Với nhiều lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và hạ tầng kỹ thuật, Đà Nẵng được xem là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
TP. Đà Nẵng phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư. Ảnh: T.BÌNH |
Thu hút vốn FDI
Từ ngày 1.1.1997, TP.Đà Nẵng tiếp nhận và quản lý 43 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đầu tư 427,84 triệu USD. Từ đó đến nay, dù bị ảnh hưởng của các cuộc khủng khoảng kinh tế, tài chính của khu vực và thế giới nhưng số lượng dự án, vốn đầu tư đều tăng dần qua các năm, nhất là từ năm 2005 trở đi. Trong 10 tháng đầu năm nay, TP.Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 35 dự án FDI, 15 dự án FDI tăng vốn, tổng vốn đầu tư 47,2 triệu USD. Tính đến 31.10.2013, TP.Đà Nẵng có 275 dự án FDI được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư 3,31 tỷ USD, tổng vốn thực hiện 1,66 tỷ USD (bằng 50,2% tổng vốn đầu tư).
Điểm nổi bật, nhà đầu tư Nhật Bản đang dẫn đầu đầu tư vào Đà Nẵng với 90 doanh nghiệp và Văn phòng đại diện Nhật Bản đang hoạt động, tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD. Câu chuyện bắt đầu từ 10 năm trước, khi ra đời Văn phòng đại diện TP.Đà Nẵng tại Tokyo. Đến nay Đà Nẵng vẫn là địa phương duy nhất của cả nước có văn phòng đại diện tại Nhật Bản và hội tụ các điều kiện để đón các nhà đầu tư. Lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng là một cơ chế đặc biệt từ khu công nghệ cao, thông tin tập trung trên 341ha. Hiện đã có 2 doanh nghiệp đầu tiên của Nhật Bản là Tập đoàn Tokyo Keiki và Công ty Niwachuzo đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn 62 triệu USD. Với tầm nhìn chiến lược của 10 năm trước, Đà Nẵng ngày nay có một lợi thế đặc biệt về quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu với 5 thành phố của Nhật Bản là Kawasaki, Sakai, Mitsuke, Nagasaki, Yakohama và đang xúc tiến hợp tác với 4 thành phố khác (Kobe, Yaidu, Fukuoka và Ohtawara). Quan hệ hợp tác giữa TP.Đà Nẵng và địa phương của Nhật Bản đã tạo sự gắn kết, mang lại cơ hội hợp tác đầu tư lâu dài và sự tin cậy giữa chính quyền và doanh nghiệp các bên.
Đứng thứ hai là các nhà đầu tư Hàn Quốc với 34 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 705 triệu USD trên nhiều lĩnh vực như: bất động sản, khu đô thị, sản xuất ô tô, đóng tàu, khách sạn, siêu thị, du lịch, giáo dục... Đồng thời, các nhà đầu tư British Islands, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ... với tổng số trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư trực tiếp vào Đà Nẵng, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa ngành dịch vụ trở thành ngành kinh tế chủ đạo của thành phố. Đặc biệt là hàng loạt dự án về du lịch ven biển có các thương hiệu hàng đầu trên thế giới như Hyatt, Raffles, Furama... Các dự án FDI góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, nâng cao trình độ và tạo điều kiện tiếp cận với công nghệ kỹ thuật, hình thành tác phong công nghiệp và có kỷ luật cho người lao động.
Động lực phát triển
Nhìn từ góc độ khác, các dự án FDI có tác động tích cực đến quá trình chuyển đổi tư duy kinh tế của các doanh nghiệp trong nước, tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tự điều chỉnh, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong năm 2013, có 1.997 doanh nghiệp được cấp phép mới (tăng 5,6%) với tổng vốn đăng ký 5.953 tỷ đồng (tăng 13,7%). TP.Đà Nẵng hiện có 13.337 doanh nghiệp hoạt động, tổng vốn 68.618 tỷ đồng (tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm 2012), góp phần quan trọng tăng nguồn lực tài chính cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Đáng kể, trong năm 2013, bất chấp kinh tế khó khăn Đà Nẵng vẫn dồn sức đầu tư hoàn thành các công trình trọng điểm như khánh thành Bệnh viện Ung thư (ngày 19.1), khánh thành cáp treo Bà Nà với 4 kỷ lục thế giới, các cây cầu bắc qua sông Hàn (cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý dịp 29.3, cầu Nguyễn Tri Phương dịp 30.4). Ngoài ra, thành phố còn tổ chức thành công các sự kiện Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế - Đà Nẵng 2013; Cuộc thi Marathon quốc tế và trại điêu khắc đá quốc tế 2013 lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng... thu hút trên 3 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo doanh thu trên 6.650 tỷ đồng… Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Văn Hữu Chiến chia sẻ, năm 2013 thành phố chọn chủ đề là “Năm môi trường và an sinh xã hội”, tạo nên một thành phố xanh, sạch, thân thiện, không có người ăn xin, người nghèo mắc bệnh ung thư ở Quảng Nam và Đà Nẵng được điều trị miễn phí... Suy cho cùng, đó là hình ảnh của một thành phố hiện đại, văn minh, giàu tình người, một tiêu chí kinh tế - nhân văn có sức hấp dẫn NĐT trong nước và quốc tế.
NGUYỄN THANH BÌNH