Đa dạng sản phẩm Tết Trung thu

CHIÊU THỤC ANH 24/08/2013 08:44

Còn gần một tháng nữa, trẻ con mới chính thức được nhập hội trăng rằm trung thu. Nhưng các nhà sản xuất đầu lân, cửa hàng bán bánh kẹo đã rục rịch vào mùa.

Mùa cao điểm làm lân, rồng

Dù đã đứng trưa nhưng không khí làm việc tại cơ sở làm lân sư rồng Nguyễn Hưng (tổ 8, thôn Trảng Kèo, xã Cẩm Hà, TP.Hội An) vẫn nhộn nhịp. Nhân viên của cơ sở đang gấp rút sản xuất và hoàn thiện các mẫu lân theo đơn đặt hàng của khách. Anh Nguyễn Hưng - chủ cơ sở sản xuất, cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, các mẫu lân rồng sản xuất hàng loạt đã được đưa lên xe, xuất đến các cửa hàng, đại lý bán lân rồng trong và ngoại tỉnh. Chúng tôi làm hàng theo hợp động là chủ yếu”. Cơ sở sản xuất lân sư rồng của anh Nguyễn Hưng có gần 20 nhân công làm việc liên tục tại hai địa điểm là xã Cẩm Hà và đường Cửa Đại, phường Cẩm Châu. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất được 30 đầu lân sư rồng. Để hoàn chỉnh một cái đầu lân, người làm phải trải qua nhiều công đoạn như: đắp giấy lên cốt, phơi khô, dỡ cốt ra, vô vành, dán giấy lần hai, sơn, dán, làm lông cho lân và cuối cùng là hoàn thiện.

Mặt hàng đồ chơi phục vụ trung thu đã bắt đầu vào mùa.Ảnh: T.ANH
Mặt hàng đồ chơi phục vụ trung thu đã bắt đầu vào mùa.Ảnh: T.ANH

Từ niềm đam mê thú chơi đầu lân lúc trẻ, anh Nguyễn Hưng chuyển hẳn sang nghề làm lân sư rồng được 20 năm nay. Năm 2012, cơ sở của anh đã sản xuất hơn 3.000 đầu lân, rồng các cỡ lớn nhỏ. Theo đó, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng ra các tỉnh phía Bắc gồm Hải Phòng, Hải Dương và phía Nam gồm TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai… dù giá thành cao hơn sản phẩm của các cơ sở khác. “Một cái đầu lân loại lớn của tôi giá 6 triệu đồng trong khi cùng kích cỡ đó của cơ sở khác chỉ ở mức phân nửa. Thế nhưng sản phẩm của tôi vẫn bán chạy và được nhiều người yêu thích”-  anh Nguyễn Hưng cho biết.

Với những đầu lân đặt hàng, anh phải ra thiết kế và chuyển cho người đặt xem, góp ý sửa đổi rồi mới tiến hành làm. Một bộ đầy đủ vừa đầu, đuôi, quần áo, quạt… cao nhất có thể lên đến 15 triệu đồng. Mai Xuân Hoàng đang làm việc tại cơ sở anh Nguyễn Hưng cho biết: “Tôi làm tại cơ sở được hai năm, công việc cho thu nhập ổn định. Yêu cầu cần có của một người làm lân sư rồng là phải có khiếu thẩm mỹ và sự kiên trì”. Hiện cơ sở của anh Nguyễn Hưng đang được một công ty du lịch xúc tiến hoàn tất các thủ tục để trở thành điểm tham quan về ngành nghề truyền thống cho du khách trong và ngoài nước.

Cơ sở sản xuất đầu lân Nguyễn Hưng (TP.Hội An) gấp rút làm lân, sư rồng theo đơn đặt hàng để kịp mùa Trung thu 2013.
Cơ sở sản xuất đầu lân Nguyễn Hưng (TP.Hội An) gấp rút làm lân, sư rồng theo đơn đặt hàng để kịp mùa Trung thu 2013.

Thị trường rục rịch

Với các cơ sở sản xuất lân đang chốt hàng những chuyến cuối cùng thì tại các cửa hàng mới bắt đầu nhập hàng về, chuẩn bị phục vụ các bạn nhỏ vui trung thu. Bà Nguyễn Thị Lan - chủ cửa hàng bán đồ chơi trẻ em ở chợ Tam Kỳ, nói: “Đồ chơi trung thu như lân, mặt nạ, gậy, trống, lồng đèn năm nay chủ yếu là hàng sản xuất trong nước. Các sản phẩm phục vụ Tết Trung thu có xuất xứ từ Trung Quốc cũng có nhưng không đáng kể”. Các loại lồng đèn giấy kính, lồng đèn ông sao, ông Táo… với màu sắc sặc sỡ có giá từ 20.000 - 50.000 đồng. Đầu lân loại lớn nhập từ cơ sở lân của huyện Thăng Bình cao nhất là 700.000 đồng, thấp nhất là 50.000 đồng. Nếu vừa đầu lân, vừa đuôi loại lớn cũng dao động ở mức 1 triệu đồng. Chị Phan Thanh Xuân ở đường Trương Chí Cương, dẫn con trai đi lựa mua đầu lân nói: “Con trai nằng nặc đòi mua đầu lân, trống về tập dần để mai mốt đi múa cho nhuần nhuyễn nên tôi mới mua sớm thế này. So với giá năm ngoái, đồ chơi phục vụ trung thu năm nay không cao hơn là mấy”.

Trong khi đó, thị trường tiêu thụ bánh trung thu ở các thành phố lớn đã bắt đầu bán từ cuối tháng 6 âm lịch thì ở Quảng Nam, các loại bánh có thương hiệu như Kinh Đô, Bibica chỉ mới chào hàng được hơn tuần nay. Đặc biệt, thương hiệu bánh Kinh Đô năm nay không chỉ nằm sang trọng trong tủ kính của cửa hàng mà còn đưa vào chợ truyền thống, tầng lớp tiểu thương, người tiêu dùng bình dân. Chị Nguyễn Thị Ly Ly - nhân viên bán  bánh trung thu Kinh Đô tại chợ Tam Kỳ, nói: “Em bắt đầu bán hàng được hơn tuần nay, dù không mạnh nhưng đã có người mua. Công ty có nhiều sản phẩm với mức giá khác nhau, riêng loại 2,5 triệu đồng/hộp chỉ nhập về khi có đơn đặt hàng. Còn đa số khách hàng đến mua các loại bánh có mức giá 45.000 - 50.000 đồng/cái”.

Với các cơ sở sản xuất bánh Trung thu tại địa phương như bánh Thái Bình (phường Trường Xuân), Đạt Tâm (khu Tân Lập, chợ cũ Tam Kỳ) chỉ mới bắt đầu rục rịch chuẩn bị nguyên liệu. Bà Đỗ Thị Uyên Thảo - chủ cơ sở bánh Đạt Tâm, nói: “Thời hạn sử dụng bánh sản xuất tại địa phương thường chỉ được một tháng nên đầu tháng 8 âm lịch, chúng tôi mới vào mùa cao điểm. Hiện tại, chỉ mới nhập nguyên liệu và sản xuất lai rai, số lượng nhỏ”.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đa dạng sản phẩm Tết Trung thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO