Đá hát trùng khơi...

XUÂN HIỀN - HỒ QUÂN 24/07/2022 09:12

Cuộc hội ngộ của những người mê đá cảnh - nghệ thuật Suiseki gần như quy mô lớn nhất khu vực miền Trung, khởi lên niềm hy vọng về một không gian trưng bày đá cảnh tại chính xứ sở của những viên đá ngàn năm...

Thích Nhuận Tâm mang những tác phẩm đá cảnh nghệ thuật tâm đắc từ bộ sưu tập của mình đến trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Q.H
Thích Nhuận Tâm mang những tác phẩm đá cảnh nghệ thuật tâm đắc từ bộ sưu tập của mình đến trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Q.H

Triển lãm, trưng bày đá phong cảnh tại Quảng trường biển Tam Thanh là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa - thể thao biển năm 2022 của TP.Tam Kỳ. Với các sản phẩm như đá phong cảnh nghệ thuật, đá phong thủy, đồ cổ UNESCO… quy tụ từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, bắt đầu từ ngày 20.7 đến 24.7, triển lãm tạo nên sức hút khá lớn với người dân và du khách.

Sức hút từ đá

Cơ duyên của cuộc hội ngộ với hơn một nghìn tác phẩm đá cảnh lần này đến từ một người mê đá có tiếng, cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Đá cảnh Việt Nam - Thích Nhuận Tâm.

Ông Tâm là một người quen tên với rất nhiều hoạt động cộng đồng, nghệ thuật của TP.Tam Kỳ. Lần này, ông trở về quê nhà để gầy dựng nên một không gian triển lãm đá cảnh với quy mô gần như lớn nhất ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Hơn 20 gian trưng bày đá cảnh với số nghệ nhân có tác phẩm tham dự lên đến gần 100 người từ các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Yên Bái và Chi hội Sinh vật cảnh của Quảng Nam.

“Tôi nghĩ thật lạ lùng, với một địa phương có nguồn tài nguyên đá tự nhiên phong phú, lại cũng là nơi có nghệ thuật chơi đá cảnh từ rất sớm, nhưng một cuộc triển lãm quy mô lớn thì lại chưa được tổ chức. Chính điều này là cơ duyên để có cuộc hội ngộ ngày hôm nay, tại đất quê hương xứ Quảng của tôi” - Thích Nhuận Tâm nói.

Mong muốn nhiều người sẽ cùng có thêm hiểu biết về một loại hình nghệ thuật, thú chơi độc đáo không kém phần công phu, kén chọn người chơi, cũng là một loại hình nghệ thuật mang tính cảm thụ đặc trưng, “Đá hát trùng khơi” với sự quy tụ của các dòng đá nghệ thuật ngõ hầu muốn tôn vinh giá trị đặc sắc chỉ có từ tự nhiên.

 

Nghệ thuật Suiseki vốn dĩ xuất phát từ Nhật Bản với “Sui” nghĩa là “thủy” (nước) và “Seki” là “thạch” (đá), chính là nghệ thuật thưởng ngoạn đá khi đá vẫn giữ được điều kiện tự nhiên của chúng.

Ở Việt Nam được hiểu là đá nghệ thuật, đá cảnh. Triển lãm quy tụ những tác phẩm đá cảnh thiên nhiên tiêu biểu, đặc sắc, có đầy đủ tên gọi thuộc thể loại vân cảnh và thể loại hình dáng.

Từ những cảnh trí, con vật được thiên nhiên khắc họa trên đá, các nghệ nhân tự cảm nhận và nhìn ra điểm đặc biệt để đặt tên cho từng tác phẩm của mình, thể hiện niềm đam mê và tâm huyết của các nhà sưu tập.

Từ TP.Quảng Ngãi, với bộ sưu tập lên đến hơn 100 tác phẩm, nghệ nhân Phan Bá Trình, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đá cảnh tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đây đều là những tác phẩm được các hội viên của Hội Đá cảnh Quảng Ngãi tìm kiếm công phu cũng như chăm chút gìn giữ từ nhiều năm nay.

“Có khoảng 20 nghệ nhân của hội mang đến triển lãm hơn 100 tác phẩm được chọn lọc kỹ lưỡng, trong đó có 9 tác phẩm đã mang đi dự thi tại các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế.

Trên nền đá chung của miền Trung và Tây Nguyên, về mặt sắc thái, đường vân thì đá của Quảng Nam và Quảng Ngãi cơ bản giống nhau. Trong khi đá từ các tỉnh thành Tây Nguyên thì lại khác về mặt hình thể cũng như kết cấu cơ bản” - nghệ nhân Phan Bá Trình nói.

Tôn vinh tài nguyên bản địa

Tuổi của mỗi viên đá dễ đến hàng triệu năm, qua sự bào mòn của con nước, mỗi viên đá lại có những dáng hình riêng. Chính những hình dáng ấy lại có sức cuốn hút vô cùng với con người. Nó mê hoặc người chơi theo cách riêng. Để tìm thấy và gặp được một viên đá như ý là cả một sự kỳ công tìm kiếm của người yêu mê.

Cái đẹp của đá, theo những nghệ nhân tại cuộc trưng bày, thường phụ thuộc sự suy tưởng của mỗi người. Có khi cái đẹp xuất phát từ màu sắc, cũng có lúc từ hình dáng tự nhiên của nó, hay nhiều khi lại đến từ vân đá. Nếu thực sự đam mê và có óc liên tưởng, mỗi người mỗi ngày lại nhận thấy một vẻ đẹp từ đá.

Các tác phẩm đá cảnh nghệ thuật trưng bày tại cuộc triển lãm. Ảnh: H.Q
Các tác phẩm đá cảnh nghệ thuật trưng bày tại cuộc triển lãm. Ảnh: H.Q

Thích Nhuận Tâm nói: “Người chơi khi bỏ công sức sưu tầm, trau chuốt, bày biện và chiêm ngưỡng, đôi khi có thể rút ra được nhiều triết lý sống sâu xa. Yếu tố đầu tiên của đá quý là nặng và mát, người có khả năng có thể cảm nhận được năng lượng trong đá.

Theo phong thủy, đá có khả năng tăng cường sức mạnh tinh thần, mang lại nhiều may mắn và thành công. Ngắm nhìn những khối đá, mỗi người có cảm nhận khác nhau, liên tưởng tới con người, sự vật, hiện tượng trong cuộc sống.

Chơi đá cảnh nhiều năm, tôi nhận thấy chúng có sự biến hóa. Mỗi viên đá cảnh đều mang nhiều sắc thái khác nhau, riêng biệt. Thưởng ngoạn đá cảnh lâu năm, có thể nghe ra cả ngôn ngữ của chúng”.

Từ những viên đá nguyên thủy, muốn có viên đá đẹp, gợi nhiều liên tưởng cho người xem, còn cần thêm quá trình kỳ cọ kỹ lưỡng và làm đế. Nhiều người còn thích đề thơ hoặc vẽ tranh vào đá, nhưng với người chơi nghệ thuật Suiseki, các nghệ nhân luôn tôn trọng tính chất nguyên thủy của đá.

Đá cảnh có các loại như trầm tích, cát kết, sét kết và sỏi kết. Sự bào mòn của nước qua thời gian dài đã tạo ra những tác phẩm độc đáo nên đá đẹp thường xuất hiện ở nơi có thác, suối… Đây cũng chính là thế mạnh để nghệ thuật chơi đá cảnh tại Quảng Nam phát triển với những nghệ nhân say mê và cất công tìm kiếm.

Với gần 200 tác phẩm, các nghệ nhân từ Hội sinh vật cảnh huyện Duy Xuyên có đến 4 gian hàng trưng bày. Nghệ nhân Nguyễn Xuân Thịnh - Hội đá cảnh Duy Xuyên cho biết, hồn đá và sự hấp dẫn của đá nằm ở khả năng cảm nhận của từng người. Không những thế, chỉ cần thay đổi hướng nắng, không gian trưng bày là “hồn đá” cũng thay đổi.

Quảng Nam sau này sẽ là trung tâm để quy tụ những người chơi đá cảnh từ khắp cả nước chính là kỳ vọng của những nghệ nhân mê nghệ thuật Suiseki. Chính cuộc triển lãm này sẽ là bước đi đầu tiên để cùng nhìn nhận về nguồn tài nguyên bản địa mà vùng đất sở hữu, cũng là cơ hội để quỹ “Đá hát trùng khơi” - một nguồn quỹ được bắt đầu từ cuộc đấu giá tác phẩm đá cảnh, hình thành ngay trong cuộc triển lãm này, được vận hành để có những cuộc chơi dài hơi sau này dành cho những người mê nghệ thuật Suiseki...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đá hát trùng khơi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO