Đã đến đây chơi một lần"

HỨA XUYÊN HUỲNH 01/03/2019 10:40

Ngay đến nhân vật giả tưởng giác ngộ được tính Không như Tôn Ngộ Không mà cũng táy máy vung bút “đáo thử nhất du” để lưu dấu ấn cá nhân, thì người đời nay mấy ai thoát khỏi được nhu cầu thể hiện?

1. Đọc Tây du ký của Ngô Thừa Ân (và sau này là seri phim chiếu đi chiếu lại trên truyền hình), ai cũng quá quen với câu chuyện Tôn Ngộ Không bị Phật tổ Như Lai xoay bàn tay đè dưới ngọn núi suốt 500 năm. Nhưng trước khi lão Tôn bị đè, đã xảy ra một cuộc thách đố nghiêm túc (đức Phật thách Ngộ Không thoát khỏi lòng bàn tay ngài) và một tình huống hài hước (Ngộ Không viết bậy lên ngón tay Phật và vạch quần tiểu tiện).

Nhắc lại, do quá tự tin vào công phu cân đẩu vân nhào lộn một vòng bay xa một vạn tám ngàn dặm, Tôn Ngộ Không nhận lời nhảy khỏi lòng bàn tay đức Phật. Khi nhảy đến một nơi tưởng đã cùng trời cuối đất, nhìn quanh chỉ có 5 cây cột (thực ra là 5 ngón tay Phật tổ), Ngộ Không liền viết 8 chữ “Tề Thiên Đại Thánh đáo thử nhất du” (Tề Thiên Đại Thánh đã đến đây chơi một lần) trên cột ở giữa, rồi tiểu tiện xuống gốc cột thứ nhất. Chuyện diễn ra sau đó, không cần nhắc lại.

Có hai lý do để Tôn Ngộ Không (lúc đó đã được Ngọc Hoàng phong tước Tề Thiên Đại Thánh) viết chữ lên ngón tay Phật: vừa để làm bằng chứng với người thách đố, vừa muốn ghi dấu ấn cá nhân. Rằng đã đến đây chơi….

Mấy trăm năm sau, du khách cùng quê với lão Tôn (Trung Quốc) cũng viết dòng chữ “Tôi từng đến đây” trên các biển chỉ dẫn lên đỉnh Everest, nóc nhà thế giới. Chuyện xảy ra hồi tháng 5.2016 và được báo chí loan tin, trong đó nhiều vị khách ưa viết vẽ bậy bị đưa vào “danh sách đen” và sẽ cấm chinh phục đỉnh núi này lần nữa. Nhưng một khi khách hàng là thượng đế, nhu cầu thể hiện kiểu “đã đến đây chơi một lần” khó bề giảm thiểu, cơ quan quản lý du lịch liền nghĩ ra hướng dung hòa cả hai: Xây các bia đá mới, để du khách lưu dấu ấn cá nhân lên đấy.

2. Thêm chuyện du khách Nga từng bị bắt vì vẽ bậy lên đấu trường La Mã tại Rome (Ý) hồi năm 2014, để thấy “nạn” phá hỏng di tích không dành riêng cho quốc gia nào. Nhưng với xứ ta, lối thể hiện cá nhân cũng có chỗ “khác biệt” so với phần lại của thế giới. Không phải vô cớ mà có tờ báo đã giật tít: “Vẽ bậy vào di tích, thói quen khó bỏ của một số người Việt”.

Đúng là viết vẽ bậy đã và đang diễn ra khắp nơi. Người ta vẽ lên đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (Huế), lên tháp Hòa Phong (Hà Nội), lên bia đá trên núi Bài Thơ (Quảng Ninh). Chuông nhà Thái học trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng chẳng tha, những tháp Chăm cổ dọc miền Trung hay tường gạch nhà thờ Đức Bà ở TP.Hồ Chí Minh cũng không chừa. Mà nội dung viết thì phong phú vô kể, nào cầu phúc cầu lộc cầu học giỏi, nào thề nguyền “anh yêu em”… Thậm chí, có kẻ đến trước viết câu “Cường kute đã đến đây!”, thì người đến sau phản ứng ra mặt với dòng kế bên dưới “Kệ con mẹ mày”.

Tôi cũng là người đến sau, khi vừa có dịp tham quan hệ thống nhà tù Côn Đảo. Ở trại 7 xây dựng từ năm 1971 (sau Hiệp định Paris đổi tên là trại Phú Bình), nhiều du khách trong đó có tôi hết sức ngạc nhiên trước dòng chữ trắng viết trên tường. Nội dung dòng chữ cho thấy những cái tên liệt kê (Nam, Hiếu, Hoạt) là cán bộ trong câu “Đoàn Trung tâm kỹ thuật tài nguyên VT đã đo đạc ở đây”. Cạnh đó là dòng chữ khác: “Đoàn T2 KT Tài nguyên tham quan…”. “VT” có thể là Vũng Tàu, bây giờ là Bà Rịa – Vũng Tàu chăng? Nếu đúng họ là những cán bộ từng đo đạc ở khu di tích đặc biệt có tổng diện tích 25.788m2 (hết 9.630m2 phòng giam), một “chuồng cọp kiểu Mỹ” với hệ thống nhà giam 384 phòng giam chia thành 8 khu, riêng khu G-H là nơi nổi dậy giải phóng giành chính quyền đầu tiên ở Côn Đảo lúc 1 giờ sáng ngày 1.5.1975, thì thật đáng trách. Đo đạc để kiểm kê đánh giá di tích còn như thế, huống hồ khách lạ một lần xẹt ngang qua?

3. Trong các nhân vật của nhà văn Kim Dung, có một người từng nảy ý định “viết một cái gì đó”, nhưng bỏ dở. Đó là Đoàn Dự. Hẳn mọi người còn nhớ, ngay từ hồi 2 “Lời nguyền Vạn Kiếp cốc” trong Thiên long bát bộ, khi bị truy đuổi, chàng công tử họ Đoàn nhà Đại Lý đã vô tình lạc vào cấm địa Tây tông của Vô Lượng kiếm phái, sau đó lọt tiếp vào hang động và có cơ duyên nhặt được bí kíp của phái Tiêu Dao. Lúc rơi tõm xuống hang núi, một khung cảnh tuyệt mỹ hiện ra trước mắt Đoàn Dự, đối diện là vách đá nhẵn bóng như ngọc nghi là Vô Lượng ngọc bích - nơi các vị tiên thường hiển lộ trong đêm trăng sáng. Loay hoay thoát thân nhưng bất thành, Đoàn Dự lại tìm thấy một phiến thạch bích phẳng khác, nghi đây mới chính là Vô Lượng ngọc bích và muốn khắc lên đấy 8 chữ “Đại Lý Đoàn Dự chết tại nơi đây”. Tiếc rằng nhà văn Kim Dung không cho nhân vật khắc đủ 8 chữ. Vì mới khắc xong chữ “Đoàn”, nhìn lại thấy chữ méo xẹo sợ người đời sau chê cười, nếu viết hết cả dòng thì chắc để tiếng xấu đến muôn đời, Đoàn Dự bèn liệng hòn đá không khắc nữa…

Mỗi khi nhìn thấy các biển cảnh báo in dòng chữ “Cấm viết vẽ bậy lên di tích!”, có bao giờ bạn nghĩ đấy là dòng chữ thích ngược lên trán những người ưa thể hiện cá nhân bất chấp quy định không? Bởi “dấu ấn cá nhân” đôi khi nằm ở cuối hành trình một đời người, chứ không biểu thị trên các con chữ được viết, khắc lung tung. Ngẫm mà xem, Tôn Ngộ Không có viết 8 chữ trên ngón tay Phật tổ chỉ là thủ thuật của tác giả để thể hiện tính cách nghịch ngợm của thạch hầu. Công tử Đoàn Dự khắc lên phiến đá 1 chữ rồi cũng kịp dừng, vì sợ hậu thế chê… viết xấu. Vậy du khách Việt có bao giờ tự răn mình khi đứng trước di tích linh thiêng hay thắng cảnh hấp dẫn?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đã đến đây chơi một lần"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO