Nhờ đa dạng kênh phân phối hàng hóa là chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini nên thị trường Quảng Nam ổn định, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn mua sắm.
Rộng cửa tiêu thụ hàng hóa
Sản phẩm thịt gà của Hợp tác xã Gà ta Mười Tín (HTX Mười Tín, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) giữ được đầu ra ổn định nhờ ký kết hợp đồng cung cấp hàng hóa dài hạn với Co.op Mart Tam Kỳ. “Với giá gần 68 nghìn đồng/kg, chúng tôi thu lợi chừng 20 nghìn đồng/kg thịt gà khi cung cấp hàng hóa đến Co.opMart Tam Kỳ. Siêu thị cần hàng nên chúng tôi mở rộng sản xuất mà không lo đầu ra cho sản phẩm” - ông Bùi Việt Tín, Giám đốc HTX Mười Tín nói.
Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, siêu thị tạo thuận lợi để doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đưa hàng hóa đến bán. Hàng hóa càng chất lượng thì siêu thị dễ thu hút khách hàng, đồng thời người tiêu dùng cũng có được địa điểm mua sắm tốt.
Từ mối tương hỗ đó, chuỗi cung ứng hàng hóa dần hình thành trên địa bàn tỉnh, dù chưa có quy mô lớn. Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho rằng, để hàng hóa Quảng Nam nói chung, các loại nông sản, đặc sản nói riêng có thể phát triển mạnh hơn ở siêu thị thì doanh nghiệp, nhà sản xuất, HTX cần nỗ lực quảng bá, giới thiệu hàng hóa đến nhà phân phối để kết nối, chứ không nên bị động chờ siêu thị đến tìm nguồn hàng.
Với vai trò xúc tiến thương mại, ông Đinh Văn Phúc cho biết, sẽ tiếp tục tìm kiếm, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trong tỉnh tham gia những chương trình giao thương, kết nối hàng hóa, sản phẩm với các siêu thị trong và ngoài tỉnh để quảng bá, cung ứng hàng hóa rộng khắp hơn. Sở Công Thương cho biết, sẽ tạo điều kiện để các siêu thị, hệ thống bán lẻ, các nhà phân phối hàng hóa nói chung liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, nhà sản xuất trên địa bàn tỉnh tạo chuỗi liên kết, cung ứng hàng hóa...
Tạo nguồn lực phát triển
Trung tâm thương mại Panko Plaza (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) không chỉ là địa chỉ mua sắm của người Hàn Quốc làm việc ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh mà còn là điểm đến yêu thích của những ai muốn mua sắm hiện đại. Chị Đoàn Ngọc Thảo (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) cho hay, rất thích thú với các món ăn Hàn Quốc tại Trung tâm thương mại Panko Plaza vì lạ, hấp dẫn, hương vị đặc biệt. “Đi mua sắm giống như trải nghiệm, khám phá văn hóa ẩm thực của nước ngoài. Mình thắc mắc gì cũng được nhân viên bán hàng trả lời tận tình” - chị Thảo nói.
Với việc mọc lên hàng loạt siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, TP.Hội An đang có mật độ, tần suất mua bán, giao thương nổi bật so với các địa điểm khác trên địa bàn tỉnh. Nhiều khách du lịch trong và ngoài nước khi cần mua sắm gì ở kênh phân phối hiện đại này đều dễ dàng được đáp ứng.
Ở các địa phương vùng cao, giao thông còn cách trở, hạ tầng thương mại còn chưa đồng bộ. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Quảng Nam cần tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển đa dạng kết cấu hạ tầng thương mại tại các huyện miền núi, nhất là các loại hình bán lẻ hiện đại. Cùng với đó là tăng cường liên kết để vừa kích thích lưu thông hàng hóa vừa phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Các doanh nghiệp thương mại, để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa cần làm tốt vấn đề thương hiệu để người tiêu dùng bắt nhịp, đồng điệu. Đồng thời, đẩy mạnh các hình thức bán lẻ hiện đại khác mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng thành công như cửa hàng bách hóa, kho hàng, trung tâm mua sắm, bán hàng theo catalogue, bán hàng trực tuyến…
Hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện rất đa dạng, phong phú nhưng điểm chung là quy mô nhỏ. Quảng Nam đang có chủ trương nâng cấp các chợ dân sinh ở quy mô xã phường đi đôi với kiện toàn ban quản lý, hạn chế kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún. Hướng đích là giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận nguyên liệu, vật tư nông nghiệp, phục vụ tốt sản xuất, sinh hoạt và bảo đảm đầu ra nông sản.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, để hoàn thiện hệ thống chợ nông thôn, Quảng Nam chú trọng kiện toàn theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Tỉnh coi trọng mở rộng, hoàn thiện mạng lưới chợ tại các trung tâm cụm xã, các khu dân cư tập trung, qua đó nâng cấp mạng lưới bán lẻ, dần thành lập các liên minh mua bán hàng hóa. Theo đó, lấy chợ làm hạt nhân để phát triển các cửa hàng chuyên doanh, tổng hợp xung quanh khu vực chợ, dần hình thành khu thương mại, dịch vụ tổng hợp ở các trung tâm cụm xã và các thị trấn, thị tứ.