(QNO) - Trước sự sụt giảm nguồn khách nội địa và khách châu Âu việc đa dạng thị trường khách, nhất là những dòng khách mới nổi như Đài Loan, Ấn Độ, Đông Nam Á được xem là giải pháp thay thế hiệu quả hiện nay của du lịch Quảng Nam.
Ảm đạm thị trường khách quốc tế
Chuyến bay mang số hiệu JX701 do Hãng hàng không Starlux khai thác chở 171 du khách từ Đài Bắc hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Đà Nẵng sáng 28/10 vừa qua đánh dấu sự quay lại của thị trường khách Đài Loan kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Với tầng suất 3 chuyến/tuần, đường bay Đà Nẵng - Đài Bắc (Đài Loan) hứa hẹn bổ sung lượng khách đáng kể cho miền Trung, Quảng Nam trong những tháng còn lại của năm, qua đó không chỉ giúp đa dạng nguồn khách mà còn tạo tiền đề cho các địa phương phục hồi dòng khách quốc tế thời gian đến.
Qua 10 tháng của năm 2022 mặc dù du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ, tuy vậy thị trường khách nước vẫn chưa như kỳ vọng. Số liệu thống kê từ Tổng Cục du lịch cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt hơn 2,35 triệu lượt, giảm 83,7% so với cùng kỳ 2019 (năm chưa xảy ra dịch COVID-19). Riêng trong tháng 10, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt hơn 484 nghìn lượt.
Tại Quảng Nam, sự quay trở lại của dòng khách nước ngoài cũng chưa mấy sáng sủa. Trong tổng số hơn 4,4 triệu lượt khách tham quan, lưu trú Quảng Nam qua 10 tháng của năm 2022, khách quốc tế chỉ đạt trên 464 nghìn lượt, so với mục tiêu đón 700 nghìn lượt khách quốc tế ngành du lịch đặt ra năm 2022, khoảng cách con số trên vẫn khá tương đối xa.
Có thể khẳng định, việc các đường bay trực tiếp kết nối Đà Nẵng với một số thị trường khách quốc tế liên tiếp mở ra những tháng gần đây đã mang đến những tín hiệu tích cực, nhưng để thu hút và giữ chân du khách quốc tế lưu trú lại Quảng Nam trước sự cạnh tranh với các tỉnh, thành lân cận sẽ là bài toán không hề đơn giản.
Theo ông Nguyễn Sơn Thủy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, trong tình hình lượng khách quốc tế quay lại miền Trung chưa nhiều và các doanh nghiệp, địa phương “khát” khách như hiện nay thu hút khách quốc tế đến Quảng Nam sẽ là bài toán không hề dễ dàng, vì vậy đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ từ phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới đến môi trường du lịch an toàn, thân thiện...
Tại TP.Hội An, số liệu phân tích cho thấy bình quân ngày khách lưu trú hiện rất thấp (khoảng 1,09 ngày/khách),so với mục tiêu 3 ngày/khách mà thành phố đặt ra hồi đầu năm xem như khó thực hiện được. Tình hình này không chỉ diễn ra trong những tháng còn lại của năm 2022 mà dự báo còn có thể kéo sang năm 2023 và những năm tiếp theo.
Hướng về thị trường khách gần
Theo báo cáo của Tổng Cục du lịch, trong số hơn hơn 2,35 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng của năm 2022, khách châu Á có số lượng nhiều nhất với hơn 1,6 triệu lượt. Trong đó, Hàn Quốc vẫn là thị trường có lượng khách du lịch lớn nhất với trên 619 nghìn lượt.
[VIDEO] - Thị trường khách quốc tế đến Hội An ngày càng đa dạng
Bên cạnh đó, một số thị trường khách mới nổi sau đại dịch như Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản cũng khá cao, lần lượt hơn 134 nghìn lượt (Campuchia) Nhật Bản (hơn 12 nghìn) và Thái Lan (gần 11,5 nghìn lượt). Ngoài ra, còn có Singapore, Malaysia, Úc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Tại Quảng Nam, trong số 464 nghìn lượt khách quốc tế tham quan, lưu trú trên địa bàn 10 tháng của năm, hầu hết đến từ các thị trường gần như Hàn Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ, khách châu Âu chiếm tỷ lệ khá thấp (khoảng 10%).
Ông Nguyễn Sơn Thủy nhìn nhận, đa dạng thị trường khách là tất yếu, đặc biệt trước sự sụt giảm của các dòng khách Âu – Mỹ.
“Bây giờ chỉ cần có khách là tốt rồi, nên khách nước nào không quan trọng miễn sao doanh nghiệp có thể kinh doanh và sống được”, ông Thủy chia sẻ. Thực tế, từ vài năm nay cơ cấu khách quốc tế đến Quảng Nam đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ khi các thị trường khách Đông Á, nhất là khách Hàn Quốc luôn vượt lên vị trí dẫn đầu.
Hiện tại, mặc dù khách Hàn Quốc, Nhật Bản đã bắt đầu quay lại nhưng so với thời điểm trước dịch số lượng còn khá khiêm tốn. Vì vậy, việc phát triển các dòng khách mới, giúp đa dạng thị trường khách càng trở nên cấp thiết.
Theo ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, để chủ động dòng khách mới, địa phương, doanh nghiệp phải xây dựng được các sản phẩm, dịch vụ phù hợp, khác biệt mang nhiều giá trị văn hóa bản địa như là cách tự làm mới mình, bởi những năm qua Hội An, Quảng Nam hầu như không có nhiều sản phẩm thật sự mới mẽ, hấp dẫn phục vụ khách.