Đà Nẵng điều chỉnh các tuyến xe buýt liền kề ra khỏi trung tâm thành phố: Doanh nghiệp đứng ngồi không yên

VINH ANH 06/12/2017 09:00

Đại diện nhiều đơn vị vận tải buýt liền kề không trợ giá giữa Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã bày tỏ sự không đồng tình và lo lắng trước việc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố thống nhất chủ trương cho phép thời gian điều chỉnh các tuyến xe buýt liền kề ra khỏi trung tâm thành phố bắt đầu từ ngày 1.1.2019.

Sở GTVT Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố điều chỉnh các tuyến xe buýt liền kề ra khỏi trung tâm thành phố bắt đầu từ ngày 1.1.2019.  Ảnh: VINH ANH
Sở GTVT Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố điều chỉnh các tuyến xe buýt liền kề ra khỏi trung tâm thành phố bắt đầu từ ngày 1.1.2019. Ảnh: VINH ANH

Cấm xe buýt tuyến liền kề vào trung tâm

Ngày 15.11.2017, Sở GTVT Đà Nẵng có báo cáo số 5645/BC-SGTVT gửi UBND TP.Đà Nẵng về kết quả làm việc giữa Sở GTVT Đà Nẵng và Sở GTVT Quảng Nam liên quan đến chủ trương của UBND TP.Đà Nẵng về điều chỉnh lộ trình các tuyết xe buýt liền kề không đi vào khu vực nội thành Đà Nẵng. Theo mục 2, báo cáo số 5645, Sở GTVT Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố thống nhất chủ trương cho phép thời gian điều chỉnh các tuyến xe buýt liền kề ra khỏi trung tâm thành phố bắt đầu từ ngày 1.1.2019. Sự điều chỉnh được thực hiện theo hướng: điều chỉnh điểm đầu - cuối tuyến xe buýt số 1 (Đà Nẵng - Hội An) từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng ra Trường Cao đẳng Việt Hàn; tuyến số 3 (Đà Nẵng - Ái Nghĩa) từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng lên trung tâm hành chính huyện Hòa Vang; các tuyến số 4 (Đà Nẵng - Tam Kỳ) từ 45 Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng), tuyến số 6 (Đà Nẵng - Phú Đa) từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng, tuyến số 9 (Đà Nẵng - Quế Sơn) từ bãi xe Thọ Quang được điều chỉnh ra bến xe phía nam Đà Nẵng, do Công ty CP Đức Long Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Như vậy, theo báo cáo trên, toàn bộ 5 tuyến xe buýt liền kề giữa Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ không còn được lưu thông vào trung tâm thành phố như hiện nay mà phải dừng trả - đón khách ở “rìa” thành phố. Điều này đồng nghĩa, hành khách khi đi xe buýt từ Quảng Nam ra Đà Nẵng muốn vào thành phố sẽ phải bắt thêm một chuyến xe khác (có thể là xe buýt tuyến nội thành) và ngược lại. Trước thông tin này, các đơn vị vận tải buýt liền kề giữa Quảng Nam và Đà Nẵng đang hết sức lo lắng vì cho rằng nếu chủ trương này được UBND TP.Đà Nẵng chấp thuận thì xem như “bản án tử” đối với các tuyến xe buýt này. Bởi theo giải thích của đại diện các đơn vị vận tải, họ sẽ mất hết hành khách nếu phải thực hiện theo lộ trình như chủ trương trên; điều đó đồng nghĩa doanh nghiệp phải phá sản.

Ngày 25.4.2017, trong Công văn số 1941/UBND-KTN gửi UBND TP.Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã đề nghị UBND TP.Đà Nẵng nghiên cứu, trước mắt tạm dừng, chưa thực hiện điều chỉnh hành trình các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng theo quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP.Đà Nẵng giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn đến 2030 đã được phê duyệt. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị nghiên cứu nâng cao chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt đối với các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng, theo hướng nâng cấp các tuyến hiện có hoặc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư mới (nếu các đơn vị hiện nay không đáp ứng yêu cầu. (V.A)

Ngày 23.11.2017, đại diện lãnh đạo 9 đơn vị vận tải tham gia hoạt động trên 5 tuyến xe buýt liền kề không trợ giá giữa Quảng Nam và Đà Nẵng đã họp, cùng ký vào bản kiến nghị gửi UBND, Sở GTVT TP.Đà Nẵng và Quảng Nam. Bản kiến nghị khẳng định: “Dù trong quá trình hoạt động vẫn còn một số thiếu sót nhưng các tuyến xe buýt liền kề không trợ giá hoạt động hơn 20 năm qua đã và đang phục vụ tốt nhu cầu đi lại của cán bộ, nhân dân Đà Nẵng và Quảng Nam. Việc điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề giữa tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng theo hướng không đi vào khu vực nội thành Đà Nẵng được áp dụng bắt đầu từ ngày 1.1.2019 thì coi như là bản án tử đối với các tuyến xe buýt với gần 100 phương tiện buýt phải ngưng hoạt động…”. Đại diện các đơn vị vận tải, ông Ông Văn Dũng - Giám đốc Xí nghiệp vận tải (trực thuộc Công ty CP GTVT Quảng Nam) nói: “Nếu đã gọi là xe buýt mà chỉ cho đến Bến xe phía nam Đức Long thì không gọi là xe buýt nữa, mà là xe tuyến cố định. Và nếu TP.Đà Nẵng thực sự chuyển đổi như vậy, đồng nghĩa với việc 100 chiếc xe cùng 300 gia đình đang sinh sống dựa vào đó gặp rất nhiều khó khăn”.

Xin giữ nguyên lộ trình

Hôm qua 5.12, các đơn vị vận tải buýt liền kề có cuộc trao đổi với báo chí về những vẫn đề liên quan. Đại diện các đơn vị cho biết, trong bản kiến nghị đã gửi trước đó đã có nêu đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo UBND và Sở GTVT hai địa phương. Cụ thể, các đơn vị vận tải chấp nhận hoạt động song song với loại hình xe buýt có trợ giá của TP.Đà Nẵng, đồng thời kiến nghị cho phép được giữ nguyên lộ trình các tuyến xe buýt liền kề không trợ giá. Bởi theo lý giải, các tuyến xe buýt không trợ giá không sử dụng ngân sách nhà nước, hoạt động ổn định từ nhiều năm nay, đã thành thói quen đi lại của cán bộ, nhân dân hai địa phương và đóng góp quan trọng trong ổn định trật tự vận tải khách trên địa bàn. Còn các tuyến xe buýt trợ giá mở ra chỉ làm kéo dài thêm thời gian của hành khách đi xe vì đối tượng phục vụ là cán bộ, công nhân viên Quảng Nam và nhân dân 2 địa phương chứ không phải là hành khách đi lại trong nội thành Đà Nẵng. Trong khi việc áp dụng điều chỉnh sẽ buộc hành khách phải mất thêm một lần mua vé cho chặng thứ 2 nếu muốn vào nội thành, điều này chỉ góp phần cho các loại “xe dù” có điều kiện thuận lợi phát triển.

Đại diện các đơn vị vận tải xe buýt liền kề cũng cho biết sẽ điều chỉnh lộ trình phù hợp, nhằm hạn chế xe đi vào sâu trong trung tâm thành phố. Đồng thời cam kết, nếu TP.Đà Nẵng cho phép các đơn vị vận tải hoạt động lâu dài, đúng lộ trình thì họ sẽ tự động thay đổi, nâng cao chất lượng dịch vụ bằng cách đầu tư, đổi mới phương tiện. Về doanh nghiệp của mình, ông Ông Văn Dũng cho biết, nếu lãnh đạo thành phố cho các tuyến xe buýt liền kề được đi vào nội thành trong thời gian nhất định thì doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư xe mới, có máy lạnh, có camera giám sát 100% và sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với xe buýt trợ giá. Trong khi đó, đại diện Hợp tác xã Vận tải và kinh doanh tổng hợp TP.Tam Kỳ cho hay, khi lãnh đạo hai địa phương cho doanh nghiệp có lộ trình, thời gian sẽ sẵn sàng đầu tư mới phương tiện vận tải, quán triệt cung cách phục vụ làm vừa lòng hành khách, phù hợp với đà phát triển chung của xã hội.

Chia sẻ với báo chí, đại diện các đơn vị vận tải cũng bày tỏ mong được đối thoại, gặp gỡ lãnh đạo TP.Đà Nẵng để trình bày tâm tư, nguyện vọng và nắm bắt kịp thời chủ trương nhất quán của thành phố. Tuy nhiên đến nay mong mỏi đó vẫn chưa được đáp ứng, mặc dù trong báo cáo của Sở GTVT Đà Nẵng có đề nghị UBND thành phố sớm bố trí lịch làm việc với Hiệp hội Vận tải ô tô và các đơn vị vận tải.

VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đà Nẵng điều chỉnh các tuyến xe buýt liền kề ra khỏi trung tâm thành phố: Doanh nghiệp đứng ngồi không yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO