Trước sự xâm hại của thiên tai và nhân tai làm suy thoái nặng hệ sinh thái rừng nhập mặn ở cửa sông, ven biển Núi Thành, nhiều dự án, chương trình khôi phục lại hiện trạng đã được chính quyền và người dân quan tâm.
Rừng nghèo
Vùng ven đầm An Hòa trải dọc các xã Tam Hiệp, Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải (Núi Thành) lâu nay đã và đang nuôi sống hàng nghìn hộ dân địa phương dựa vào nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt cơ sở hạ tầng, cầu cảng, các khu công nghiệp và đánh bắt nguồn lợi thủy sản mang tính hủy diệt là tác nhân làm suy kiệt hệ sinh thái rừng ven sông. Trước đây, Núi Thành có dải rừng ngập mặn trùng điệp với sự hiện diện của vô số loài cây bần trắng, mắm đen, đước và các loài động vật quý như nghêu, sò, cua đá, sá sùng, ghẹ, cá đối, cá dìa… Rừng ngập mặn phân bố rải rác ở các xã Tam Hải, Tam Quang và Tam Giang ước dưới 70ha. Suy thoái rừng dễ thấy nhất là khu vực Cồn Si (xã Tam Hải) – vốn nổi tiếng là “xứ sở” của rừng ngập mặn nhưng hiện chỉ còn vỏn vẹn dưới 10ha cây bần trắng và mắm đen. Ở xã Tam Quang, các loài cây ngập mặn chỉ còn hơn 3,5ha. Từ hàng trăm héc ta rừng, giờ đây Đông Xuân (xã Tam Giang) chỉ có hơn 20ha cây đước, vẹt, bần rải rác dọc sông Trường Giang…
Người dân ở xã Tam Giang đang phục hồi rừng ngập mặn. Ảnh: B.H |
Lý giải về sự biến mất của rừng ngập mặn và thảm cỏ biển, ngành chức năng của huyện Núi Thành cho rằng, do sức ép của tăng dân số cơ học và hệ lụy phát triển kinh tế - xã hội chóng mặt ở khu vực đầm An Hòa. Sự lệ thuộc của cư dân sở tại quá nhiều vào tài nguyên và “tham vọng” mở rộng vùng sản xuất… cũng là nguyên nhân làm nghèo kiệt rừng. Mối tương quan biện chứng khi thảm cỏ biển và cây rừng suy giảm, kéo theo nguồn lợi thủy sản không giàu thêm mà ngược lại giảm sút cá thể. Cuộc khảo sát nhỏ cho thấy, so với 2 thập niên trước, sản lượng cua tra ở vùng này đã bị giảm đến 90%, ghẹ giảm 20%, tôm đất giảm 80%. Còn loài san hô thì giảm đến mức lo ngại (có nơi giảm xuống 10%).
Những tác động tiêu cực của thiên tai lẫn nhân tai vào vùng ven sông, cửa biển đã được cảnh báo từ lâu, nhưng thực tế khả năng phục hồi rừng thời gian qua rất chậm. Các chiến lược, kế hoạch, chương trình ngắn hạn lẫn dài hạn về bảo tồn đa dạng sinh học dù đã phê duyệt nhưng nguồn lực đầu tư rất ít ỏi, thiếu đồng bộ. Các dự án triển khai thí điểm ở một số nơi chỉ dừng lại ở mô hình, không có nhân rộng. Dự án phát triển thảm cỏ biển ở xã Tam Giang, rạn san hô xã Tam Hải đến thời điểm này cũng chỉ là… mô hình.
Cộng đồng vào cuộc
Luật Đa dang sinh học và Nghị định 65/2010/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của luật này vào năm 2010 là “bản lề” quan trọng để thực thi, bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái. Tuy vậy, chính sách muốn đi vào cuộc sống đòi hỏi cộng đồng xã hội vào cuộc. Theo Chi cục Biển và hải đảo (Sở Tài nguyên – môi trường), những năm gần đây, giải pháp tái tạo rừng ngập mặn ở vùng An Hòa đã được chính quyền quan tâm. Tại khu vực Cồn Si (xã Tam Hải), kế hoạch 30ha rừng sẽ phủ xanh trong nay mai; các bãi bồi dọc theo đường bờ thuộc các xã Tam Quang và Tam Giang cũng xúc tiến trồng rừng. Một số người dân chủ động nuôi tôm bền vững bằng cách kết hợp với trồng rừng trong ao, đìa nuôi nhằm giảm nguy cơ bệnh tật cho các đối tượng nuôi, làm giàu thảm thực bì.
Ở một số nơi, cộng đồng dân cư thống nhất đưa ra các quy định được và không được phép khai thác nguồn lợi thủy sản. Điển hình, khu vực bảo vệ hệ sinh thái san hô Tam Hải (vùng biển và đất liền) thuộc thôn Thuận An, Hòn Mang, Hòn Dứa có tổng diện tích 1.500ha, chia ra 4 vùng quản lý gồm vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng khai thác hợp lý, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và vùng phát triển cộng đồng. Còn ở khu bảo tồn hệ sinh thái Tam Giang, đang đề xuất một số vùng cấm khai thác nguồn lợi thủy sản. Theo chính quyền địa phương, thách thức hiện nay là cần có lộ trình và nguồn lực tài chính để giúp nhân dân chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Các thảm cỏ biển trong đầm An Hòa, tương lai sẽ là vùng chấm dứt vĩnh viễn tình trạng khai thác giã cào, xung điện, cào xúc đánh bắt động vật… Trong các nhóm giải pháp đưa ra bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng ven sông, cửa biển Núi Thành, các nhà quản lý đề xuất cần xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp khu vực đầm An Hòa; giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng; thực thi luật pháp bảo vệ tài nguyên – môi trường và giám sát tài nguyên chặt chẽ…
BÍCH HẠNH