trang bị thêm 22 loa công cộng; Duy Phước còn cung cấp 24 đĩa CD ghi tiểu sử tóm tắt từng ứng cử viên, giới thiệu văn bản pháp luật liên quan đến bầu cử cho các Tổ Bầu cử, tổ chức phát thanh liên tục hàng ngày.

Xã Duy Phước còn in hơn 10.000 tờ rơi về tiểu sử tóm tắt ứng cử viên, ghi rõ ngày giờ đi bầu cử, địa điểm bầu cử và hướng dẫn màu các loại phiếu bầu cấp phát đến từng cử tri. Đây là cách làm hay của xã Duy Phước được Ủy ban Bầu cử tỉnh đánh giá cao. Đặc biệt, trong tuần cuối cùng trước thềm bầu cử, các khu dân cư, tổ đoàn kết trên địa bàn xã Duy Phước tổ chức mạn đàm về tiểu sử ứng cử viên, thu hút sự tham gia nhiệt tình của cử tri. Ông Đặng Minh Châu - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Câu Lâu Đông nói: “Mạn đàm về ứng cử viên là cách làm được cử tri trong thôn ủng hộ, tham gia sôi nổi. Vì qua đó, cử tri được trao đổi, chia sẻ, hiểu rõ thêm thông tin của ứng cử viên, để có thể lựa chọn đúng người làm đại biểu cho mình”.

Thông qua nhiều hình thức và cách làm sáng tạo trong công tác tuyên truyền, tin rằng ngày 22.5 tới, cả 10.038 cử tri của xã Duy Phước sẽ hăng hái tham gia ngày hội bầu cử.

TUYẾT MAI

Đảm bảo quyền bầu cử cho bệnh nhân

Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, đơn vị hiện có hàng trăm bệnh nhân điều trị nội trú, cùng với đó là hàng trăm người nhà bệnh nhân phải túc trực, chăm sóc. Để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho bệnh nhân và người nhà, phía bệnh viện đã phối hợp với UBND - Ủy ban Bầu cử phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ) chuẩn bị đầy đủ các công tác cho bầu cử lưu động tại bệnh viện. Lãnh đạo bệnh viện cũng đã tuyên truyền cho bệnh nhân và người nhà nắm quy định về bầu cử, đăng ký tham gia bầu cử tại bệnh viện nếu có nhu cầu. “Công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử sắp tới của bệnh viện đã cơ bản hoàn thành. Chỉ còn một việc nữa là chờ người bệnh, người nhà bệnh nhân đăng ký để đơn vị chuyển lên UBND phường lập danh sách cử tri. Nhiều người ở xa quá nên việc đi lại, xác nhận giấy tờ cũng khó khăn. Hơn nữa, mỗi ngày bệnh viện có cả trăm bệnh nhân nhập viện và xuất viện nên phải đến ngày 20.5 mới có thể chốt danh sách” - ông Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng phòng Tổ chức Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho hay.

Bà Phạm Thị Hơn, trú tại Quế Trung (Nông Sơn) cho biết, con trai bà bị bệnh thận nặng đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhà thì xa nên việc đi về để tham gia bầu cử là rất khó. “Giờ bệnh viện mở thùng phiếu phụ để chúng tôi được tham gia bầu cử, thật tốt quá. Tôi đã đăng ký danh sách cử tri tại đây” - bà Hơn nói. Trên địa bàn Tam Kỳ có 3 cơ sở y tế có nhiều người lưu trú là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Minh Thiện và Bệnh viện Nhi Quảng Nam. Việc thành lập thùng phiếu phụ ở các cơ sở y tế này là hết sức cần thiết. Để bệnh nhân và người nhà tích cực hưởng ứng bầu cử, công tác tuyên truyền hết sức quan trọng, bởi đây là nhóm đối tượng đang bị ảnh hưởng về tâm lý.

Ông Trương Ngọc Hải - Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử phường An Mỹ khẳng định, về phía cơ sở y tế trên địa bàn phường, phải chờ đến ngày 20.5 mới chốt danh sách. Còn đối với cán bộ, giáo viên, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế đang tạm trú tại phường và đăng ký bầu cử tại nơi tạm trú, UBND phường đã phát ra 704 thẻ cử tri. Phường cũng đã thành lập Tổ Bầu cử tại trường, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày 22.5 sắp tới.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đa dạng hình thức tuyên truyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO