Có một ngôi làng ở miền biên viễn giáp với nước bạn Lào, nơi cuộc sống rất thiếu thốn nhưng người dân ở đây biết san sẻ yêu thương và cùng nhau chung sống rất hạnh phúc. Một cổ tích về ngôi làng hạnh phúc nơi tít mù biên cương.
Tặng bò quay vòng
Khu 7 của huyện Tây Giang gồm 4 xã Tr’Hy, A Xan, Ga ry, Ch’om, đây là một trong những vùng xa xôi và nghèo khó bậc nhất của tỉnh. Hỏi về khu 7, nhiều cán bộ miền xuôi kể rằng trước đây muốn đến đó phải cuốc bộ đúng 7 ngày. Đã vào mùa mưa rừng, con đường quốc phòng từ trung tâm huyện Tây Giang đến với xã Ga ry mịt mù trong mưa giăng, gió rét. Vừa đặt chân đến Đồn Biên phòng 651 (Ga Ry), câu chuyện của những người lính nơi biên thùy kể về sự đùm bọc lẫn nhau của đồng bào Cơ Tu dưới chân núi Tà Xiêng khiến mọi người ấm lòng.
Dù nghèo, đồng bào Cơ Tu ở làng Da Ding vẫn tặng bò cho nhau để thoát nghèo. Ảnh: Đ.TẤN |
Ngôi nhà của già làng Alăng Nhắp (70 tuổi, thôn Da Ding, xã Ga ry) nằm ngay dưới con dốc dẫn vào làng. Đó là một ngôi nhà gỗ như bao ngôi nhà của người Cơ Tu miền biên viễn khu 7 này, có khác chăng là chủ nhân của ngôi nhà này đã mang niềm vui đến cho nhiều gia đình ở làng Da Ding. Già làng Nhắp đang cặm cụi bên khe nước để làm mâm cơm với thịt heo đãi xóm giềng. “Mình có nuôi mấy con heo mà nó phá rào chạy vào rừng, trai tráng trong thôn phải đuổi theo cả buổi, xế chiều mới khiêng chúng về được. Mình cảm ơn bà con bằng bữa cơm, chén rượu sâm khu 7, chứ đưa tiền là bà con không nhận đâu. Đó là cái lệ rồi” - già Nhắp nói.
Tuổi 70 già Nhắp vẫn hào sảng, tiếng nói oang oang. Nhìn về những ngôi nhà của đồng bào, già tâm sự: “Mình nuôi được con bò thì bà con mình cũng phải có con bê, con heo để làm kế sinh nhai chớ. Bò nhà mình đẻ con, nuôi nó lớn lên là mình mang đến tận nhà bà con để cho”. Đang dở câu chuyện thì anh Bríu Như bước vào nhà già Nhắp. Anh Như bảo cùng thằng con đưa con bò chăn thả vào rừng. Bríu Như là một trong những gia đình đã được già Nhắp cho bò để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Bríu Như nhìn vị già làng đầy vẻ kính trọng, anh kể: “Nhà đông con, chỉ dựa vào nương rẫy để sống qua ngày. Mình lại như cây gỗ già, đau ốm miết nên làm khổ vợ, khổ con. Rồi một hôm già Nhắp đến, ông đi trước, con bò cái thủng thẳng đi theo sau. Già nói ta cho mày con bò nuôi đẻ ra con bê, đẻ ra cả đàn bò luôn. Nghe già nói vậy mình tưởng là nằm mơ, giá mỗi con bò nơi đây từ 25 - 30 triệu đồng, bán đi một con là mua được cái xe máy đẹp rồi. Già Nhắp làm mình không tin nổi”. Rồi già làng nhìn quanh nhà Bríu Như, chẳng có chi đáng giá. Đàn heo bị trận dịch chết hết nên bỏ hoang từ năm trước. Vị già làng gật gù. Vài ngày sau, già Nhắp lại mang con heo nái núng nính xuống trao tận tay Bríu Như, dặn dò: “Chịu khó vô rừng Da Ding đốn những cây chuối to, dài về nuôi chỉ dăm tháng là bán được rồi. Có vốn lại nuôi thêm heo nữa mới có cái ăn, cái mặc”.
Không chỉ Bríu Như, già Nhắp còn tặng bò cho gia đình Alăng Hơi, Alăng Choơi, Zơzâm Nhưn… Vị già làng nhìn mông lung, giọng chợt trầm xuống: “Cho tiền, cho xe máy thì đám thanh niên, đàn ông sẽ ăn tiêu hết, chẳng khác nào thả chim vào rừng. Tôi cho con bò, con heo là cho cái để làm ăn, sinh kế lâu dài. Có vậy thì đồng bào mới đỡ khổ”. Cũng thật lạ, già Nhắp nuôi được đàn bò lên đến 60 con, nhưng ông cứ thấy ở thôn Da Ding, A Ting, Arooih… có người nghèo khổ là dắt bò đến cho. Đến giờ đàn bò của ông còn được 15 con. “Chúng tôi coi ti vi thấy cho bò ở chương trình Lục lạc vàng, dân ở đây không chờ cặp bò ấy đâu. Bao giờ cho tới. Tự mình làm thôi. Cho người khác cũng là niềm vui. Mình làm điều đó cho con cháu mình thấy mà sống tốt. Nếu nó nghèo thì họ cho lại nó, không sao cả” – Già Nhắp nói cười ha hả.
“Truyền thống của đồng bào mình nó vậy. Xưa kia giàu có thì cho nhau chiêng ché. Chừ thì cho nhau con bò, con heo. Mình giàu sang mà xóm giềng chung vách cực khổ thì sao mà ăn ngon miệng được”. (Già làng Alăng Nhắp) |
Không chỉ có già Nhắp, ở vùng biên viễn này vẫn còn nhiều người trượng nghĩa, dù cuộc sống của họ chẳng khấm khá là bao. Zơzâm Nhơ ở thôn Arooih cũng được xem là “ông bụt” của đồng bào. Nhơ cho biết, từ năm 2011, ông mua được 4 con bò, nuôi và nhân giống lên đến 16 con. “Ở đây chăn nuôi trâu, bò khỏe lắm, cây cỏ trong rừng tươi tốt nên chúng béo núc ních và nhanh lớn” - ông Nhơ tâm sự. Nhìn đàn bò to béo của mình, nhưng đồng bào nhiều người không có 1 con để làm cần câu cơm khiến ông Nhơ cũng buồn lòng. Một hôm, ông gặp Zơzâm Nhíu lang thang trên đường, Zơzâm Nhíu nói: “Nhà có con bò mà đợt lạnh vừa rồi chết mất nên chẳng có chi làm, mình đi lang thang kiếm cây củi thôi”. Chiều hôm đó, Nhơ dắt một con bò đến tận nhà Nhíu và cầm sợi dây thừng trao tận tay với lời tâm niệm “mong anh cũng sẽ có đàn bò như tôi”. Ít lâu sau, Zơzâm Nhơ lại cho nhà Zơzâm Xim một con bò, rồi những gia đình khó khăn khác cũng được tặng bò.
Chuyện người Cơ Tu dưới chân núi Tà Xiêng tặng bò, heo cho nhau đã trở thành chuyện thường vẫn diễn ra hằng ngày. Ngay ông Ria Nhíp – Chủ tịch UBND xã Ga Ry cũng có đàn bò 20 con nhưng ông cũng cho xóm giềng gặp lúc khó khăn như nhà anh Zía Nhứp, Zía Như... “Nhiều hộ có con bò cái rồi thì cho thêm con bò đực, có con đực thì cho thêm con cái để làm giống, sinh sôi nảy nở nhiều hơn, rồi họ tiếp tục tặng cho người nghèo khác” – ông Zơrâm Nhưng, Phó Chủ tịch UBND xã Ga ry chia sẻ thêm về tính tương ái của đồng bào.
Truyền thống...
Những ngày lan man ở vùng biên viễn, chuyện về già làng Alăng Nhắp vẫn được những chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga ry và đồng bào Cơ Tu nơi đây kể nhau nghe như câu chuyện cổ tích. Trung úy Zơ Rum Xiết - Đội vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Ga ry) tâm sự: “Nghĩa cử của già Nhắp và nhiều gia đình khác đã viết nên những hình ảnh thật đẹp ở vùng biên cương xa xôi này”.
Già Nhắp vẫn giữ cái giọng oang oang khi chia sẻ về quá khứ là một người chăn bò của mình. Những năm sau giải phóng, giải ngũ trở về nhìn quê hương biên thùy còn nghèo khó quá, dân chỉ trông vào mùa lúa rẫy chắc lép với trời nên cuộc sống quá phập phù. Alăng Nhắp đùm cơm quyết định cuốc bộ xuống miền xuôi mua bò về chăn. “Ngày ấy, đường từ Ga ry xuống đến chợ bò Túy Loan (Đà Nẵng) chỉ có đi bộ, gùi theo cơm nắm, gạo rang mà cầm cự. Mua được con bò với giá 30 đồng, dắt bò từ Túy Loan về nữa là hết 10 ngày. Nhiều đoạn dốc dựng ngược, bò cũng chồn chân không chịu đi” - già Nhắp phóng tầm mắt xa xăm nhớ về thời xưa cũ. Mua được con bò ở miền xuôi quá nổi cực nhọc, ALăng Nhắp lại chuyển sang bên kia biên giới Lào vào huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông) để mua. Nhắp cắt rừng đi, mỗi chuyến vậy chỉ mất có 3 ngày là về đến nhà. “Bao nhiêu chiêng, ché, đồng hồ đeo tay mình mang qua Lào đổi lấy bò mang về. Thật ra đồng bào bên nớ cũng là bà con Cơ Tu trong nhà với nhau thôi” – già Nhắp nói.
Có bò, hằng ngày từ sớm tinh mơ, Nhắp được vợ nấu sẵn lam cơm để gùi theo và đưa bò vào chân núi Da Ding để chăn thả. Tối đến Nhắp lại lùa bò về. “Mình làm người chăn bò ròng rã nhiều năm trời mới gầy dựng được đàn bò hơn 60 con. Đó là một tài sản rất lớn từ mồ hôi, nước mắt của vợ chồng mình góp lại” – già Nhắp tâm tình. Hỏi ông: “Vất vả lắm mới có số tài sản lớn như vậy sao không dựng nhà cửa, gửi tiết kiệm lo tuổi già?”. Già Nhắp giọng dịu đi: “Truyền thống của đồng bào mình nó vậy. Xưa kia giàu có thì cho nhau chiêng ché. Chừ thì cho nhau con bò, con heo. Mình giàu sang mà xóm giềng chung vách cực khổ thì sao mà ăn ngon miệng được”. Chia sẻ của già Nhắp làm chúng tôi lặng người bởi tập tục quá đỗi ân tình trong khu làng trượng nghĩa. Nhiều chiến sĩ biên phòng cho biết, nhiều năm công tác ở đây chẳng bao giờ thấy người dân trong làng la ó nhau, cãi cọ hay gây lộn to tiếng nhau bao giờ. Ở đó chỉ có nụ cười và hành vi con người bị điều chỉnh bởi những luật tục ngàn đời giữa rừng xanh khiến tất cả đều hạnh phúc. Già Nhắp chia sẻ thêm, bây giờ những đồng lương hưu cũng đủ cho 2 vợ chồng già sống cuộc sống êm đềm nơi miền núi xa xôi này. Những con bò còn lại ông giao cho đứa con trai chăn thả, ông cũng không quên dặn con trai mình phải chăm chỉ làm ăn và giúp người khác nếu họ nghèo hơn mình như cha của ông và ông từng làm trong quá khứ.
Còn ông Zơrâm Nhưng - Phó Chủ tịch UBND xã “Truyền thống của đồng bào mình nó vậy. Xưa kia giàu có thì cho nhau chiêng ché. Chừ thì cho nhau con bò, con heo. Mình giàu sang mà xóm giềng chung vách cực khổ thì sao mà ăn ngon miệng được”. thì đúc kết: “Cuộc sống đồng bào ở đây còn cực khổ nhưng được cái họ rất yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Chẳng có nhà nào để cho hàng xóm phải thiếu ăn cả. Từ nhiều năm qua, đã có gần trăm con bò được người dân trao tặng lẫn nhau. Thôn nào cũng có”.
Phóng sự của ĐOÀN TẤN