Chuỗi giải pháp khoa học cùng với việc truyền thông sâu sát đến cộng đồng đã giúp vùng ven biển, nhất là khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An thu được nhiều tín hiệu khởi sắc trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu.
Bảo tồn hệ sinh thái khu sinh quyển
Nhiều khu vực ven biển Quảng Nam vốn chịu tổn thương dai dẳng từ tác động của biến đổi khí hậu. Không chỉ vùng bờ biển bị ảnh hưởng bởi sạt lở, gió bão, hạ mực nước ngầm, hệ sinh thái dưới nước những năm qua cũng đối mặt với nguy cơ suy kiệt tài nguyên. Những năm gần đây, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm định kỳ phối hợp với nhiều tổ chức phi chính phủ giám sát rác thải bờ biển tại Cù Lao Chàm.
Bà Huỳnh Thị Thùy Hương - Phó Trưởng phòng Truyền thông và phát triển cộng đồng (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cho hay, chương trình này giúp xây dựng bộ cơ sở dữ liệu hỗ trợ cho công tác quản lý rác thải tại Cù Lao Chàm. Trong năm nay, đơn vị cũng phối hợp xây dựng đề cương để nghiên cứu sinh thái bãi biển và vùng triều, xúc tiến chương trình giám sát rong biển.
Độ phủ trung bình thảm cỏ biển toàn vùng Cù Lao Chàm năm 2020 đạt 16,24%, tuy có giảm so với năm 2019 nhưng các thảm cỏ biển tại bãi Bắc, hòn Mồ và bãi Xếp hiện đang phát triển rất tốt, độ phủ gia tăng rõ rệt từ năm 2018 đến nay.
Trong khi đó, độ phủ san hô trung bình toàn vùng Cù Lao Chàm đạt hơn 59%, nếu so sánh theo bảng xếp hạng sức khỏe rạn san hô thì tình trạng sức khỏe rạn san hô ở đây đang ở mức độ tốt.
Ông Huỳnh Giao (trú thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp) chia sẻ, lo nhất vẫn là tình trạng một số ngư dân đến từ địa phương khác lén lút khai thác theo kiểu tận diệt. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến hệ sinh thái khu sinh quyển Cù Lao Chàm.
Nghiên cứu từ Chương trình kiểm kê đa dạng sinh học ở rừng đặc dụng Cù Lao Chàm thuộc dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cũng phát hiện thêm nhiều loại thực vật, chim, bướm quý hiếm, tăng thêm dữ liệu phục vụ giám sát đa dạng sinh học các loài trên cạn ở khu vực này.
Qua công tác khảo sát thực địa trong rừng, bố trí mô hình xương cá cũng như lập 30 ô tiêu chuẩn 1.000m2, các đơn vị chức năng đã thu thập được số liệu thảm thực vật để phục vụ xây dựng bản đồ vùng phân bố, xác định cấu trúc rừng.
Từ đó, đánh giá mức độ tác động của các loài thực vật ngoại tầng ảnh hưởng đến thực vật rừng trên đảo. Trong đó, xác định được 21 loài dây leo ảnh hưởng đến cấu trúc rừng Cù Lao Chàm để triển khai một số biện pháp lâm sinh, chặt tỉa thưa dây leo trong ô tiêu chuẩn.
Thay đổi nhận thức cộng đồng
Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh và Công ty CP Công trình công cộng Hội An vừa phối hợp với 2 xã Cẩm Thanh, Tân Hiệp (TP.Hội An) tổ chức các hoạt động liên quan đến dự án “Xây dựng và chia sẻ mô hình không chất thải tại cộng đồng châu Á được lựa chọn”.
Ông Bùi Minh Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, năm 2020 chính quyền xã đã thành lập Tổ tự quản cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ khu duy trì nguồn giống thủy sản tại rừng dừa nước. Cùng với dự án năm 2021, các hoạt động này sẽ không chỉ phục vụ mục tiêu bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học mà còn phục vụ hữu ích cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng về lâu dài.
Ứng xử của cộng đồng cũng chính là tác nhân quan trọng để ứng phó biến đổi khí hậu. Với ngư dân, không dễ để thuyết phục họ về sự hài hòa trong sinh kế và bảo tồn môi trường biển. Thời gian qua, đã có 16 buổi truyền thông về quy chế quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được tổ chức nhằm truyền thông đến gần 1.000 ngư dân ở 6 địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh.
Việc ngư dân các xã Tam Thanh (Tam Kỳ), Tam Tiến (Núi Thành), Bình Nam (Thăng Bình)… thường xuyên thả rùa xanh, rùa biển vô tình mắc lưới về biển cho thấy dấu hiện tích cực trong chuyển đổi nhận thức. Dự án “Bảo tồn bãi đẻ rùa biển có sự tham gia của cộng đồng” đã hình thành được mạng lưới tình nguyện viên bảo vệ rùa biển ở 15 xã, phường ven biển với 45 thành viên.
TS. Chu Mạnh Trinh - cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chia sẻ, điều đáng mừng nhất trong các buổi truyền thông cộng đồng là bà con ngư dân không còn tiếp nhận thông tin một cách thụ động. Ở đó họ đã mạnh dạn đưa ra ý tưởng, phản biện từ chính kinh nghiệm, vốn sống của mình, từ đó các bên liên quan sẽ chọn lọc giải pháp phù hợp nhất trong bảo tồn và phát triển.