Đa dạng sinh học tại Đông Nam Á bị đe dọa

NAM VIỆT 02/03/2018 15:57

(QNO) - Đông Nam Á hiện được xem là một trong những điểm nóng về đa dạng sinh học toàn cầu.

Khai thác cọ tại Indonesia. Ảnh: Reuters
Khai thác cọ tại Indonesia. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia khoa học cho biết đa dạng sinh học tại khu vực chưa bao giờ bị đe dọa đến thế. Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Đông Nam Á là khu vực có sự đa dạng sinh học rất phong phú. Mặc dù chỉ chiếm 3% diện tích bề mặt trái đất, nhưng khu vực này là nơi trú ngụ của 18% các loài động thực vật trên thế giới. Nhưng đây lại là một trong những nơi diễn ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng nhất, khiến gần 15% diện tích rừng tại khu vực bị mất đi trong vòng 15 năm qua.

Tại Philippines mất tới 89% độ che phủ rừng nguyên sinh. Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy nhiều vùng đã được chuyển đổi từ rừng nguyên sinh sang nông nghiệp, khai phá rừng để trồng cây cao su, dầu cọ trong vòng một hoặc hai thập kỷ qua. Phá hủy 40% diện tích rừng nhiệt đới trong 70 năm là cái giá Indonesia phải trả để trở thành nhà sản xuất dầu cọ lớn hàng đầu thế giới. Các vụ đốt rừng tại Indonesia thường gây khói mù dày đặc và thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD cho các nước láng giềng mỗi năm. Thậm chí dự báo trong vòng 9 năm tới, ở một số nơi trong khu vực sẽ mất đi 98% diện tích còn lại hiện nay. Nhiều loài động vật quý hiếm tại khu vực đã và đang bên bờ vực tuyệt chủng.

Không chỉ có vậy, các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng 78 con đập dự kiến xây dựng trên dòng nhánh sông Mê Kông có thể làm suy giảm 20-70% số lượng các loài cá di cư, tác động đến nguồn cung và sinh kế của hàng chục triệu người tại khu vực; đồng thời phá hủy môi trường sống trên cạn và gây ra hạn hán trong khu vực. Do vậy, trước thềm cuộc họp Hội đồng lần thứ 24 của Ủy hội sông Mê Kông vào cuối năm ngoái, Liên minh Cứu sông Mê Kông đưa ra bản Tuyên bố bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với việc phát triển các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn tại khu vực Đông Nam Á bị thu hẹp do chuyển đổi đất canh tác. Theo tờ Channelnewsasia, 100.000ha rừng ngập mặn của Đông Nam Á đã biến mất từ năm 2000 đến 2012. Như tại Myanmar, việc mở rộng trồng lúa khiến hơn 1/5 diện tích rừng ngập mặn ở Đông Nam Á biến mất. Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải CO2 và biến đổi khí hậu.

Một đe dọa khác cho đa dạng sinh học tại khu vực Đông Nam Á là tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp với doanh thu đến 20 tỷ USD mỗi năm, đây là hoạt động thương mại bất hợp pháp lớn thứ tư trên thế giới. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WFF) cho biết, chỉ trong vòng 4 thập kỷ từ 1970 đến 2010, số lượng các loài động vật hoang dã trên trái đất giảm đi một nửa. Để tránh phải bó hẹp tăng trưởng bởi bị hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhiều nước đang phát triển được bảo đảm nhận gấp đôi mức hỗ trợ cho việc bảo vệ đa dạng sinh học. Nhưng mục tiêu này cũng đã không hoàn thành và đây cũng là tác nhân ảnh hưởng không nhỏ đến bảo vệ đa dạng sinh học. Các mục tiêu như quản lý tốt hơn nguồn cá, mở rộng các khu thiên nhiên cần bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái đã bị hư hại vẫn chưa đạt được và các cố gắng của khu vực Đông Nam Á nói riêng cũng như toàn cầu nói chung nhằm bảo vệ đa dạng sinh học là chưa đủ. 

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đa dạng sinh học tại Đông Nam Á bị đe dọa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO